Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Công nghệ - Sản phẩm

Ngày đăng: 05-10-2023

Sản xuất men tạo hiệu ứng “hạt đường” sử dụng trong sản xuất gạch ốp lát

Mới đây, ThS Mai Văn Dương và các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã thực hiện thành công đề tài: “Nghiên cứu sản xuất men tạo hiệu ứng ‘hạt đường’ sử dụng trong sản xuất gạch ốp lát”, góp phần tạo ra dòng men “hạt đường” thay thế sản phẩm nhập ngoại, đáp ứng nhu cầu thực tế tại các nhà máy sản xuất gạch ốp lát trong nước.

Từ nhu cầu của thị trường

Bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ đã có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, trong đó có ngành sản xuất gạch ốp lát. Để tăng tính cạnh tranh, song song với việc cải tiến công nghệ nhằm nâng cao chất lượng thì sản phẩm gạch ốp lát phải tăng tính thẩm mỹ để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Sản phẩm gạch ốp lát đa phần được phủ lớp men trang trí, lớp men này làm tăng tính thẩm mỹ, giúp sản phẩm chống bụi bẩn và có tác dụng làm tăng một số tính chất kỹ thuật cho sản phẩm như: độ cứng, độ bóng, độ chịu mài mòn, độ bền…

Những năm gần đây, xu hướng sử dụng dòng sản phẩm gạch men có phủ lớp trang trí “hạt đường” được ưa chuộng vì tạo hiệu ứng độc đáo, đem lại giá trị thẩm mỹ cao. Loại gạch này được phủ một lớp men đặc biệt tạo trên bề mặt gạch là các hạt nhỏ ly ty trong suốt, khi có nguồn sáng chiếu vào gây ra hiện tượng khúc xạ làm bề mặt gạch trở lên óng ánh, đẹp mắt, giống như được rải một lớp hạt đường. Mặt khác, cũng nhờ các hạt này mà bề mặt gạch có độ nhám, có tác dụng chống trơn trượt. Hiện nay, các công ty sản xuất gạch ốp lát sử dụng men “hạt đường” đều nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài chi phí cao. Để khắc phục tình trạng trên, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đã đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất men tạo hiệu ứng ‘hạt đường’ sử dụng trong sản xuất gạch ốp lát” nhằm tạo ra được dòng men có thay thế sản phẩm nhập ngoại, đáp ứng nhu cầu thực tế tại các nhà máy sản xuất gạch ốp lát trong nước.

Làm chủ công nghệ sản xuất men tạo hiệu ứng “hạt đường”

Là viện nghiên cứu khoa học công nghệ đầu ngành trong lĩnh vực gốm sứ thủy tinh công nghiệp, nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành mục tiêu đặt ra và hoàn thành các nội dung, cụ thể là: khảo sát, lựa chọn được nguyên liệu sản xuất frit men hạt đường: các nguyên liệu được chọn đều là các nguyên liệu có khả năng nấu chảy tốt ở nhiệt độ đã định; thiết lập được đơn phối liệu frit hạt đường và quy trình tạo frit; chế thử được 20 kg frit men “hạt đường” đạt tiêu chuẩn với nhiệt độ nung dưới 1200oC, độ chịu mài mòn đạt cấp IV (theo TCVN 6415-2016).

Gạch ốp lát có men “hạt đường” do đề tài thực hiện.

ThS Mai Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp, chủ nhiệm đề tài cho biết, men là một lớp mỏng dạng thủy tinh với chiều dày 0,1-0,3 mm, được phủ lên xương sản phẩm, có tác dụng ngăn ngừa nước, axit, kiềm ngấm vào xương sản phẩm, bảo vệ sản phẩm khỏi bụi bẩn, từ đó làm tăng giá trị thẩm mỹ và tính chất kỹ thuật của sản phẩm. Men sử dụng cho gạch ốp lát ceramic là men frit gồm men engobe và men nền. Men engobe hay men lót là lớp men nằm trung gian giữa xương và men nền. Lớp men này đóng vai trò là lớp trung gian giữa xương và men nền nhằm hạn chế ứng suất có thể gây bong, nứt men do sự khác biệt lớn về hệ số giãn nở nhiệt giữa xương và lớp men nền. Trong khi đó, men “hạt đường” được tạo thành từ sự pha trộn giữa frit và dung môi theo một tỷ lệ thích hợp. Dung môi sử dụng trong nghiên cứu của đề tài là dung môi dành cho men “hạt đường” của Hãng Ceri, có thành phần cơ bản là keo hữu cơ tạo màng, chất phân cực gốc glyceron, CMC, STPP. Sau khi nghiền hạt frit và phân chia theo 3 dải hạt. Việc phân chia thành các dải hạt và phối trộn theo tỷ lệ như thế nào rất quan trọng đối với men “hạt đường”. Đối với men này, mỗi dải hạt lại đóng vai trò khác nhau, quyết định độ sần cho bề mặt gạch. Trong quá trình nung, hạt có kích thước lớn thì góc thấm ướt lớn, làm giảm sức căng bề mặt của men tạo nên độ sần cho bề mặt men, hạt kích thước nhỏ thì góc thấm ướt nhỏ hơn, sức căng bề mặt lớn, dễ chảy hơn, đóng vai trò như lớp nền liên kết các hạt lớn lại với nhau. Việc lựa chọn tỷ lệ phối hạt dựa trên việc đánh giá bề mặt men sau khi nung.

Kết quả nghiên cứu bước đầu đã tạo được dòng men “hạt đường” thay thế cho sản phẩm nhập ngoại, từ đó đáp ứng nhu cầu thực tế tại các nhà máy sản xuất gạch ốp lát trong nước, góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh.

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 1330
Tổng lượt truy cập: 4.026.390
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!