Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 01-02-2023

Nghiên cứu tạo vật liệu ban đầu phục vụ chọn giống tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) kháng bệnh đốm trắng (WSSV)

Nghề nuôi tôm trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, cùng với sự thâm canh hóa và gia tăng về diện tích nuôi tôm thì dịch bệnh đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến năng suất và sự phát triển bền vững. Mức độ thâm canh ngày càng cao đã dẫn đến sự xuất hiện và lây lan của nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh do virút gây ra. Bệnh ở tôm nuôi được báo cáo là có ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi tôm trên toàn thế giới (Walker Mohan, 2009; Lightner, 2012a). Cho đến nay, trên thế giới có khoảng 22 loại virút gây bệnh ở tôm he (tôm biển) được công bố. Trong danh mục các bệnh nguy hiểm trên tôm được tổ chức Thú y thế giới cảnh báo có virút gây hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV), virút gây bệnh đốm trắng (WSSV), virút gây hội chứng Taura (TSV) và virút gây bệnh đầu vàng (YHV), virút gây hoại tử cơ (IMNV) (OIE, 2010).

Ở Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục thủy sản tại hội thảo “Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững” tại Sóc Trăng vào ngày 17/9/2019 cho thấy, 08 tháng đầu năm 2019, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là hơn 17.543 ha, chiếm 2,54% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Một số bệnh thường gặp gồm: bệnh hoại tử gan cấp tụy, bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô. Hiện nay, tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế đối với nghề nuôi tôm.

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ diễn biến ngày càng phức tạp, bên cạnh áp dụng kỹ thuật nuôi tiến tiến (nuôi công nghệ cao, nuôi tuần hoàn, nuôi trong nhà kính...) để giảm thiểu khả năng lây nhiễm bệnh thì việc nghiên cứu tạo ra các con giống có khả năng chống chịu với thay đổi của môi trường và kháng bệnh là hết sức cần thiết là giải pháp hữu hiệu trong phòng bệnh cho tôm nuôi hiện nay. Những kết quả nghiên cứu tạo các dòng tôm kháng bệnh taura, đốm trắng ở tôm thẻ chân trắng trên thế giới và kết quả chọn giống cá tra kháng bệnh gan thận mủ ở Việt Nam là những dữ liệu khoa học quan trọng để thiết lập các nội dung nghiên cứu tạo đàn tôm thẻ chân trắng kháng bệnh đốm trắng phù hợp với điều kiện nuôi ở Việt Nam.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Hữu Hùng thực hiện “Nghiên cứu tạo vật liệu ban đầu phục vụ chọn giống tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) kháng bệnh đốm trắng (WSSV)” với mục tiêu: Hình thành quần đàn tôm thẻ chân trắng làm vật liệu ban đầu phục vụ chọn giống 3 tôm chân trắng kháng bệnh đốm trắng (WSSV).

Các giai đoạn phát triển của tôm (tôm bố mẹ, hậu ấu trùng và tôm bắn dấu) ở từng thế hệ chọn giống đều được kiểm soát, phân tích 5 loại bệnh virút gồm: hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), đầu vàng (YHV), hoại tử cơ quan tạo máu (IHHNV), hội chứng taura (TSV) và đốm trắng (WSSV).

Tôm từ thí nghiệm cảm nhiễm được thu và bảo quản trong cồn 70º . ADN từ 10 cá thể tôm của mỗi gia đình (10 mg chân từ mỗi mẫu tôm) được tách chiết bằng Qiagen Dneasy Kit. Hàm lượng ADN được đo bằng máy quang phổ Nanodrop với bước sóng 260 nm. Số lượng copy của virút WSSV trong mẫu tôm cảm nhiễm được xác định bằng phương pháp qPCR theo quy trình Jang et al. (2009). Quy trình q-PCR được thực hiện sử dụng cặp mồi WSSV RT-WSSV-F154 (5′-CCA GTT CAG AAT CGG ACG TT-3′) và RT-WSSV-R154 (5′-AAA GAC GCC TAC CCT GTT GA-3′) để khuếch đại đoạn gen 154 bp. Mồi Taqman được tổng hợp và dán nhãn với thuốc nhuộm huỳnh quang 6-carboxyfloroscein (FAM, fluorophore ở đầu 5’ và N-[4-(4- dimethylamino) phenylazo] benzoic acid (DABCYL; quencher) ở đầu 3’. Số lượng virút WSSV được tính toán bằng so sánh giá trị chu kỳ ngưỡng Ct tương quan với đường chuẩn được thiết lập từ dãy hệ số pha loãng dung dịch WSSV (Phuthaworn et al. 2016).

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Đề tài đã nghiên cứu tạo được quần đàn tôm chân trắng thế hệ G1 với các thông số di truyền khả quan làm vật liệu ban đầu phục vụ chương trình chọn giống tôm chân trắng kháng bệnh đốm trắng tiếp theo.

- Đã khuếch đại và giải trình tự 9 đoạn gen trên các gen ALF1, ALF2, AIF, BGB, CAL, HAE, RAB5, P53, TRAF6 liên quan đến tính kháng WSSV ở tôm thẻ chân trắng. Kết quả phân tích mối tương quan giữa tần suất kiểu gen và tính kháng bệnh đốm trắng cho thấy có thể sử dụng các điểm SNP trên gen AIF, ALF1, HAE và Rab5B như chỉ thị trong chọn giống kháng bệnh đốm trắng ở tôm thẻ chân trắng L. vannamei.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18034/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 5536
Tổng lượt truy cập: 2.800.137
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.