Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 03-10-2022

Đẩy mạnh hợp tác nuôi trồng thủy sản ở Cam Thủy

Trước đây, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Cam Thủy do thiếu kinh nghiệm, sản xuất mang tính tự phát, thiếu liên kết, nên có những thời điểm sản lượng thủy sản nuôi đạt khá, nhưng thị trường đầu ra khó khăn do nhiều người nuôi cùng đối tượng nuôi; thời gian nuôi lại không thể để quá dài vì địa bàn ao nuôi thấp trũng, sợ ảnh hưởng của lũ lụt.

Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Cam Thủy Trần Văn Thắng cho biết, gia đình anh nuôi cá nước ngọt hơn 15 năm nay. Với tổng diện tích ao nuôi gần 1 ha, thả nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi, bình quân mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, do địa bàn ao nuôi thấp trũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt; mặt khác, vì biết các hộ nuôi cá nước ngọt phải xuất bán hết cá trước mùa mưa để tránh lũ, nên gia đình anh cũng như các hộ nuôi thủy sản khác trong xã thường bị thương lái ép giá. Để khắc phục tình trạng đó, các hộ nuôi trồng thủy sản đã từng bước liên kết, thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Cam Thủy với số thành viên ban đầu 24 hộ tham gia.

“Trong tổ hợp tác có hộ Trần Văn Tý vừa nuôi cá chép giòn vừa làm dịch vụ mở nhà hàng chế biến các món ăn từ cá chép giòn, hiệu quả kinh tế rất cao. Theo đó, các thành viên tổ hợp tác đã bàn bạc thống nhất các loại cá trắm, cá chép của thành viên tổ hợp tác trước đây phải xuất bán hết trước mùa mưa để tránh lũ, thì nay sẽ liên kết chuyển sang nuôi giòn trong lồng nuôi, cung cấp cho nhà hàng của hộ Trần Văn Tý.

Đồng thời, thay vì tập trung vào một vài đối tượng nuôi truyền thống như cá chép, cá trắm, cá mè, cá rô phi dễ gặp rủi ro về giá cả thị trường đầu ra không ổn định, tổ hợp tác đã bàn bạc thống nhất đa dạng hóa đối tượng nuôi phù hợp; nhân rộng thêm các mô hình nuôi cua đồng, ốc bươu đen… Hướng tới, tổ hợp tác khuyến khích các thành viên có điều kiện thuận lợi học hỏi kinh nghiệm để mở quán chế biến các sản phẩm thủy sản nuôi của tổ hợp tác, nâng cao giá trị gia tăng cho người dân”, ông Trần Văn Thắng cho biết thêm.

Anh Trần Công Hiếu, thành viên nuôi thủy sản trẻ ở thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, vừa nuôi thử nghiệm thành công mô hình ốc bươu đen (còn gọi là ốc nhồi), chia sẻ: “Sau khi đưa sản phẩm ốc bươu đen của tôi lên trang cá nhân thì có rất nhiều khách hàng tìm đến tận nhà hỏi mua giống ốc bươu đen qua dịch vụ định vị vị trí trên điện thoại smartphone, tôi có suy nghĩ tại sao mình không xây dựng trang web riêng và làm vài món ăn ngon chế biến từ ốc để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho mọi người biết và tìm mua ốc bươu đen của mình nhiều hơn?

Là người trẻ có am hiểu về mạng xã hội, tôi sẽ giúp Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Cam Thủy xây dựng trang bán hàng trên mạng xã hội để giới thiệu các sản phẩm thủy sản sạch của các thành viên tổ hợp tác. Nếu thuận lợi thì có thể mở rộng làm dịch vụ thu gom và tìm kiếm đầu ra cho thủy sản nuôi của tổ hợp tác. Khi thương hiệu thủy sản nuôi xã Cam Thủy được nhiều người biết đến thì nghề nuôi trồng thủy sản sẽ phát triển mạnh, nâng cao giá trị, góp phần cải thiện đời sống cho người nuôi”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Võ Thanh Tú, toàn xã Cam Thủy hiện có 183 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích 22 ha. Trong đó, có 24 hộ dân tham gia thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Cam Thủy, với diện tích ao nuôi khoảng 6,5 ha, tập trung ở các thôn Nhật Lệ, Cam Vũ. Các đối tượng thủy sản nuôi chủ yếu trên địa bàn xã là cá chép, cá trắm, cá rô phi, cua đồng, ốc bươu đen…

Quá trình phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, bước đầu các hộ dân đã liên kết, hợp tác sản xuất và thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Cam Thủy nhằm liên kết những người nuôi với nhau để hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật, thức ăn, con giống, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã tạo thuận lợi kết nối thông tin với chính quyền các cấp, tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, tính toán lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện chăm sóc, môi trường sống cũng như đầu ra cho sản phẩm.

“Thay vì nuôi manh mún nhỏ lẻ, thì việc hợp tác, liên kết các hộ nuôi trồng thủy sản với nhau đã tạo ra đầu mối chung, qua đó nâng cao tiềm lực kinh tế, sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời dễ dàng hơn trong triển khai các chính sách hỗ trợ, kết nối thị trường tìm kiếm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm thủy sản. Thời gian tới, địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh kết nạp thêm các thành viên vào Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Cam Thủy; liên kết giữa các hộ nuôi trong tổ ký kết hợp đồng từ dịch vụ đầu vào con giống, thuốc, thức ăn ở các cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng để cung ứng cho thành viên tổ hợp tác sử dụng giảm giá thành sản xuất, áp dụng đúng quy trình nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tìm kiếm thị trường đầu mối để liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản và xây dựng thương hiệu thủy sản sạch Cam Thủy trên thị trường”, ông Võ Thanh Tú cho biết thêm.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 55
Hôm nay: 1429
Tổng lượt truy cập: 4.060.194
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!