Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng

Ngày đăng: 16-08-2024

7 nguyên tắc của tiêu chuẩn ISO 26000 về trách nhiệm xã hội

ISO 26000 là tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) về hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội một cách hiệu quả. ISO 26000 được ban hành có thể áp dụng cho mọi loại tổ chức với mọi loại hình, quy mô và lĩnh vực khác nhau.

ISO 26000 áp dụng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp với mọi quy mô. (Ảnh minh họa)

ISO 26000 gồm 7 nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc đầu tiên là trách nhiệm giải trình - doanh nghiệp, tổ chức cần chịu trách nhiệm về tác động của mình đối với xã hội, nền kinh tế và môi trường. Doanh nghiệp, tổ chức cần có trách nhiệm đối với những tác động của các quyết định và hoạt động của tổ chức đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế, đặc biệt là hậu quả tiêu cực nghiêm trọng; có những hành động nhằm ngăn ngừa tái diễn các tác động tiêu cực ngoài chủ ý và không lường trước.

Nguyên tắc thứ hai là minh bạch - doanh nghiệp, tổ chức cần minh bạch trong các quyết định và hoạt động có tác động đến xã hội và môi trường. Tổ chức cần công khai chính sách, quyết định và hoạt động thuộc trách nhiệm của tổ chức, bao gồm cả những tác động biết trước và có thể có đối với xã hội và môi trường một cách rõ ràng, chính xác và đầy đủ, ở mức độ hợp lý và trọn vẹn. Thông tin này cần có sẵn, dễ tiếp cận và dễ hiểu đối với những người đã hoặc có thể chịu ảnh hưởng đáng kể bởi tổ chức. Thông tin cần kịp thời và đúng sự thật, được trình bày một cách rõ ràng, khách quan sao cho các bên liên quan có thể đánh giá chính xác tác động mà những quyết định và hoạt động của tổ chức tạo ra đối với lợi ích tương ứng của họ.

Nguyên tắc thứ ba là hành vi đạo đức - doanh nghiệp, tổ chức cần phải luôn ứng xử có đạo đức. Hành vi của tổ chức cần dựa trên các nguyên tắc trung thực, công bằng và nhất quán. Những giá trị này hàm ý mối quan tâm đối với con người, động vật và môi trường cũng như cam kết điều chỉnh tác động hoạt động và quyết định của tổ chức tới lợi ích của các bên liên quan.

Nguyên tắc thứ tư là tôn trọng quyền lợi của các bên liên quan. Doanh nghiệp, tổ chức cần xác định các bên liên quan; thừa nhận và quan tâm thích đáng đến quyền lợi cũng như quyền hợp pháp của các bên liên quan và đáp ứng mối quan ngại mà họ bày tỏ; thừa nhận rằng một số bên liên quan có thể có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của tổ chức; xem xét quan điểm của các bên liên quan có quyền lợi có thể chịu ảnh hưởng bởi một quyết định hay hoạt động ngay cả khi họ không có vai trò chính thức trong bộ máy điều hành của tổ chức hoặc không nhận thức được các quyền lợi này;…

Tôn trọng quyền con người là một trong những nguyên tắc quan trọng của tiêu chuẩn ISO 26000. Ảnh: TTXVN.

Nguyên tắc thứ năm là tôn trọng nguyên tắc pháp quyền - doanh nghiệp, tổ chức cần nhận thức rằng việc tôn trọng nguyên tắc pháp quyền là bắt buộc. Nguyên tắc pháp quyền đề cập đến quyền lực tối cao của luật pháp, đặc biệt không một cá nhân hoặc tổ chức nào được đứng trên luật pháp và chính phủ cũng phải tuân thủ luật pháp. Vì vậy, tổ chức cần thực hiện các bước để nhận thức về các luật và quy định áp dụng, để thông tin cho mọi người trong tổ chức về nghĩa vụ của họ trong việc tuân thủ và thực hiện các biện pháp tuân thủ luật pháp.

Nguyên tắc thứ sáu là tôn trọng chuẩn mực ứng xử quốc tế - doanh nghiệp, tổ chức cần tôn trọng các chuẩn mực ứng xử quốc tế, trong khi vẫn gắn với nguyên tắc tôn trọng nguyên tắc pháp quyền.

Nguyên tắc thứ bảy là tôn trọng quyền con người - Doanh nghiệp, tổ chức cần tôn trọng và thúc đẩy, khi có thể, những quyền được nêu trong Bộ Luật quốc tế về quyền con người; tôn trọng tính chất chung của các quyền này, đó là, chúng được áp dụng không thể tách rời ở tất cả các quốc gia, nền văn hóa và hoàn cảnh; trong những trường hợp quyền con người không được bảo vệ, thì cần thực hiện các biện pháp tôn trọng quyền con người và tránh lợi dụng những tình huống này; trong những trường hợp luật hoặc việc thi hành luật không đưa ra các biện pháp bảo vệ thích đáng quyền con người, thì cần gắn kết với nguyên tắc tôn trọng chuẩn mực ứng xử quốc tế.

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 20
Hôm nay: 1714
Tổng lượt truy cập: 3.396.689
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.