“Giờ vàng” trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ não
Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng não không được bơm đủ máu do mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Đây là một tình trạng vô cùng nguy hiểm, cần được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, nhiều người lại không nhận ra được đây là chứng đột quỵ, khiến thời gian điều trị bị chậm trễ, dẫn đến những di chứng vô cùng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Trước khi khởi phát, đột quỵ đã có một quá trình diễn biến âm thầm, kéo dài từ biến chứng của xơ vữa động mạch gây thiếu máu não. Khi mảng xơ vữa ngày càng dày, bong ra, kết hợp với các yếu tố hình thành cục huyết khối (máu đông) kẹt lại trong nhiều mạch máu não gây tắc, vỡ mạch dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ não có 2 thể là nhồi máu não và xuất huyết não. Có khoảng 85% trường hợp nhồi máu não do tắc nghẽn mạch máu não. Khoảng 15% trường hợp là xuất huyết não do vỡ mạch máu não. Cả 2 trường hợp này cần được cấp cứu càng sớm càng tốt, nếu người bệnh được can thiệp, điều trị sớm thì khả năng cứu sống, tỷ lệ hồi phục càng cao và ngược lại.
Hiện có hai phương pháp tái thông mạch là điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (đối với các bệnh nhân có tắc mạch lớn). Cửa sổ thời gian điều trị tái thông rất hẹp, trong 3 - 4,5 giờ từ khi khởi phát. Nhưng ít bệnh nhân tiếp cận được với những phương pháp này vì đến viện muộn. Khoảng hơn 30% số người đột quỵ đến viện trong thời gian vàng, tức dưới 6 giờ; 23% đến viện dưới 4,5 giờ kể từ khi khởi phát bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tái tưới máu thấp, ở mức 14% - nguy cơ bị di chứng hoặc tử vong cao.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến các cơ sở có điều kiện, kỹ thuật, máy móc xử lý đột quỵ càng sớm càng tốt, khi thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu điển hình như: Yếu liệt chi, nói đớ, nói ngọng, khó nói, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng, tê tay chân, đau đầu, nôn ói… Không nên dùng những phương thức như cạo gió, bấm miệng… mà để lỡ mất “giờ vàng”.
Bệnh nhân càng đến muộn “giờ vàng”, tỷ lệ tử vong và tàn phế càng tăng. Bệnh nhân phải chịu đời sống thực vật kéo dài, ngồi xe lăn, đi đứng khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đối với sức khỏe, tính mạng của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống của cả gia đình, người thân chăm sóc. Hệ lụy từ di chứng của bệnh nhân đột quỵ điều trị muộn vô cùng nặng nề.
https://vista.gov.vn/