Thiết bị đeo hỗ trợ theo dõi tiến triển bệnh Parkinson
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford đã phát hiện ra rằng các thiết bị đeo kỹ thuật số có thể theo dõi tiến triển của bệnh Parkinson hiệu quả hơn so với quan sát lâm sàng.
Là một loại rối loạn thoái hóa thần kinh, Parkinson đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 10 triệu người trên toàn thế giới. Ảnh:apdaparkinson
Phát hiện của họ đã được công bố trên tạp chí Parkinson's Disease.
Từ hơn 100 chỉ số do các thiết bị thu thập, các nhà nghiên cứu có thể nhận ra những thay đổi tinh tế trong hành vi của các đối tượng mắc bệnh Parkinson, một căn bệnh thoái hóa thần kinh ảnh hưởng đến 10 triệu người trên toàn thế giới.
Dù các triệu chứng thường phát triển chậm trong nhiều năm và khác nhau ở mỗi người (chẳng hạn như run, cứng chân tay), cũng như không gây tử vong, song căn bệnh này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như mất khả năng nhận thức, trầm cảm, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, đau đớn,...
Chrystalina Antoniades, nhà thần kinh học tại Đại học Oxford và là tác giả chính của bài báo, nhấn mạnh rằng phát hiện này không phải là phương pháp giúp điều trị bệnh Parkinson. Nói đúng hơn, chúng là phương tiện giúp các nhà khoa học đánh giá xem liệu các loại thuốc mới và các phương pháp điều trị bệnh Parkinson có thực sự giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh hay không.
Có 91 bệnh nhân mắc Parkinson không rõ nguyên nhân tham gia nghiên cứu, mỗi người đeo 6 loại cảm biến - ở ngực, xương cùng (vị trí đoạn cuối của cột sống), hai tay và hai chân - giúp theo dõi 122 chỉ số sinh lý. Hàng chục số liệu nổi bật cho thấy rõ ràng sự tiến triển của bệnh, bao gồm hướng ngón chân di chuyển trong một bước chân cũng như độ dài và mức độ đều đặn của sải chân.
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ các bệnh nhân trong khoảng thời gian 18 tháng. Cứ 3 tháng một lần, các bệnh nhân sẽ đến phòng khám để các nhà khoa học tiến hành khảo sát và thu thập thông tin. Tổng cộng đã có 7 buổi thăm khám. Những bệnh nhân bỏ 2 lần khám liên tiếp sẽ bị loại khỏi nghiên cứu. Do đó, đến cuối cùng, nghiên cứu chỉ có dữ liệu hoàn chỉnh của 74 bệnh nhân.
“Đó là những dấu ấn sinh học [chỉ số đo lường được mức độ nghiêm trọng hoặc sự hiện diện của một số trạng thái bệnh]”, TS. Antoniade cho biết. “Thật thú vị. Chúng tôi hy vọng có thể cho bạn biết: liệu thuốc này có tác dụng không?”
Theo bà, cho đến nay, các thử nghiệm thuốc điều trị bệnh Parkinson vẫn dựa vào đánh giá lâm sàng để xem liệu phương pháp điều trị có làm chậm sự tiến triển của bệnh hay không. Tuy nhiên, quan sát lâm sàng có thể bỏ sót những thay đổi nhỏ nhặt, mơ hồ của bệnh nhân.
Trong bài báo mang tên “Xác định tiến triển vận động trong bệnh Parkinson bằng cảm biến đeo được và học máy”, nhóm tác giả kết luận rằng các cảm biến hoạt động hiệu quả hơn trong việc theo dõi sự tiến triển của bệnh “so với thang đánh giá lâm sàng thông thường”.
Để ghi lại các chuyển động khác nhau của người đeo, các cảm biến sử dụng đa công nghệ, bao gồm gia tốc kế và con quay hồi chuyển - những công nghệ ngày càng phổ biến trong đồng hồ đeo tay thế hệ mới và điện thoại thông minh. Kết hợp với nhau, các thiết bị này có thể đo hướng, dáng đi, mức độ chuyển động đều đặn của một người.
Sau khi kết quả được công bố, TS Antoniades và nhóm nghiên cứu liên tục nhận được tin nhắn từ đồng nghiệp và báo giới để hỏi về việc họ đã tìm ra phương thức chữa khỏi bệnh Parkinson hay chưa. Bà cho biết mình muốn làm rõ một điều rằng bước tiến này - dù rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển các phương pháp điều trị Parkinson - nhưng đó không phải là “liều thuốc" cuối cùng giúp điều trị căn bệnh này.
TS. Antoniades cho biết bà rất lạc quan về khả năng ứng dụng những cảm biến tương tự để theo dõi các căn bệnh khác, thậm chí có thể là bệnh Alzheimer - căn bệnh đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ thuật sinh học, khoa học lâm sàng và khoa học chuyển động.
Các cảm biến sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp bác sĩ lâm sàng quan sát diễn biến bệnh. Bà hy vọng “điều này sẽ giúp các bác sĩ đi đúng hướng”.
https://khoahocphattrien.vn/