Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 08-11-2023

Kỹ thuật xác định “tuổi của mắt” có thể dẫn đến phương pháp điều trị chính xác

Các nhà nghiên cứu đã xác định được các protein đặc hiệu của tế bào trong dịch mắt và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm ra loại protein làm tăng tốc độ lão hóa trong các bệnh cụ thể. Hiểu được nguồn gốc tế bào của các protein gây bệnh về mắt, có thể dẫn đến các phương pháp điều trị chính xác và các thử nghiệm lâm sàng.

Phân tích tế bào là một phần thiết yếu để tìm hiểu cơ chế bệnh tật. Tuy nhiên, trong các cơ quan không thể tái tạo như mắt, việc lấy mẫu mô không thực tế vì có thể gây tổn thương mắt. Vì vậy, các nhà nghiên cứu tại trường Y, Đại học Stanford đã thay thế bằng kỹ thuật kiểm tra các protein đặc hiệu của tế bào được tìm thấy trong thủy dịch, chất lỏng nuôi dưỡng bên trong phần trước của mắt và sử dụng AI để xác định “tuổi của mắt” một người và mức độ ảnh hưởng của bệnh tật.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu thập thủy dịch từ 46 bệnh nhân khỏe mạnh để xác định các loại protein có trong đó. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật TEMPO do chính họ phát triển để truy tìm các protein trong một loại tế bào ở đó RNA sản sinh ra protein.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra 5.953 protein trong thủy dịch và cung cấp thông tin đó cho thuật toán AI để xem xét khả năng một tập hợp con dự đoán tuổi của bệnh nhân. Kết quả là 26 protein khi được sử dụng kết hợp, đã làm được điều đó. Thủy dịch cũng được thu thập từ những người mắc ba bệnh về mắt: bệnh võng mạc tiểu đường, khiến mạch máu trong mắt bị rò rỉ, dẫn đến giảm thị lực; viêm võng mạc sắc tố, khiến các tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt bị phá vỡ; và viêm màng bồ đào, viêm bên trong mắt.

So sánh dịch mắt thu thập từ những người bị bệnh với dịch mắt lấy từ những người khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng protein trong mắt người bị bệnh có tuổi tế bào cao hơn. Ở những bệnh nhân mắc bệnh võng mạc tiểu đường giai đoạn đầu, các tế bào lão hóa sớm hơn 12 năm và ở những người mắc bệnh võng mạc giai đoạn cuối, tình trạng lão hóa sớm của tế bào là hơn 31 năm. Ở những bệnh nhân bị viêm võng mạc sắc tố và viêm màng bồ đào, tình trạng này là hơn 29 năm. Vinit Mahajan, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Đây là một trong những mối liên hệ tốt nhất từng được thiết lập cho thấy bệnh tật gây lão hóa nhanh”.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một số tế bào bị ảnh hưởng bởi các bệnh về mắt thường không được nhắm mục tiêu điều trị, cho thấy cần phải đánh giá lại các liệu pháp hiện nay. Ngoài ra, một số tế bào có biểu hiện lão hóa nhanh trước khi các triệu chứng xuất hiện, nghĩa là việc điều trị có thể được bắt đầu sớm hơn để tránh những tổn thương không thể khắc phục. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc nhắm mục tiêu vào cả tế bào lão hóa và tế bào bị bệnh có thể giúp điều trị hiệu quả hơn vì cả hai tế bào hoạt động riêng biệt nhưng đều gây tổn thương mắt.

Phát hiện nghiên cứu cung cấp thông tin cho các thử nghiệm lâm sàng trong tương lai. Các nhà nghiên cứu dự kiến áp dụng kỹ thuật TEMPO và đồng hồ lão hóa cho các chất dịch cơ quan khác, chẳng hạn như mật sống và dịch khớp.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Cell.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 1067
Tổng lượt truy cập: 4.026.127
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!