Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 12-07-2023

Tiềm năng mới trong điều trị ung thư

Mới đây, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Dan Peer, Đại học Tel Aviv (Israel) đã tiến hành thử nghiệm một phương pháp điều trị ung thư tiềm năng mới dựa theo phương pháp hoạt động của vắc-xin Covid-19. Kỹ thuật này liên quan đến việc cung cấp các phân tử mRNA cho các tế bào ung thư và đánh lừa chúng tạo ra các protein độc hại để tiêu diệt các khối u.

Bên trong tất cả các tế bào sống là các ribosome, về cơ bản là các nhà máy nhỏ sản xuất protein. Loại protein mà chúng tạo ra phụ thuộc vào “bản thiết kế” mà chúng nhận được, các “bản thiết kế” này đến từ các phân tử RNA thông tin (mRNA). Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, họ có thể chiếm quyền điều khiển cơ chế này để tạo ra các protein có lợi theo mong muốn. Công nghệ mARN này đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19, khi BioNTech và Moderna phát triển vắc-xin hoạt động bằng cách kích thích các tế bào của chúng ta tạo ra các protein tăng đột biến tương tự như vi-rút, kích hoạt phản ứng miễn dịch giúp cơ thể chúng ta chống lại các lần lây nhiễm tiếp theo. Kể từ đó, các nhà khoa học đã dần hướng sự quan tâm của họ sang việc ứng dụng công nghệ này để điều trị ung thư, họ thử nghiệm bằng cách sử dụng mRNA để tạo ra các protein bắt chước protein do khối u tạo ra, giúp khởi động phản ứng miễn dịch chống lại ung thư.

Trong nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv (Israel), nhóm nghiên cứu đã tạo ra một phương pháp điều trị ung thư bằng mRNA nhưng hoạt động theo một phương thức khác trước đây. Các phân tử mARN được mã hóa để tạo ra một loại độc tố mà vi khuẩn tạo ra, sau đó được đóng gói thành các hạt nano lipid và tiêm vào các khối u. Điều này khiến các tế bào bắt đầu sản xuất độc tố và tự đầu độc chính nó một cách có hiệu quả. Nhóm nghiên cứu cho biết, đây có thể là một lựa chọn an toàn hơn so với hóa trị vốn là phương pháp gây hại cho các tế bào khỏe mạnh. GS Dan Peer - đồng tác giả chính của nghiên cứu cho biết, với một mũi tiêm đơn giản vào khối u, chúng ta có thể khiến các tế bào ung thư “tự sát” mà không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh. Hơn nữa, các tế bào ung thư không thể phát triển khả năng kháng lại công nghệ mới này như thường xảy ra với hóa trị liệu, bởi vì chúng tôi luôn có thể sử dụng một loại độc tố tự nhiên khác để thay thế.

Trong các thử nghiệm trên chuột bị u ác tính, 44-60% tế bào ung thư bị tiêu diệt sau một lần tiêm. Sự phát triển của khối u chậm lại và những con chuột cho thấy tỷ lệ sống sót được cải thiện đáng kể so với những con chuột đối chứng và không có tác dụng phụ nào được nhìn thấy ở động vật. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thí nghiệm được thực hiện trên động vật, không có gì đảm bảo rằng kết quả sẽ được áp dụng cho con người. Nhưng với những kết quả tích cực của nghiên cứu, đây sẽ là 1 hướng đi tiềm năng để điều trị căn bệnh này.

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 791
Tổng lượt truy cập: 4.029.792
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!