Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 07-03-2024

Giải pháp trữ nước mưa, góp phần quản lý ngập lụt tại TPHCM

Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia TPHCM đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp trữ nước mưa, góp phần quản lý tình trạng ngập lụt tại TPHCM.

Tình trạng ngập lụt tại TPHCM hiện nay đang là một trong những nguyên nhân chính đe dọa sự phát triển bền vững của Thành phố, song song với các vấn đề khác như kẹt xe, ô nhiễm môi trường,… Do đó, giảm nhẹ rủi ro ngập lụt đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Thành phố.

Để giải quyết vấn đề ngập lụt, TPHCM đã triển khai quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp các dự án thoát nước,… giúp cải thiện đáng kể tình trạng ngập tại một số khu vực. Tuy nhiên, các công trình thoát nước hiện nay khó bảo đảm linh hoạt khi ứng phó với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng hay tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.

Nhằm khắc phục những hạn chế của việc thoát nước truyền thống và thích ứng hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và đô thị hóa quá mức cho phép, một số nước trên thế giới đã và đang áp dụng tiếp cận trữ nước mưa thông qua việc chuyển đổi từ hạ tầng xám sang hạ tầng xanh, từ thoát nước nhanh sang thoát nước chậm (trữ, thấm, sử dụng và thoát nước khi cần thiết).

Tiếp cận trữ nước mưa ưu tiên việc tạo không gian cho nước, xem nước mưa là nguồn tài nguyên phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Ngoài ra, đây là giải pháp có tính linh hoạt mềm dẻo, có thể triển khai phân kỳ theo từng giai đoạn và từng khu vực. Đối với những khu vực chưa hoàn chỉnh hạ tầng thoát nước, giải pháp trữ nước mưa giúp giải quyết ngập lụt cục bộ, cấp bách trong khi chờ hệ thống hạ tầng thoát nước được xây dựng hoàn chỉnh. Sau khi hoàn thiện hạ tầng thoát nước cơ bản, hệ thống trữ nước mưa sẽ đóng vai trò tăng cường khả năng ứng phó với những yếu tố bất định như mưa cực trị, đô thị hóa quá mức cho phép, nước biển dâng,…

Một số nước như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản,… đã áp dụng thành công giải pháp trữ nước mưa. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề còn khá mới ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Tại TPHCM, giải pháp trữ nước mưa được đề cập trong hầu hết các quy hoạch thoát nước của Thành phố, nhưng đến nay hầu như chưa được triển khai rộng rãi.

Vì vậy, nhóm tác giả ở Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia TPHCM đã thực hiện đề tài “Đề xuất các giải pháp trữ nước mưa góp phần quản lý ngập lụt bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh dưới tác động của tốc độ đô thị hóa và biến đổi khí hậu”.

Theo khảo sát của nhóm tác giả, giải pháp trữ nước mưa đã được đề cập trong hầu hết các quy hoạch thoát nước và xây dựng. Dù mới chỉ được triển khai ở quy mô nhỏ lẻ như hồ điều tiết Thanh Đa, Mễ Cốc, Bán Nguyệt, Võ Văn Ngân,… nhưng giải pháp này mang lại hiệu quả giảm ngập tích cực. Cụ thể như hồ Thanh Đa giúp giảm ngập hiệu quả khu vực phường 27, Quận Bình Thạnh, với dung tích 80 ngàn m3 và trạm bơm 2.577m3/giờ. Hồ Mễ Cốc cũng giúp giảm ngập cục bộ cho khu vực phường 15, quận 8,...

Theo tính toán của nhóm tác giả, tại lưu vực kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè và Tân Hóa Lò Gốm, sử dụng các giải pháp trữ nước mưa bằng các hồ điều tiết, rãnh thấm, giúp giảm ngập khoảng 48% so với nếu không có các giải pháp này.

Hồ điều tiết giảm ngập Mễ Cốc, Q.8 Ảnh: NNC

Hồ điều tiết giảm ngập Mễ Cốc, Quận 8. Ảnh: NNC
 

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, 70% người dân có xu hướng ủng hộ các giải pháp trữ nước mưa dạng tập trung (hồ điều tiết hở, khô, ngầm) và không ủng hộ các giải pháp trữ tại hộ gia đình (64,9%). Các giải pháp trữ phân tán - như ô trữ sinh học (vùng trũng trồng cây cỏ, cho phép dòng chảy tràn vào để trữ, thấm và lọc), rãnh thấm (công trình tuyến dài, nông chứa vật liệu cấp phối thô như sỏi, đá dăm để trữ và thấm tại chỗ nước mưa), mái nhà xanh (mái nhà có trồng các thảm thực vật),… - cũng được người dân ủng hộ nhưng chỉ chiếm khoảng 60%. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng trữ phân tán và tập trung đều quan trọng, và cùng đồng tình ở mức 83% cho mỗi giải pháp. Theo các chuyên gia (72%), các khu dân cư mới nên được áp dụng lồng ghép những giải pháp này.

Bằng các công nghệ GIS, viễn thám, mô phỏng, phân tích thống kê,… đồng thời, căn cứ vào dung tích trữ cần thiết cho từng khu vực, đặc điểm hiện trạng các vùng thoát nước, nhóm nghiên cứu khuyến nghị phân bổ không gian trữ nước cho từng vùng. Theo đó, ưu tiên duy trì các ao hồ hiện hữu để trữ nước; bố trí dung tích trữ theo hướng tập trung, phân tán, gắn với công trình; khuyến nghị có cơ chế kiểm soát dòng chảy tràn tại các khu dân cư nằm dưới mức cho phép trước khi đấu nối vào hệ thống cống chung của Thành phố (theo kinh nghiệm Singapore).

Ngoài ra, Thành phố cần nghiên cứu ban hành quy định về hàng lang hứng nước mưa, dọc theo các kênh rạch hiện hữu, để tập trung nhanh nước mưa về các kênh theo các mương thu nước mặt dọc đường.

Cấu trúc mái nhà xanh

Cấu trúc một mái nhà xanh. Ảnh: NNC

Nhóm nghiên cứu cũng đề xất các giải pháp trữ nước mưa điển hình và thiết kế thí điểm cho ba khu vực điển hình tại TPHCM.

Cụ thể, ứng với những khu vực đô thị hóa cao, mật độ dân cư đông, thiếu quỹ đất xây dựng, đề xuất bố trí hồ điều tiết ngầm. Hồ có thể xây dựng tại các dự án nhà ở, khu vực công cộng, đường sá hay bãi đỗ xe. Hiện nay, hồ ngầm được xây dựng bằng công nghệ lắp ráp các khối rỗng, với thời gian thi công nhanh, có thể tái sử dụng. Cụ thể, nhóm đề xuất hồ trữ ngầm cho khu vực đường 3/2, quận 10 tại khu vực Khách sạn Kỳ Hòa, xây dựng bằng công nghệ lắp ghép, dung tích 3.500m3 và hệ thống bơm chìm để bơm nước ra kênh Tàu Hủ.

Đối với các khu vực có mật độ đô thị hóa trung bình, có sông, kênh nhiều (lưu vực rạch Thủ Đức), cần bố trí các hồ điều tiết hở, kết hợp với kênh rạch hiện hữu và trạm bơm để bơm nước ra kênh khi cần thiết. Nhóm cũng đã khảo sát và đề xuất công trình hồ điều tiết hở trữ nước mưa ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, với diện tích mặt hồ khoảng 5ha, hệ thống máy bơm sẽ bơm nước ra sông Sài Gòn, khi vượt quá khả năng trữ nước của hồ.

Đối với các khu đô thị mới như Vạn Phúc, Sala, Zeitgeist Nhà Bè, Đông Tăng Long,…, nhóm đề xuất thiết kế các giải pháp trữ phân tán. Các giải pháp này có thể bố trí tại các bãi đất trống, khuôn viên công trình dân dụng, dọc theo đường giao thông, bãi đỗ xe, xung quanh nhà ở,...

Riêng khu vực trung tâm thành phố, cần duy trì các hồ chứa hiện hữu để chứa nước mưa. Nghiên cứu bố trí các hệ thống hồ ngầm trong công viên như Gia Định, Hoàng Văn Thụ, Tao Đàn, Lê Văn Tám, 23/9,… Ngoài ra, cần khuyến khích bố trí hồ trữ nước mưa trong các công trình tòa nhà và hộ gia đình.

Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 28
Hôm nay: 11876
Tổng lượt truy cập: 3.995.238
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!