Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 13-05-2024

Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng vật liệu màng bao trái cây trước thu hoạch của một số loại cây chủ lực

Việt Nam là một nước có ngành nông nghiệp phát triển và cây ăn quả là một trong những thế mạnh của nước ta. Tính đến cuối tháng 8/2019, trái cây của Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù giảm do ảnh hưởng của dịch covid nhưng trái cây vẫn là chủng loại xuất khẩu chính, đạt 1,2 tỷ USD, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc giảm 31,4%, trong khi xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Úc tăng mạnh. Các loại trái cây đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều, vú sữa, xoài. Đây chính là động lực cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp trồng các loại quả trên cũng như phát triển các loại quả khác (như bưởi, cam, chuối...) trên con đường đưa nông sản Việt đi chinh phục thế giới. Việc chăm sóc và bảo vệ quả trong suốt quá trình từ khi ra quả đến khi thu hoạch là một trong những công đoạn quan trọng nhất quyết định năng suất, chất lượng của quả. Vì thế đã có nhiều công nghệ, kỹ thuật cao được triển khai và ứng dụng, trong đó có kỹ thuật sử dụng túi bao trái đã được thực hiện và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

 

Ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực (Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ...) túi bao trái cây trước thu hoạch đã được sử dụng phổ biến từ lâu cho các loại quả khác nhau như lê, táo, ổi, hồng, nhãn, vải, xoài, chuối... Ở Việt Nam, ban đầu biện pháp này cũng được sử dụng để bao một số loại quả như bưởi, cam, xoài... và phổ biến chủ yếu ở miền Nam. Vài năm gần đây thì nó đã không còn xa lạ với các nhà vườn và được phổ biến rộng rãi hơn. Thực hiện đúng kỹ thuật bao trái sẽ mang lại năng suất cao vì giảm thiểu được đáng kể tổn thất do sâu hại, nấm bệnh, chim, côn trùng tấn công; hạn chế quả bị nám do nắng nóng hay thối, úng do mưa nhiều; bao trái hạn chế được dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nên thân thiện với môi trường, trái cây đảm bảo an toàn; hơn nữa kỹ thuật này còn giúp cải thiện màu sắc vỏ quả, mẫu mã quả đẹp hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Cũng chính vì những lợi ích to lớn này mà bao trái trước thu hoạch ngày càng được áp dụng phổ biến ở nước ta. Bên cạnh đó, nếu áp dụng không đúng kỹ thuật bao trái thì cũng gây ra những nhược điểm nhất định. Ví dụ như lựa chọn sai màu túi, sai vật liệu bao có thể làm quả không hấp thụ được ánh sáng mặt trời hoặc không quang hợp được dẫn đến mẫu mã quả xấu đi, chất lượng quả giảm; hay sử dụng túi bao bằng giấy ở những khu vực nắng nóng thường xuyên dễ gây ra tình trạng hầm trái ở trong bao hoặc mưa nhiều có thể làm hư hại trái cây; nếu dùng túi nilon sử dụng trong mùa nắng cũng dễ dẫn đến quả bị nám, bí và bốc hơi nước, dễ gây rụng trái... Vì vậy, mỗi một loại quả có đặc tính sinh lý, sinh trưởng và phát triển khác nhau, có kích thước không giống nhau và phụ thuộc vào thời tiết của mỗi vùng miền mà lựa chọn túi bao trái phù hợp với từng quả.

Xuất phát từ hiệu quả mà kỹ thuật bao trái mang lại và nhu cầu thực tiễn của xã hội, TS. Hoàng Tuấn Hưng cùng nhóm nghiên cứu tại Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ Thương mại Lạc Trung phối hợp với Viện Hóa học, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ phối hợp thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng vật liệu màng bao trái cây trước thu hoạch của một số loại cây chủ lực” với mục tiêu: Làm chủ được quy trình công nghệ chế tạo một số loại vật liệu màng bao trái trước thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của một số loại cây chủ lực; Xây dựng được dây chuyền thiết bị sản xuất một số loại vật liệu màng và túi bao trái cây trước thu hoạch; Sản xuất và ứng dụng thử nghiệm túi bao trái đối với một số loại trái cây (cam, bưởi, xoài, chuối, thanh long) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

1. Đã chế tạo được một số loại vật liệu màng bao trái trước thu hoạch:

- Vật liệu bao trái dạng màng PE: chứa phụ gia hấp thụ UV, phụ gia xúc tiến oxy hóa, hạt màu xanh dương và nhựa HDPE. Thời gian phân hủy sinh học (theo tính toán) của vật liệu dạng màng PE là 24 tháng.

- Vật liệu bao trái dạng vải PP không dệt: chứa phụ gia hấp thụ UV, phụ gia xúc tiến oxy hóa và nhựa PP. Thời gian phân hủy sinh học (theo tính toán) của vật liệu dạng vải PP không dệt là 20 tháng.

- Vật liệu bao trái dạng giấy ghép phức hợp: được ghép từ màng PE có độ dày 5µm (chứa phụ gia hấp thụ UV, phụ gia xúc tiến oxy hóa, nhựa HDPE) và giấy kraft. Thời gian phân hủy sinh học (theo tính toán) của vật liệu dạng giấy ghép phức hợp là 13 tháng.

2. Đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất túi bao trái cho 5 loại quả: bưởi (bưởi Diễn và bưởi da xanh), cam, xoài, chuối và thanh long.

- Túi bao trái cho quả bưởi da xanh: túi vải PP không dệt kích thước 30x40 cm, độ dày 80µm.

- Túi bao trái cho quả bưởi Diễn: túi giấy phức hợp màu vàng, kích thước 30x35cm, độ dày 150µm.

- Túi bao trái cho quả cam Cao Phong: túi giấy phức hợp màu vàng, kích thước 15x20cm, độ dày 150µm.

- Túi bao trái cho quả xoài xanh Đài Loan: túi giấy phức hợp màu trắng, kích thước 20x30cm, độ dày 140µm.

- Túi bao buồng chuối: túi màng PE màu xanh dương, kích thước 80x140cm, độ dày 20µm, túi được đục 2 hàng lỗ cách mép túi 25cm, mỗi bên 4 lỗ, đường kính lỗ 10mm.

- Túi bao trái cho quả thanh long: túi vải PP không dệt kích thước 25x30cm, độ dày 80µm.

3. Đã xây dựng được quy trình sử dụng túi bao trái cho 5 loại quả: bưởi (bưởi da xanh, bưởi Diễn), cam, xoài, chuối và thanh long.

4. Đã xây dựng được dây chuyền thiết bị sản xuất màng và túi bao trái trước thu hoạch công suất tối đa 270,5 tấn/năm (trong đó dây chuyền công nghệ sản xuất túi bao buồng chuối đạt công suất tối đa 112 tấn/năm, các loại túi bao trái khác công suất dây chuyền đạt tối đa 158,5 tấn/năm). Các thiết bị hoạt động hiệu quả, ổn định và an toàn.

5. Số lượng túi bao trái đã sản xuất được: 59kg túi bao trái cho quả bưởi da xanh; 4,142 tấn túi bao trái dạng giấy ghép phức hợp cho quả bưởi Diễn; 4,096 tấn túi bao trái dạng giấy ghép phức hợp cho quả cam Cao Phong; 4,088 tấn túi bao trái dạng giấy ghép phức hợp cho quả xoài xanh Đài Loan; 4,081 tấn túi bao trái cho quả chuối; 4,057 tấn túi bao trái cho quả thanh long ruột tím hồng. Các sản phẩm túi bao trái có chất lượng (độ bền kéo đứt, độ dãn dài khi đứt, độ chịu bục, độ bền xé…) và giá thành tương đương sản phẩm cùng loại của Công ty Chung Gold (Đài Loan), túi có thời gian phân hủy sinh học (theo tính toán) nhỏ hơn 3 năm. Đã xây dựng được TCCS cho ba loại túi bao trái: dạng màng PE, dạng vải PP không dệt và dạng giấy ghép phức hợp.

6. Đã xây dựng được mô hình ứng dụng túi bao trái cho 5 loại quả:

- Quả bưởi Diễn: quy mô 3,8ha tại HTX Nam Phương Tiến, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Hiệu quả kinh tế tăng 20,29% so với quả không bao.

- Quả cam Cao Phong: quy mô 2,5ha tại HTX NN và DVTM Mạnh Khoa, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Hiệu quả kinh tế tăng 22,23% so với quả không bao.

- Quả xoài xanh Đài Loan: quy mô 2,8ha tại Liên Minh HTX Hưng Thịnh Sơn La, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Hiệu quả kinh tế tăng 18,26% so với quả không bao.

- Quả chuối tiêu hồng: quy mô 4,6ha tại HTX NN Thượng Nông, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Hiệu quả kinh tế tăng 39,60% so với quả không bao.

- Quả thanh long ruột tím hồng: quy mô 3,6ha tại HTX Thanh long, Vũng Mây, thôn 6, Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Hiệu quả kinh tế tăng 17,64% so với quả không bao.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19735/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 1280
Tổng lượt truy cập: 4.057.501
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!