Thiết bị đọc não cho phép người bị liệt nói chuyện bằng suy nghĩ
Trong hai bài báo riêng biệt được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 8/2023, các nhà khoa học đã mô tả giao diện não-máy tính (BCI) với sự trợ giúp của trí thông minh nhân tạo (AI) có khả năng biến đổi tín hiệu thần kinh sang văn bản hoặc các từ, sau đó tiếp tục chuyển đổi thành âm thanh bằng một giọng nói tổng hợp.
Bệnh nhân Ann tham gia buổi thí nghiệm. Ảnh: Noah Berger
BCI do hai nhóm nghiên cứu phát triển có thể giúp người bị liệt nói chuyện bằng suy nghĩ với tốc độ lần lượt là 62 từ/phút và 78 từ/phút.
“Trong tương lai gần, chúng ta có thể khôi phục cuộc trò chuyện tự nhiên cho những người bị liệt [với tốc độ khoảng 160 từ mỗi phút], cho phép họ tự do nói bất kỳ điều gì với độ chính xác đủ cao để người nghe có thể hiểu một cách rõ ràng và đáng tin cậy”, Francis Willett, nhà thần kinh học tại Đại học Stanford (Mỹ), đồng tác giả của một trong hai bài báo, cho biết.
Trong nghiên cứu đầu tiên, Willett và cộng sự đã tiến hành cấy ghép các mảng điện cực nhỏ vào những vùng não liên quan đến lời nói của bệnh nhân Pat Bennett (67 tuổi), người mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) gây mất kiểm soát các cơ, dẫn đến khó di chuyển và nói chuyện. Trong quá trình thử nhiệm liên quan đến một tập hợp 125.000 từ, tỷ lệ giải mã sai của giao diện não-máy tính khoảng 23,8%, điều này nghĩa là cứ bốn từ thì có khoảng ba từ được giải mã chính xác.
Trong nghiên cứu thứ hai, Edward Chang – bác sĩ giải phẫu thần kinh tại Đại học California, San Francisco (Mỹ) – và các cộng sự tiến hành thí nghiệm trên một phụ nữ 47 tuổi tên là Ann, người mất khả năng nói sau khi trải qua một cơn đột quỵ cách đây 18 năm. Họ sử dụng một phương pháp khác với nhóm của Willett, đó là đặt một hình chữ nhật mỏng như tờ giấy chứa 253 điện cực lên bề mặt vỏ não.Kỹ thuật này được gọi là “ghi điện vỏ não (ECoG)”. Nó ít xâm lấn hơn và có thể ghi lại hoạt động tổng hợp của hàng nghìn tế bào thần kinh cùng lúc. Tỷ lệ giải mã sai các từ của thiết bị khoảng 25,5%.
https://khoahocphattrien.vn/