Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 18-09-2023

Thung lũng Silicon của Đài Loan

Nhiều nơi trên thế giới đã đổ không ít nguồn lực cho các dự án được kỳ vọng sẽ trở thành “Silicon Valley” tiếp theo, nhưng số lượng thành công thực ra rất hiếm hoi. Trong đó, Công viên Khoa học Tân Trúc (HSP) tại Đài Loan là một ví dụ điển hình.

Tòa nhà bảo tàng TSMC trong khu Công viên Khoa học Tân Trúc.

Tòa nhà bảo tàng TSMC trong khu Công viên Khoa học Tân Trúc.


Thành phố Tân Trúc nằm cách Đài Bắc khoảng 90 km về phía Tây Nam, một mặt tựa vào núi, mặt còn lại hướng ra biển. Nơi này vốn từng chẳng có gì ngoài những trận gió lớn (mạnh tới mức dường như thổi bay mọi thứ), rất nhiều rắn và ruồi nhặng. Nhưng giờ đây, Tân Trúc lại đang là nhà của gần 400 công ty công nghệ cao trong các lĩnh vực bán dẫn, điện toán, viễn thông, quang lượng tử, công nghệ sinh học,… đóng góp khoảng 10% GDP của Đài Loan1. Hai trong bốn nhà sản xuất bán dẫn (foundry) lớn nhất thế giới: TSMC (số 1) và UMC (số 3) đã được thành lập và đặt trụ sở tại đây, biến Đài Loan thành tay chơi số 1 thế giới về chip tiên tiến.

Không có công thức thành công chung

Cách đây nhiều năm, nhà khoa học máy tính và chuyên gia tư vấn khởi nghiệp Paul Graham từ những quan sát cá nhân đã đúc kết một số điều kiện làm nên thành công của Silicon Valley – mà ngay chính nước Mỹ mặc dù rất cố gắng song cũng chưa thể tái tạo ở bất cứ đâu2. Ông nhấn mạnh: các tòa nhà, đại lộ, trung tâm mua sắm, dịch vụ tiện ích và cơ sở hạ tầng tốt là chưa đủ để biến một thành phố thành miền đất hứa khởi nghiệp; điều quan trọng là làm thế nào để những nhân tài sáng tạo (nerd) và nhà đầu tư mạo hiểm (angel investors) lựa chọn đến đó khởi nghiệp. Về điểm này, Graham tin sự can dự quá sâu của chính quyền, vốn không thể xóa bỏ hoàn toàn đặc tính quan liêu (bureaucracy), cho dù với động cơ tốt thì cũng sẽ rất khó mang lại kết quả như kỳ vọng. Thế nhưng Tân Trúc lại là một ngoại lệ khi ý chí của chính quyền thực sự đã giúp nâng đỡ tinh thần khởi nghiệp ở một vùng đất vốn không sở hữu nhiều lợi thế.


 

Tòa nhà mang tên người sáng lập Trương Trung Mưu của TSMC.

Tòa nhà mang tên người sáng lập Trương Trung Mưu của TSMC.


Khi lãnh đạo nghe theo trí thức

Ý tưởng thành lập HSP được khởi xướng từ cuối thập niên 1970 bởi giáo sư toán ứng dụng Từ Hiền Tu (1912 – 2001), cựu Hiệu trưởng Đại học Quốc lập Thanh Hoa và Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Trung Hoa Dân Quốc (THDQ). Năm 1976, sau nhiều chuyến thăm Mỹ, châu Âu và Nhật Bản để nghiên cứu kinh nghiệm phát triển kỹ nghệ của những nơi này, ông kết luận rằng Đài Loan nên đi theo mô hình Silicon Valley bên Santa Clara. Ban đầu, Thủ tướng Tưởng Kinh Quốc (1910 – 1988, sau trở thành Tổng thống) dự kiến sẽ cho xây khu công viên khoa học (CVKH) tại thị trấn Long Đàm (huyện Đào Viên), nơi có Viện Khoa học Công nghệ Trung Sơn (NCSIST, trực thuộc Bộ Quốc phòng)3 và Viện Nghiên cứu Năng lượng Hạt nhân (INER). Tuy nhiên, giáo sư Từ đã lập luận rằng Đài Loan không nên làm như vậy bởi mục tiêu lớn nhất của CVKH là để thúc đẩy sự lớn mạnh và năng lực sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân. Vì thế, ông đề xuất CVKH nên được xây gần hai Đại học Quốc lập Thanh Hoa và Giao Thông ở Tân Trúc – giống như Silicon Valley bên Mỹ (nằm trong khu đất vốn thuộc Stanford và cách Berkeley không xa). Ý tưởng này đã được Tưởng Kinh Quốc chấp thuận.


Khuôn viên Đại học Thanh Hoa.

Khuôn viên Đại học Thanh Hoa.


Trước đó, vào năm 1974, Bộ trưởng Kinh tế THDQ Tôn Vận Tuyền (1913 – 2006, sau trở thành Thủ tướng) cũng đã hậu thuẫn hết mực cho đề án Phát triển ngành công nghiệp vi mạch (IC) thành động lực tăng trưởng mới của Đài Loan do TS. Phan Văn Uyên (1912 – 1996), chuyên gia kỹ thuật hàng đầu từ Mỹ trở về, chắp bút. Mặc dù chưa báo cáo thủ tướng nhưng đích thân ông Tôn đã hứa với ông Phan về một ngân khoản trị giá 10 triệu USD để thiết lập những nền tảng cơ bản trên bàn ăn sáng trong một cuộc gặp – được cho là đã giúp khai sinh ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan4. Một hội đồng tư vấn kỹ thuật (Technical Advisor Committee) gồm toàn các kỹ sư giàu kinh nghiệm ông Phan tuyển mộ cũng được ông Tôn hậu thuẫn thành lập để thúc đẩy việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ Mỹ.

Bên cạnh đó là vai trò cũng không kém phần quan trọng của ông Lý Quốc Đỉnh (1910 – 2001), cựu Bộ trưởng Tài chính THDQ. Chính ông Lý đã nhiều lần sang Mỹ để tham vấn giáo sư Frederick Terman5 (1900 – 1982) về cách mà Đài Loan có thể tiếp bước thành công của mô hình Silicon Valley và thuyết phục các nhân tài kỹ thuật ở hải ngoại trở về Đài Loan lập nghiệp, trong số này có nhà sáng lập TSMC Morris Chang (Trương Trung Mưu)6. Ngoài ra, ông Lý cũng đưa ra ý tưởng thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) nhằm giúp kêu gọi vốn và nâng đỡ những startups.

Từ nhóm 19 kỹ sư trẻ tài năng được gửi sang Mỹ để học cách chế tạo vi mạch tại tập đoàn RCA Corporation (năm 1976) và chính quyền cho gấp rút khởi công fab bán dẫn đầu tiên trong khuôn viên Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI), cho đến hai dự án spin-off thành công của UMC và TSMC (tách từ ITRI) trong thập niên 1980, những thành tựu mà HSP đạt được hôm nay thực sự là một kỳ tích. Đó là hoa trái của các quyết định táo bạo từ hơn 40 năm trước.

Kinh nghiệm của HSP cho thấy một dự án “hub khởi nghiệp” chỉ có thể thành công nhờ được hoạch định tốt, bao gồm cả việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nhân tài. Đặc biệt, lãnh đạo chính trị trong một số thời điểm mang tính then chốt cần phải biết lắng nghe trí thức. Đó là bài học rất đáng để Việt Nam tham khảo trong bối cảnh chúng ta đang khát khao chiếm lĩnh một vị trí quan trọng hơn trên bản đồ công nghệ cao toàn cầu. |

 

.

.

Một số điều kiện cần để tạo ra một Silicon Valley, theo phân tích của Paul Graham:

- Nhân lực: những nhân tài kỹ thuật (nerds) và nhà đầu tư mạo hiểm (angel investors) là hai loại người (right people) mà bất cứ hub khởi nghiệp nào cũng cần thu hút. Đặc điểm của họ là ưa di chuyển, không thích lối mòn và đôi khi hành xử rất lập dị.

- Các yếu tố khác ảnh hưởng tới lựa chọn của hai loại người trên: môi trường, thời tiết, văn hóa, nghệ thuật,… nhưng điều quan trọng nhất là cần có một đại học nghiên cứu, hay chí ít là một khoa khoa học máy tính (computer science) và kỹ thuật điện (electrical engineering) hàng đầu. Ngay đến nước Mỹ cũng mới chỉ có California là nơi hội tụ đầy đủ những điều kiện này (thời tiết dễ chịu, môi trường và văn hóa phù hợp với người trẻ, tập trung nhiều người giàu có và sẵn sàng chịu mất tiền, bên cạnh hai Đại học Stanford và Berkeley lừng danh).

 

-----

Chú thích
1. Các khu công viên khoa học Tân Trúc, Đài Trung, Đài Nam hiện đang đóng góp hơn 15% GDP của Đài Loan, trong đó 65% đến từ ngành bán dẫn vi mạch.

2. Xem Paul Graham (2006), How to be Silicon Valley, Link: http://www.paulgraham.com/siliconvalley.html

3. NCSIST được tổ chức theo mô hình DARPA (Cơ quan Phụ trách các dự án công nghệ quốc phòng tiên tiến) của Mỹ. Cùng với AIDC (Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Hàng không vũ trụ), NCSIST là hai nhà thầu quân sự chính của Đài Loan và thuộc top 100 thế giới.

4. Xem Ngành bán dẫn Đài Loan: Cuộc gặp kiến tạo tương lai. Link: https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/nganh-ban-dan-dai-loan-cuoc-gap-kien-tao-tuong-lai/20221215092756340p1c160.htm

5. Viện trưởng Trường kỹ thuật, sau là hiệu trưởng Đại học Stanford. Cùng với GS. William Shockey (1910 – 1989), Terman được xem là cha đỡ đầu của Silicon Valley. Ông cũng chính là thầy hướng dẫn luận án tiến sỹ của Phan Văn Uyên – người chắp bút đề án phát triển ngành công nghiệp vi mạch Đài Loan – tại Stanford năm 1940.

6. Theo hồi tưởng của TS. Morris Chang, khi sự nghiệp của ông ở tập đoàn Texas Instruments bên Mỹ đang lâm vào cảnh bế tắc thì ông bỗng nhận được cuộc gọi từ Bộ trưởng Lý Quốc Đỉnh. Sau cuộc nói chuyện đó, ông Trương đã đồng ý trở về Đài Loan theo lời mời của chính quyền.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 1142
Tổng lượt truy cập: 4.028.451
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!