Hoạt động khoa học và công nghệ nổi bật năm 2022
Năm 2022, được sự quan tâm của Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ KH&CN cùng với nỗ lực của toàn Ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Trị đã để lại nhiều dấu ấn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đặc san Khoa học và Công nghệ số đặc biệt đón chào năm mới 2023 - Xuân Quý Mão điểm lại những hoạt động KH&CN tỉnh Quảng Trị nổi bật trong năm 2022.
Lan Hồ Điệp khoe sắc tại Sa Mù
1. Thực hiện Chương trình công tác trọng tâm của BTV Tỉnh ủy Quảng Trị năm 2022, ngày 10/11/2022, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học: “Đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/ TW ngày 01/11/2012 của BCH TW Đảng khóa XI. Định hướng phát triển KH&CN thời gian tới”. Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, hoạt động KH&CN tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành tựu nổi bật, tiềm lực, trình độ KH&CN được nâng lên, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh.
2. Ngày 10/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị trang trọng tổ chức Lễ Công bố Sách “Địa chí Quảng Trị”. Với hơn 1.600 trang, 22 chương gồm 4 phần Địa lý tự nhiên và dân cư, lịch sử, kinh tế, văn hóa - xã hội; Sách “Địa chí Quảng Trị” là công trình khoa học tổng hợp, thành tựu quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của tỉnh. Đây là tài liệu quan trọng và chính thống để lưu giữ, phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý, giảng dạy và giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Quảng Trị; là cơ sở để quảng bá về mảnh đất và con người Quảng Trị trong và ngoài nước.
3. Năm 2022, hoạt động nghiên cứu tập trung triển khai 21 nhiệm vụ KH&CN các cấp gồm: 01 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 01 nhiệm vụ cấp Viện, 10 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 09 nhiệm vụ cấp cơ sở. Nghiệm thu 02 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 11 nhiệm vụ cấp tỉnh và 02 nhiệm vụ cấp cơ sở. Các nhiệm vụ KH&CN được tổ chức thực hiện gắn với việc phát triển các hàng hóa chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tập trung triển khai các nội dung liên quan đến nhãn hiệu, thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
4. Hoạt động hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN đạt được những kết quả quan trọng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 163/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Sở đã tham mưu UBND tỉnh Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 30/03/2022 quy định hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026; tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao với 5 dự án, kinh phí hỗ trợ 658 triệu đồng. Hỗ trợ cho 5 tổ chức/cá nhân trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ với kinh phí hỗ trợ 25 triệu đồng; lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hỗ trợ 8 tổ chức/cá nhân với kinh phí hỗ trợ là 148 triệu đồng.
5. Với phương châm lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo “Các chính sách KHCN hỗ trợ doanh nghiệp” và Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở KH&CN với Hội Doanh nghiệp trẻ. Tổ chức thành công cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022 với 5 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết, trao 01 giải nhất, 02 giải nhì và 02 giải ba.
6. Nhằm đưa hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ thiết thực sản xuất và đời sống. Năm 2022, với việc chuyển giao quy trình sản xuất phân bón hữu cơ viên nén chuyên dùng cho cây lúa quy mô công nghiệp; quy trình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê tại xã Hướng Phùng, quy trình và hướng dẫn công nghệ sấy bơm nhiệt cho sản phẩm chuối sấy dẻo tại Nhà máy chế biến nông lâm sản Toàn Cầu; công tác chuyển giao và ứng dụng KH&CN vào quản lý, sản xuất, kinh doanh ngày càng được đẩy mạnh, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao đời sống, phát triển sản xuất, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
7. Thực hiện Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Phần mềm quản lý hồ sơ nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và số hóa, lưu trữ hồ sơ nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2010-2021; tập trung số hóa cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu KH&CN nhằm phục vụ cho kế hoạch chuyển đổi số của ngành theo lộ trình.
8. Lĩnh vực Công nghệ sinh học đạt nhiều kết quả trong việc ứng dụng công nghệ vi sinh vật, nuôi cây mô và chẩn đoán bệnh cây trồng, vật nuôi bằng phương pháp PCR. Đặc biệt, thông qua thực hiện Đề án 324 “Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
9. Hoạt động bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2022, có 12 nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ, qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh, làm tăng danh tiếng của sản phẩm, đặc biệt là nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
10. Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa ngày càng thể hiện tính ưu việt của mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại hoa, quả cao cấp, cây dược liệu quý. Năm 2022 sản xuất cung ứng cho thị trường hoa cao cấp hơn 30 nghìn cây Lan Hồ điệp. Ngoài các loại hoa, Trung tâm đã đưa các loại dược liệu quý hiếm có tại bản địa, có tên sách đỏ để bảo tồn và phát triển, điển hình như lan Kim tuyến, Thất diệp nhất chi hoa. Tiếp tục triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình các loại cây có giá trị kinh tế cao như Dây tây, Cà chua siêu ngọt.
Đặc san Khoa học và Công nghệ