Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 15-01-2024

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bước vào giai đoạn mới

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang chuyển giao sang một giai đoạn mới, với sự hỗ trợ chặt chẽ từ Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự đồng thuận của các bộ, ngành và địa phương. Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã trải qua 2 làn sóng đầu tư và 3 giai đoạn phát triển, đánh dấu kỷ lục nhận đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD năm 2021.

Lịch sử phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã trải qua những bước quan trọng, bắt đầu từ làn sóng đầu tiên vào những năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp được ban hành và các quỹ đầu tư Hoa Kỳ, như Quỹ IDG Venture, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Năm 2010, với sự bùng nổ của Internet, Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của các quỹ Nhật Bản, như quỹ CyberAgent, đầu tư mạnh mẽ vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử với các thương hiệu nổi tiếng như Tiki, Sendo...

Sau 7 năm triển khai Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Đề án 844), hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn quan trọng: Kích hoạt, Toàn cầu hóa, Thu hút, và hiện đang bước vào giai đoạn Hội nhập.

Trong Giai đoạn đầu tiên là kích hoạt (2013-2016). Từ năm 2013-2015, Chính phủ Việt Nam bước đầu tập trung hình thành hành lang pháp lý về phát triển thị trường KH&CN, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ các doanh nghiệp mới, giàu sức sáng tạo phát triển, mở rộng, đủ sức cạnh tranh với các thị trường quốc tế. Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo các nước phát triển. Cụ thể như Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV), chính thức được phê duyệt và triển khai từ năm 2013. Ngoài vai trò hỗ trợ tài chính, VSV còn là cầu nối mở đường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp gỡ với các nhà đầu tư, chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam đào tạo ra các hạt giống hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ban đầu, điển hình như thông qua sự hỗ trợ từ Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP2). Năm 2016, từ kết quả trên Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025" (Đề án 844) để phát triển hệ sinh thái rộng và đồng đều. Nhìn chung giai đoạn này, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng của các cơ sở ươm tạo và thúc đẩy kinh doanh khi có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. 

Giai đoạn Toàn cầu hóa (2017-2020) là thời kỳ Chính phủ tăng cường hỗ trợ tài chính thông qua Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhanh, cung cấp vốn rủi ro cho các doanh nghiệp mới thành lập. Nhờ vào sự hỗ trợ này, Việt Nam nhanh chóng vươn lên đứng thứ 3 về tốc độ tăng trưởng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore; lượng vốn đầu tư mạo hiểm tăng từ 5% năm 2018 lên 17% trong tổng vốn đầu tư cho startup ở khu vực.

Giai đoạn Thu Hút (2021-2023) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng nhờ nỗ lực của các nhà sáng lập, doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ Chính phủ, hệ sinh thái khởi nghiệp đã hồi phục ấn tượng. Năm 2021 là năm kỷ lục với đầu tư mạo hiểm đạt 1,4 tỷ USD. Sau thời kỳ COVID-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022 và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.

Hệ sinh thái ngày nay bao gồm đầy đủ các thành phần quan trọng như cá nhân, tổ chức khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, và các cơ sở hỗ trợ. Các liên kết giữa chính sách, tài chính, văn hoá, thị trường, nhân lực và các hỗ trợ khác ngày càng chặt chẽ, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Nhìn chung, vị thế hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp; trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Dương đang trở thành điểm sáng, với tiềm năng lớn và đang nhận được sự quan tâm để nâng cao số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo, cũng như cải thiện môi trường kinh doanh để lọt vào top các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.

Sau thời kỳ phục hồi hậu đại dịch COVID-19, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ban, ngành và các địa phương trên cả nước để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 24
Hôm nay: 1909
Tổng lượt truy cập: 3.945.832
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!