Tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân
Chuyển đổi số, trong đó có hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là một chủ trương lớn mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện. Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thói quen thanh toán của người dân đang dần có những thay đổi lớn, trở thành “đòn bẩy” quan trọng thúc đẩy nhanh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt.
Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã áp dụng hình thức thanh toán quét mã QR Code
Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số, như: ví điện tử, mobile banking, internet banking, mã QR... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay vì người mua và người bán trực tiếp trao đổi tiền mặt với nhau như thông lệ truyền thống.
Thanh toán không dùng tiền mặt giúp hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình mua bán hàng hóa và dịch vụ. Thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, sau thời gian chịu ảnh hưởng của COVID-19, thói quen thanh toán của người dân có những thay đổi lớn.
Từ hơn hai năm nay, anh Hoàng Hải Đăng, ở phường Đông Giang, TP. Đông Hà không phải trực tiếp cầm tiền mặt đến thanh toán tại các điểm thu tiền điện, nước. Thay vào đó, anh đăng ký khấu trừ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng cho các dịch vụ này. Anh Đăng cho biết, việc thanh toán tiền điện, nước qua tài khoản ngân hàng rất dễ dàng và thuận tiện, không phải mất thời gian và công sức đi lại.
Cũng là một trong những người đã hình thành thói quen tiêu dùng không sử dụng tiền mặt, chị Đặng Diệu Linh, ở Phường 5, TP. Đông Hà chia sẻ: “Trước đây, tôi có thói quen dùng tiền mặt, nhưng sau thời gian COVID-19 bùng phát đến nay, tôi thấy tiện ích rõ ràng của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Với thẻ ATM hoặc điện thoại thông minh, tôi có thể thanh toán dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và ở bất cứ đâu, đặc biệt hạn chế tiếp xúc và sử dụng tiền mặt. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình tôi đều sử dụng chuyển khoản hoặc đăng ký trừ tiền trực tiếp qua ngân hàng, điều này giúp tiết kiệm thời gian đi lại”.
Từ những thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân, các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh cũng nhanh chóng thích ứng, cài đặt và sử dụng các ứng dụng thanh toán và bán hàng trên môi trường mạng. Hiện nay toàn tỉnh có trên 3.800 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code được đặt tại các cơ sở, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... đã tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận các phương tiện thanh toán và sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Chị Nguyễn Thị Thành Nhân, chủ một cửa hàng kinh doanh ăn uống ở TP. Đông Hà chia sẻ: “Để tạo sự tiện lợi cho khách hàng thì ngoài việc bán trực tiếp tại cửa hàng, tôi cũng đẩy mạnh bán hàng qua mạng và thanh toán qua ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng, quẹt thẻ ATM nhằm đáp ứng các nhu cầu thanh toán đa dạng của khách hàng”.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đã triển khai nhiều dịch vụ trực tuyến, máy ATM đa chức năng… với các thao tác đơn giản giúp người dân có thêm điều kiện sử dụng các dịch vụ ngân hàng số dễ dàng và thuận tiện hơn. Các ứng dụng, dịch vụ về thanh toán không dùng tiền mặt, như: mã QR, mobile banking, ví điện tử… xuất hiện nhiều hơn không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như thanh toán hóa đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, đặt tour du lịch… Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…
Đặc biệt, nhằm thúc đẩy các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo tiên phong áp dụng công nghệ số, nền tảng số, triển khai chuyển đổi số, thanh toán số; thúc đẩy các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường y tế số văn minh, thuận lợi, an toàn, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người dân, UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND về việc thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu 100% trường học, cơ sở giáo dục phải triển khai đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán học phí, phí, lệ phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Các bệnh viện, cơ sở y tế đẩy mạnh việc lựa chọn, ứng dụng các nền tảng số phù hợp, hiệu quả để phục vụ triển khai công tác chuyển đổi số y tế, đảm bảo người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao kịp thời, tiện lợi và an toàn; phấn đấu 100% bệnh viện, cơ sở y tế phải triển khai đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Các bệnh viện, cơ sở y tế bố trí đầu mối, nhân lực để hướng dẫn, hỗ trợ việc thực hiện thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định. Bên cạnh đó, vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các nền tảng số giáo dục, nền tảng số y tế, các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán trên địa bàn tỉnh có các hình thức khuyến khích như miễn, giảm phí, khuyến mãi, giảm giá... đối với trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế và khách hàng các cơ sở này khi sử dụng nền tảng số, giải pháp, dịch vụ số và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Có thể thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế mới hiện nay bởi những tiện ích mà nó mang lại. Tin rằng, đây sẽ là sự lựa chọn của nhiều người trong thời gian tới, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu, mua sắm và kinh doanh. Qua đó, góp phần cùng tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công trên tất cả các lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số, công dân số trong tương lai.
http://www.baoquangtri.vn/