Đổi mới sáng tạo, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn để nâng cao năng suất chất lượng
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đổi mới sáng tạo, thực hiện các giải pháp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh sẽ giúp nâng cao năng suất chất lượng.
Dù tham gia ngày càng nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn tham gia dưới vai trò bên sử dụng sản phẩm nhiều hơn là vai trò cung ứng. Do đó, cần chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế.
Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI, mặc dù nước ta nổi lên như một quốc gia sản xuất chuyên về các chức năng lắp ráp ở Châu Á và được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, song có một thực tế, trong các chuỗi sản xuất sản phẩm, Việt Nam vẫn đang ở vị trí thấp do tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp ... là những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất. Dù tham gia ngày càng nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng nước ta tham gia dưới vai trò bên sử dụng sản phẩm nhiều hơn là vai trò cung ứng.
“Để bắt kịp và tận dụng tốt những cơ hội của những xu hướng chuyển dịch nói trên, nhằm nâng cao cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò là các nhà cung ứng, cũng như tăng cường năng lực xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp cần nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước. Cần chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế”, bà Trần Thị Thanh Tâm nêu rõ.
Để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa thì việc đổi mới sáng tạo, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn sẽ là bước đệm vững chắc cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: VOV
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đổi mới sáng tạo, thực hiện các giải pháp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh sẽ thúc đẩy hoạt động tăng năng suất lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, gia tăng uy tín của doanh nghiệp để giữ được khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn, từ đó nâng tầm được thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ra đời là bước đột phá quan trọng đối với hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Mục tiêu của Luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tạo bước chuyển về năng suất, chất lượng của sản phẩm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Luật này đã thể hiện quan điểm đổi mới toàn diện tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật, xã hội hóa các hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ trong nước, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình thông qua nguyên tắc tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và chủ động công bố hợp chuẩn.
Nhấn mạnh vai trò của Chiến lược Tiêu chuẩn hóa đối với doanh nghiệp, ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, tiêu chuẩn hoá mang đến cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù là cơ hội hay thách thức chúng ta nên đón nhận ở khía cạnh tích cực.
Trước tiên về mặt cơ hội, một là, khi hoạt động tiêu chuẩn hoá được đẩy mạnh, doanh nghiệp sẽ xác định được chuẩn mực của hoạt động sản xuất kinh doanh, xác định chất lượng sản phẩm thông qua tiêu chuẩn cụ thể. Từ đó, xác định rõ và có phương pháp cải tiến quy trình sản xuất, cải tiến cách thức tạo ra sản phẩm chất lượng. Để làm được điều này cần lấy tiêu chuẩn làm cơ sở đối chiếu, so sánh.
Doanh nghiệp cũng có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, gia tăng khả năng mở rộng thị trường (bằng cách phát triển sản phẩm mới với chất lượng ngày càng tốt hơn), thâm nhập các thị trường trên thế giới.
Thông qua tiêu chuẩn hoá, doanh nghiệp còn giảm được chi phí sai lỗi, nâng cao chất lượng quy trình, chất lượng sản phẩm hàng hoá, tối ưu hoá hiệu quả hoạt động. Có khả năng nâng cao năng lực quản lý, quản trị, điều hành. Đây cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang chú trọng.
Thông qua quá trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ có định hướng để đầu tư nguồn lực phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống máy móc, phòng thử nghiệm, phát triển sản phẩm, hệ thống điều hành doanh nghiệp.
Về mặt thách thức, ông Trường cho rằng, trong bối cảnh vai trò của tiêu chuẩn ngày càng được chú trọng ở cấp độ doanh nghiệp, tiêu chuẩn hoá cũng tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, xu hướng đổi mới thì sẽ có khả năng nâng cao vị thế trên thị trường. Xu hướng tiêu chuẩn hoá cũng khiến doanh nghiệp bắt buộc phải có những đầu tư để đáp ứng yêu cầu từ các tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hoá, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Ra tới sân chơi lớn cuộc cạnh tranh sẽ là sòng phẳng, ai bắt kịp xu hướng sẽ thành công, còn không sẽ là thách thức.
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định, Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hình thành mô hình quản lý hoạt động tiêu chuẩn một cách toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, nâng cao trình độ quốc tế hóa tiêu chuẩn, đồng thời đẩy nhanh quá trình hình thành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu thị trường đang thay đổi không ngừng và nhanh chóng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Chính phủ.
Ngoài ra, ông Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng, nước ta cần phải tận dụng được các cơ hội từ cuộc Cách mạng 4.0, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp Việt.
“Hỗ trợ đổi mới sáng tạo theo hướng Nhà nước tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ và tình hình tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp (cải cách sâu về thể chế và thị trường). Cần phải có chính sách và tiềm lực kinh tế hỗ trợ mang tính chất thiết thực. Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ mới. Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về cách sử dụng công nghệ tốt nhất và những chính sách này sẽ thay đổi khi năng lực công nghệ trong các doanh nghiệp được cải thiện và phát triển”, ông Lê Huy Khôi nêu ý kiến.
https://vietq.vn/