Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 29-07-2022

Từng bước nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ

Ứng dụng KHCN trong sản xuất tôn cách nhiệt ở Công ty TNHH Thương mại số 1, TP. Đông Hà

Các nhiệm vụ điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường đã cung cấp nhiều thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT - XH. Kết quả các đề tài điều tra cơ bản phục vụ cho việc quy hoạch, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, khoáng sản, khí tượng, thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển các công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao, công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường... Qua đó, đã góp phần tích cực thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 

Các đơn vị trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã tập trung nghiên cứu, tiếp nhận, hoàn thiện quy trình công nghệ sinh học như ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để bảo tồn, lưu giữ, phát triển và sản xuất các loại cây lâm nghiệp, cây hoa và cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.

 

Đặc biệt, việc ứng dụng nuôi cấy mô để nhân giống cây keo lai đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng, nhất là trồng rừng theo chứng chỉ FSC. Tập trung nghiên cứu, phân lập, lựa chọn, lưu giữ, hoàn thiện quy trình công nghệ, sản xuất thử nghiệm và sản xuất thành công nhiều loại chế phẩm vi sinh vật phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường như: chế phẩm xử lý chất thải, ủ phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi, xử lý ao nuôi thủy sản, bổ sung thức ăn chăn nuôi, vi sinh đối kháng, phòng trừ nấm gây bệnh cây trồng… bằng công nghệ tiên tiến hiện đại, chất lượng cao, hiệu quả sử dụng tốt, được người dân đón nhận, sử dụng rộng rãi.

 

Nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất, dịch vụ giống và các loại nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng thâm canh, đặc thù và nâng cao giá trị. Hằng năm, Trạm Nghiên cứu và Phát triển nấm sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 30 tấn giống, gần 300.000 bịch nấm các loại để sản xuất; sản xuất gần 1.000 kg nấm linh chi, 1.000 kg mộc nhĩ khô và khoảng hơn 200 kg nấm rơm tươi.

 

Lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản được áp dụng khá rộng rãi các tiến bộ KH&CN. Đã có nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến để chế biến sâu các sản phẩm nông sản thành hàng hóa có giá trị gia tăng cao, được đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, thương hiệu và đã thương mại hóa, lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt đã nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện, đổi mới công nghệ để sản xuất, chế biến sâu theo hướng nâng cao giá trị các sản phẩm, nguyên liệu mang tính đặc thù của địa phương. Xây dựng vùng nguyên liệu và sản xuất các loại trà hòa tan như: Giảo cổ lam, chè vằng, cà gai leo, linh chi, đông trùng hạ thảo và nhiều sản phẩm hàng hóa thuộc chương trình OCOP của tỉnh…

 

Công nghiệp chế biến gỗ khá phát triển. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 115 DN, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ có đăng ký hoạt động, chủ yếu là gỗ MDF, ván ghép thanh, mộc mỹ nghệ, viên nén và dăm gỗ. Một số DN đi đầu trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng.

 

Đáng chú ý trong lĩnh vực cơ khí và tự động hóa đã chú trọng ứng dụng các loại máy móc, thiết bị cơ giới phục vụ một số khâu trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc. Đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa và tự động hóa trong quá trình điều khiển sản xuất như: Máy gặt đập liên hợp, máy đánh luống, máy cuộn rơm, máy bay phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa và nhiều sáng chế máy thu hoạch khác đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi.

 

Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề cũng được ứng dụng nhiều loại máy móc như: Máy chế biến bún bánh, tinh bột sắn, nghệ, máy điêu khắc gỗ mỹ nghệ; đồng thời chú trọng lựa chọn công nghệ mới, mua sắm trang thiết bị định lượng đo lường, kiểm tra chất lượng trong các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh.

 

Về công nghệ vật liệu xây dựng và năng lượng mới, tập trung nghiên cứu vật liệu silicát, bê tông nhựa tổng hợp; về năng lượng tái tạo đã triển khai nghiên cứu, khảo sát, lắp đặt thiết bị và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về điều kiện đầu vào để xây dựng các dự án khai thác năng lượng tái tạo. Tỉnh Quảng Trị đã được phê duyệt vào Quy hoạch phát triển điện lực 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177,2 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 149,5 MWp và 18 dự án thủy điện với tổng công suất 260,5 MW.

 

Đến nay, đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại. Công nghệ thông tin và truyền thông ứng dụng rộng rãi phục vụ người dân, DN đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 59,2% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tổng số dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh là 2.003 dịch vụ. Ứng dụng một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ đến tận 100% các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh; đã tích hợp, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu tỉnh.

 

Cùng với Cổng thông tin điện tử của tỉnh, đến nay 100% các sở, ban, ngành và địa phương đều có trang thông tin điện tử cung cấp thông tin phục vụ người dân, DN. Hệ thống thư điện tử công vụ được triển khai đồng bộ tại tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình gồm 10 điểm. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã được hỗ trợ triển khai hội nghị truyền hình kết nối 2 chiều từ Chính phủ về cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành...

 

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học để Tỉnh ủy và các cấp ủy xây dựng, triển khai nghị quyết đại hội đảng các cấp và ban hành một số chính sách của tỉnh. Việc hoàn thành bộ dữ liệu khoa học về di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; biên soạn Địa chí tỉnh Quảng Trị; thống kê và đề xuất các giải pháp bảo tồn văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Trị; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển…góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ.

 

Việc triển khai nhiệm vụ KH&CN đã giúp cho tiềm lực và trình độ KH&CN của tỉnh đã được nâng lên một bước, tạo ra sản phẩm mới, ngành nghề mới... góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh.

Trần Cát Linh

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 3636
Tổng lượt truy cập: 4.062.401
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!