Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 08-09-2023

WHO nỗ lực tiêu chuẩn hóa các phương pháp y học cổ truyền

Mỗi quốc gia, cộng đồng có những phương pháp điều trị y học cổ truyền khác nhau, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình áp dụng những phương pháp này?

Ayurveda là một dạng y học cổ truyền có thể tích hợp liệu pháp mùi hương. Nó phổ biến ở Nam Á.

Ayurveda là một phương pháp y học cổ truyền có tích hợp liệu pháp mùi hương. Phương pháp này phổ biến ở Nam Á. Ảnh: pereaclinic

Đối với nhiều người trên thế giới, khi bị cảm mạo hoặc đau nhức xương khớp, nơi mà họ nghĩ đến đầu tiên không phải là bệnh viện - có thể vì không có bệnh viện nào ở gần đó, họ không đủ khả năng chi trả, hoặc chỉ đơn giản là họ không thích không khí tràn ngập mùi thuốc khử trùng. Thay vào đó, họ sẽ tìm đến các bài thuốc y học cổ truyền - những bài thuốc mà các nền văn hóa trên thế giới đã tích luỹ và áp dụng hàng nghìn năm nay.

Y học cổ truyền bao gồm kiến ​​thức, kỹ năng và thực hành chữa bệnh được áp dụng bởi các nền văn hóa và cộng đồng khác nhau. Có thể dẫn chứng một số phương pháp y học cổ như sử dụng thảo dược; châm cứu; Tui Na - phương pháp massage có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm các kỹ thuật massage, xoa bóp, kích thích các huyệt đạo trên cơ thể để giải phóng năng lượng và cải thiện sức khỏe; Ayurveda - phương pháp y học truyền thống của Ấn Độ giúp tăng cường sức khỏe thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống, cách vận động và lối sống; và Unani - phương pháp chăm sóc sức khỏe cổ xưa ở Nam Á, giúp cân bằng các khía cạnh quan trọng của tâm trí, cơ thể và tinh thần.

Nhận thức được rằng y học cổ truyền và các hình thức chữa bệnh thay thế khác là lựa chọn chăm sóc sức khỏe quan trọng đối với nhiều người trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và chính phủ Ấn Độ đã đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Y học Cổ truyền lần đầu tiênvào tháng 8 vừa qua tại Gandhinagar, Gujarat, Ấn Độ.

Hội nghị quy tụ các nhà hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe, người thực hành và bệnh nhân sử dụng phương pháp y học cổ truyền, tổ chức quốc tế, học giả và doanh nghiệp liên quan từ 88 quốc gia thành viên của WHO.

Ban tổ chức Hội nghị mong muốn diễn đàn sẽ là nơi chia sẻ những phương pháp chữa trị hữu hiệu nhất cũng như bằng chứng và dữ liệu khoa học về y học cổ truyền.

Xây dựng tiêu chuẩn

Ở nhiều nước, các phương pháp y học cổ truyền có chi phí thấp hơn và dễ tiếp cận hơn so với những biện pháp chăm sóc sức khỏe chính thống thông thường. Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc có cùng nguồn gốc với các hợp chất được sử dụng trong y học cổ truyền - có tới 50% loại thuốc có gốc sản phẩm tự nhiên.

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc một người có chọn tin vào y học cổ truyền hay không, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính, tôn giáo, trình độ học vấn và thu nhập cũng như khoảng cách di chuyển đến bệnh viện. Các yếu tố văn hóa cũng có thể ảnh hưởng đến việc áp dụng y học cổ truyền của người dân.

Ví dụ, ở Trung Quốc, khi người trẻ tuổi ngày càng có xu hướng tiếp thu văn hóa phương Tây thì có ít người chọn tin vào y học cổ truyền hơn. Ngược lại, nhiều người di cư từ châu Phi đến Úc tiếp tục sử dụng y học cổ truyền để thể hiện bản sắc văn hóa của họ và duy trì một cộng đồng dân tộc gắn kết. Cái nhìn của một người đối với y học cổ truyền thường liên quan rất nhiều đến quan điểm cá nhân, môi trường và văn hóa.

Một thầy thuốc Đông y đang cân các thành phần dược liệu. Ảnh: Shutterstock

Một thầy thuốc Đông y đang cân các thành phần dược liệu. Ảnh: Shutterstock

Các quốc gia thành viên từ lâu đã thúc đẩy WHO nghiên cứu và theo dõi dữ liệu về y học cổ truyền. Trước đây, WHO đã phát triển “chiến lược y học cổ truyền” để giúp các quốc gia thành viên thuận lợi nghiên cứu, tích hợp và quản lý y học cổ truyền trong hệ thống y tế quốc gia. WHO cũng tạo ra các tiêu chuẩn thuật ngữ quốc tế để thực hành các dạng y học cổ truyền khác nhau.

Việc thực hành y học cổ truyền giữa các quốc gia rất khác nhau, tùy thuộc vào mức độ tiếp cận và tầm quan trọng của các phương pháp đối với khía cạnh văn hóa của mỗi quốc gia. Để áp dụng các phương pháp học cổ truyền một cách an toàn, dễ tiếp cận trên quy mô lớn, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia y tế công cộng phải phát triển các tiêu chuẩn chung và chia sẻ các phương pháp có hiệu quả thực sự. Hội nghị thượng đỉnh của WHO là một bước hướng tới mục tiêu đó.

WHO cũng đặt mục tiêu thu thập dữ liệu để làm cơ sở xây dựng các tiêu chuẩn và phát triển những phương pháp thực hành tốt. Hiện WHO đang tiến hành Khảo sát toàn cầu về Y học cổ truyền. Tính đến tháng 8 năm nay, khoảng 55 quốc gia thành viên trong tổng số 194 quốc gia đã hoàn thành và gửi dữ liệu của nước mình.

Châm cứu - một trường hợp điển hình

Một số phương pháp y học cổ truyền như châm cứu đã cho thấy những lợi ích đáng tin cậy, thậm chí phương pháp này đang bắt đầu được đưa vào y học chính thống ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tại hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh cần tiến hành thêm các nghiên cứu về hiệu quả và độ an toàn của những phương pháp cổ truyền.

Mặc dù y học cổ truyền có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng một số phương pháp điều trị lại có thể gây hại cho bệnh nhân. Ví dụ, châm cứu là một phương pháp chữa bệnh truyền thống, trong đó người thực hiện sẽ châm kim vào các điểm cụ thể trên cơ thể để giảm đau. Nhưng châm cứu có thể gây nhiễm trùng và chấn thương nếu người thực hiện sử dụng kim chưa được khử trùng hoặc cắm kim không đúng cách.

Tuy nhiên, châm cứu vẫn là phương pháp thực hành y học cổ truyền được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2019, 113 quốc gia thành viên của WHO cho biết người dân trong quốc gia của họ thực hành châm cứu.

Điều thú vị là biện pháp châm cứu trên chiến trường đã giúp điều trị thành công cho nhiều quân nhân Hoa Kỳ, chẳng hạn như giảm đau. Bộ đồ nghề châm cứu rất đơn giản để sử dụng, dễ vận chuyển và không có nguy cơ gây nghiện.

Ngoài ra, một số nhà khoa học cho biết có một số bằng chứng cho thấy châm cứu, thiền và yoga góp phần điều trị hiệu quả chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Tuy nhiên, những người hành nghề châm cứu tại các quốc gia không được đào tạo một cách thống nhất, bài bản. Để cung cấp hướng dẫn hành nghề tốt nhất, WHO đã phát triển các tiêu chuẩn thực hành châm cứu vào năm 2021. WHO đặt mục tiêu phát triển các tiêu chuẩn tương tự cho các dạng phương pháp y học cổ truyền khác.

Ngày càng có nhiều người tìm kiếm các liệu pháp tự nhiên, các bài thuốc dân gian để nâng cao sức khoẻ. Nỗ lực nghiên cứu, hợp tác để tiêu chuẩn hoá những phương pháp này sẽ giúp y học cổ truyền trở nên an toàn hơn với tất cả mọi người.

 

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 97
Hôm nay: 7475
Tổng lượt truy cập: 3.534.362
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!