Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 03-05-2024

Công nghệ bền vững và nổi bật cho sản xuất thông minh

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ (KH&CN), nghiên cứu - phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến để tiến tới xu hướng sản xuất hiện đại đã không còn là câu chuyện của riêng doanh nghiệp mà trở thành xu thế chung của toàn xã hội. Việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, tìm kiếm hướng nghiên cứu mới, công nghệ mới và nổi bật để nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh chính là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Những nội dung nêu trên đã được đề cập tại Hội thảo quốc tế về công nghệ bền vững và nổi bật cho sản xuất thông minh (SETSM 2024) do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức ngày 26/04/2024 tại Hà Nội.

Xu thế tất yếu để doanh nghiệp hội nhập và phát triển

PGS.TS Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, với sự phát triển của KH&CN, đặc biệt là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra nhiều bước tiến đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Quá trình chuyển đổi số, từ đơn giản đến phức tạp đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống, sản xuất, hình thành những nhà máy thông minh. Trong đó, công nghệ sản xuất hiện đại đang trở thành những mắt xích quan trọng không thể thiếu, giúp doanh nghiệp tiến gần hơn tới đích đến của nền sản xuất tương lai hay còn gọi là sản xuất thông minh.

Tuy nhiên, các yêu cầu về sản phẩm cũng thay đổi nhanh theo nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, dẫn đến có thể dư thừa sản phẩm nên việc chuyển đổi mô hình sản xuất đang trở thành thách thức cho các nhà công nghệ. Trong bối cảnh đó, các công nghệ bền vững và nổi bật cho sản xuất thông minh thể hiện sự giao thoa quan trọng giữa đổi mới công nghệ và trách nhiệm, giải quyết những thách thức toàn cầu, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

PGS.TS Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.

PGS.TS Phạm Văn Đông cho rằng, kỷ nguyên mới về KH&CN đã mở ra với sự ra đời của các hệ thống phần mềm lớn như mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) dữ liệu lớn ChatGPT, Coilot, Gemini và các hệ thống nổi bật khác như hệ thống sản xuất thông minh, hệ thống sản xuất linh hoạt, sản xuất tinh gọn… Bên cạnh đó, việc tích hợp mạnh mẽ các mô hình AI và học máy vào các hệ thống sản xuất đang là xu thế tất yếu cho quá trình sản xuất trong thời đại số. Chính vì vậy, việc tăng cường trao đổi học thuật, tìm kiếm những hướng nghiên cứu mới, nhất là nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực là nhiệm vụ quan trọng đối với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và phát triển.

GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, những thách thức về biến đổi khí hậu đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với trách nhiệm môi trường của mọi quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Net Zero trở thành mục tiêu chung và Việt Nam không nằm ngoài nỗ lực đó. Cùng với doanh nghiệp toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đồng thời tạo ra giá trị kinh tế. Cuộc đua Net Zero không chỉ là một thách thức, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện cam kết của mình đối với sự phát triển bền vững và hòa nhập vào xu hướng toàn cầu của môi trường kinh doanh xanh. Để thực hiện chiến lược đó, việc đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất là nhu cầu cấp thiết.

GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội tham luận tại Hội thảo.

Với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và bền vững. Là nước đang phát triển, Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với quan điểm xuyên suốt là “không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá”. Do đó, để phát triển và hội nhập, việc chuẩn bị nguồn lực tài chính, nguồn lực KH&CN, kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển thông minh và bền vững là giải pháp quan trọng và thiết thực để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập và phát triển trong tương lai.

Công nghệ mới cho sản xuất thông minh

GS Quang-Cherng Hsu - Đại học KH&CN Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc) cho rằng, ngày nay AI được coi là một trong những chìa khóa cho tiến trình xây dựng các nhà máy trở nên thông minh hơn, hoạt động có hiệu quả hơn. Ứng dụng AI cho phép doanh nghiệp bắt kịp một thị trường toàn cầu thông qua việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa và đảm bảo việc tuân thủ các tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Đặc biệt, việc tích hợp AI trong hệ thống tự động hóa sản xuất không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu suất mà còn tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt, an toàn và đáp ứng nhanh với biến động thị trường, mang lại hiệu suất tốt hơn, giúp doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

GS Quang-Cherng Hsu - Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc) tham luận tại Hội thảo.

Bên cạnh AI thì học máy, thực tế tăng cường/thực tế ảo, tự động hóa/robot, sản xuất bồi đắp/sản xuất hỗn hợp, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, gia công CNC, thiết kế cho sản xuất, mô phỏng/bản sao số cải thiện hiệu suất cũng là những công nghệ hiện đại và nổi bật cho quá trình sản xuất thông minh

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, với sự phát triển của công nghệ, trong đó có công nghệ cao, công nghệ thông tin đã và đang tạo ra cuộc cải cách công nghệ sản xuất tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, sản xuất thông minh trở thành một xu thế tất yếu với việc ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng suất lao động, tiết kiệm đáng kể chi phí (nhất là chi phí nhân công), bảo vệ môi trường cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong kinh doanh.

Trong giải pháp sản xuất thông minh, công nghệ thông tin được ứng dụng trong mọi khâu của quy trình sản xuất: các máy móc thiết bị, cảm biến, robot, nguồn nhân lực, dữ liệu (từ các hoạt động và hệ thống kinh doanh cũng như từ các nhà cung cấp và khách hàng)... được kết nối với nhau. Nhờ đó, các hoạt động sản xuất được tối ưu hóa, độ tin cậy cao, tạo ra quy trình sản xuất hiện đại, thông minh và hiệu quả; các hoạt động tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên từng bước được thay thế bằng những nguồn vật liệu tổng hợp mới. Bên cạnh đó, những tiến bộ lớn về công nghệ trong sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả vượt trội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 1621
Tổng lượt truy cập: 3.954.950
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!