Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 23-12-2022

Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp: Những kỳ vọng mới

Với những quy định theo hướng thông thoáng hơn, Thông tư 05/2022/TT-BKHCN của Bộ KH&CN và Thông tư số 67/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những vướng mắc trong trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp hiện nay.

“Quỹ phát triển KH&CN có ý nghĩa xuyên suốt trong chặng đường phát triển của Viettel. Sau hơn 10 năm trích lập quỹ, chúng tôi đánh giá rằng nguồn quỹ đã giúp Viettel có những bước đà về mặt tăng trưởng doanh thu cũng như mở rộng các lĩnh vực để phát triển. Từ năm 2010 đến nay, Viettel luôn trích lập từ 3-10% thu nhập tính thuế hằng năm để thành lập quỹ với trị giá từ 1000-4000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Viettel chia sẻ trong tọa đàm “Giải phóng nguồn lực quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức vào ngày 15/12 vừa qua.

Câu chuyện của Viettel đã phản ánh mục tiêu của quỹ phát triển KH&CN lúc mới thành lập cách đây 10 năm, trong bối cảnh “nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho KH&CN lên tới 80%, còn xã hội chỉ chiếm 20%”, theo ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ KH&CN). “Sứ mệnh của quỹ là huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cho KH&CN, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”.

Viettel là doanh nghiệp có hiệu quả sử dụng quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp cao nhất hiện nay. Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Tuy nhiên, những thành công như Viettel chỉ là thiểu số. Nếu nhìn vào bức tranh về quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp ở Việt Nam, người ta vẫn thấy màu xám chiếm phần chủ đạo: Theo thống kê của Tổng Cục thuế trong giai đoạn 2015-2021, tỉ lệ doanh nghiệp trích lập quỹ trên cả nước chỉ chiếm 0,02%, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhà nước. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp trích lập quỹ, cao nhất là năm 2021 với 254 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp trích lập quỹ đã thấp, song tỉ lệ sử dụng quỹ còn thấp hơn. Trong tổng số hơn 23.000 tỷ đồng tiền quỹ, chỉ có 50,9% được sử dụng, một nửa số tiền còn lại vẫn tồn đọng trong quỹ.

Nhiều người cho rằng tình trạng này bắt nguồn từ việc doanh nghiệp chưa quan tâm đến KH&CN. Tuy nhiên, kết quả điều tra của Cục Thông tin KH&CNQG Bộ KH&CN, vào năm 2020 cho thấy một thực tế hoàn toàn trái ngược: Tỉ lệ đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp đang ngày càng tăng lên, nếu như 10 năm trước, tỉ lệ giữa nhà nước - doanh nghiệp là 80-20% thì nay đã tăng lên mức 52-48%. “Như vậy, doanh nghiệp có quan tâm và đầu tư cho KH&CN, nhưng họ không chi qua cơ chế quỹ, có nghĩa là cơ chế quỹ của chúng ta chưa đủ hấp dẫn”, ông Nguyễn Nam Hải nhận xét.

Làm thế nào để giải quyết bài toán “độc nhất vô nhị” như vấn đề quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp không phải là điều đơn giản. “Theo tìm hiểu của chúng tôi, Việt Nam là quốc gia duy nhất hình thành quỹ đặt cạnh doanh nghiệp. Về bản chất, quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp hơi ‘lưỡng tính’, vì hình thành từ nguồn lực của doanh nghiệp nhưng được dùng một phần cho mục tiêu quốc gia, và được quản trị theo cách hỗn hợp giữa nguồn lực của nhà nước đặt tại doanh nghiệp, lẫn nguồn lực của doanh nghiệp. Do vậy đã dẫn đến nhiều vướng mắc về cơ chế, doanh nghiệp cũng ngại dùng quỹ này, mà nhà nước muốn dùng cũng không dễ”, bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Trưởng Phòng nghiệp vụ 4, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định.

Nhà máy Dược ADC Cần Thơ.

Với mong muốn gỡ bỏ trọn vẹn những vướng mắc này, trong năm 2022, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN và Bộ Tài chính với Thông tư số 67/2022/TT-BTC. Những quy định mới theo hướng thông thoáng hơn trong hai Thông tư trên đã nhận được nhiều kỳ vọng từ các bên liên quan: “Việc tháo gỡ các điểm nghẽn đối với quỹ qua sửa đổi Thông tư liên tịch hướng dẫn số 12/2016/TTLT-BKH&CN-BTC thành Thông tư 05 và Thông tư 67 dù có độ trễ nhưng đã đáp ứng phần nào sự mong đợi của các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, nhận xét. “Thông qua việc tháo gỡ những điểm nghẽn trước mắt, nó có thể là khởi đầu của một sự đột phá”.

Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp

Việc mở rộng nội dung chi tiêu là một trong những điểm nổi bật của hai thông tư mới, đồng thời cũng tháo gỡ một trong những “nút thắt” lớn nhất của quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp. Theo Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về quy định đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, hằng năm doanh nghiệp nhà nước phải trích từ 3-10% thu nhập tính thuế, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước được phép trích một tỉ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không khỏi bức xúc vì tiền quỹ của họ trích ra song không được chi tiêu tự do theo nhu cầu mà phải tuân theo quy trình như một nhiệm vụ KH&CN. “Điều này dẫn đến rất khó chi, bởi việc đầu tư phát triển KH&CN cần tiến hành rất nhanh, bây giờ chúng ta lại theo quy trình thông thường của nhiệm vụ KH&CN, đi từ xét duyệt đề tài sẽ tốn nhiều thời gian. Đợi xét duyệt xong thì cơ hội đầu tư có thể đã qua mất rồi”, bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh nói.

Hoạt động sản xuất tại Tập đoàn Thiên Long.

Chính vì vậy, Thông tư 05 đã mở rộng các nội dung chi, tạo cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp. Ngoài hình thức chi theo nhiệm vụ KH&CN, doanh nghiệp có thể dùng nguồn vốn này để chi hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp (gồm trang bị cơ sở vật chất và kĩ thuật cho hoạt động KH&CN; mua quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ; mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ; chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN; chi đào tạo nhân lực KH&CN; chi cho sáng kiến; chi cho hợp tác KH&CN…); chi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ; chi phục vụ hoạt động quản lý quỹ. Điều này đã đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp: “Tuy mới được ban hành từ tháng 5/2022, vẫn chưa được kiểm chứng trong thực tiễn, nhưng theo đánh giá của một số doanh nghiệp, nội dung sửa đổi đã phần nào khắc phục được những vướng mắc, tạo thuận lợi hơn trong việc trích lập và sử dụng quỹ”, theo báo cáo của Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Ngay cả khi chi tiêu theo nhiệm vụ KH&CN, doanh nghiệp cũng được tự do hơn trước đây. “Trong Thông tư liên tịch 12 vẫn can thiệp vào định hướng trong nhiệm vụ KH&CN, chẳng hạn phải thành lập hội đồng có bao nhiêu người, là những ai… Khi xây dựng Thông tư 05, chúng tôi thấy đó là việc của doanh nghiệp nên đã mở ra. Doanh nghiệp có thể chủ động trong các vấn đề này, miễn là tuân thủ chi tiêu theo nguyên tắc chi tiêu nội bộ theo quy chế hoạt động doanh nghiệp”, ông Nguyễn Nam Hải cho biết.

Với tinh thần tương tự, Thông tư 67 do Bộ Tài chính mới ban hành vào tháng 11/2022 cũng cho phép doanh nghiệp được sử dụng quỹ linh hoạt hơn. Cụ thể, trong năm 2022 và 2023, doanh nghiệp có thể dùng quỹ để mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ và phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, khác với quy định chỉ được sử dụng cho hoạt động KH&CN như trước đây. “Quy định này nhằm giảm bớt tình trạng tồn dư quỹ, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn và phục hồi kinh tế cho doanh nghiệp sau đại dịch. Chúng tôi chỉ quy định trong hai năm, bởi quy định này dựa trên Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chỉ cho phép thí điểm, nên thông tư không thể vượt quá nội dung trong nghị quyết”, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế giải thích.

Ngoài việc mở ra những cơ hội đầu tư mới, Thông tư 67 còn giải quyết bài toán quản lý tài sản mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt sau khi đã dùng quỹ. Trước đây, theo thông tư liên tịch 12, nếu doanh nghiệp dùng quỹ để mua máy móc thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ, sau đó chuyển sang sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu thiết bị chưa hết hao mòn thì sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần giá trị còn lại của tài sản. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp e ngại việc sử dụng quỹ để đầu tư trang thiết bị, hoặc không phát huy tối đa hiệu quả của trang thiết bị. Do vậy, Thông tư 67 cho phép doanh nghiệp sử dụng tài sản cố định được đầu tư từ quỹ cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải tính khấu hao tài sản cố định. Theo bà Mạnh Thị Tuyết Mai, “nội dung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng các tài sản cố định hình thành từ nguồn quỹ và tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp”.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Không thể phủ nhận, Thông tư 05 và Thông tư 67 đã mang đến “luồng gió mới” cho việc triển khai quỹ phát triển KH&CN trong thực tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lo ngại những rủi ro khi trích lập và sử dụng quỹ. “Trong Thông tư 05 và Thông tư 67 đều quy định, sau một thời gian, nếu doanh nghiệp chi tiêu sai mục đích thì phải nộp phần thuế tương ứng với phần thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời nộp lãi phạt. Doanh nghiệp rất lo lắng, giả sử họ dùng tiền quỹ đầu tư xong, ba năm sau cơ quan thuế vào bảo chi thế này không đúng, không đáp ứng tiêu chí thì sẽ bị phạt và ảnh hưởng đến đánh giá xếp loại doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh phân tích.

“Chúng tôi không biết khi đầu tư máy móc vào hoạt động sản xuất có được tính vào hoạt động KH&CN của doanh nghiệp không. Trường hợp ngành thuế cho rằng hoạt động này không nằm trong các danh mục hạch toán vào quỹ thì doanh nghiệp sẽ bị phạt vì sử dụng quỹ không đúng mục đích. Điều này rất phức tạp cho doanh nghiệp vì đối với loại hình doanh nghiệp nhà nước sẽ có xếp hạng hằng năm. Việc bị phạt sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng doanh nghiệp. Do đó chúng tôi rất thận trọng khi sử dụng quỹ”, chị Trần Thị Phương Trang, đại diện Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn- TNHH Một thành viên (Saigon Tourist) - một trong những doanh nghiệp từng vướng phải rào cản này, trả lời trong một bài viết trên trang web của Sở KH&CN TP.HCM vào năm 2018.

Việc thiếu cơ chế xử lý trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không hết nguồn quỹ cũng khiến doanh nghiệp e ngại việc trích lập và sử dụng quỹ. Theo Nghị định 95, doanh nghiệp nhà nước phải nộp về Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) hoặc quỹ phát triển KH&CN của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp còn lại được quyền đóng góp vào các quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế. “Nghị định 95 chỉ nói nộp về, nhưng tiêu thế nào, chi ngược lại thế nào, theo cơ chế cách thức gì, tài trợ hay dưới nhiệm vụ KH&CN… thì không có. Rất nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên xem xét tại sao phải nộp về, vì mình đang muốn họ thực sự chi tiêu chứ thu về vừa phức tạp, nhiều thủ tục hành chính đi kèm, lại không phát huy được nguồn lực”, ông Nguyễn Nam Hải nói.

Có lẽ, việc giải quyết những vướng mắc còn tồn tại trong các thông tư, cũng như ngoài cấp độ thông tư cần nhiều nỗ lực hơn thế. Nhưng trước hết các doanh nghiệp hãy xem xét các văn bản này và phản hồi xem trong quá trình áp dụng còn gì bất cập nữa không, đây sẽ là một kênh thông tin quan trọng để giúp Bộ KH&CN cũng như chúng tôi trong việc sửa đổi Luật KH&CN trong thời gian tới”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Thông tư 67 cho phép doanh nghiệp sử dụng tài sản cố định được đầu tư từ quỹ cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải tính khấu hao tài sản cố định. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng các tài sản cố định hình thành từ nguồn quỹ và tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 1556
Tổng lượt truy cập: 4.034.273
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!