Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 09-05-2024

Bệnh lao có tác động kéo dài đến sức khỏe phổi ở những bệnh nhân đã điều trị khỏi

Nghiên cứu mới được trình bày tại Đại hội Toàn cầu ESCMID (trước đây là ECCMID) năm nay tại Barcelona, ​​Tây Ban Nha (27-30 tháng 4) đã cho thấy bằng chứng thuyết phục rằng bệnh lao (TB) có tác động kéo dài đến phổi của những bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh lao.

Phân tích dữ liệu của hàng chục nghìn người trên khắp thế giới cho thấy, những người được cứu sống sau khi mắc bệnh lao có kích thước phổi nhỏ hơn, đường thở hẹp hơn và luồng không khí vào phổi chậm hơn.

“Những vấn đề này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe lâu dài cho bệnh nhân, làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến khả năng làm việc cũng như thực hiện các công việc hàng ngày của họ. Với số lượng bệnh nhân lao được điều trị khỏi ngày càng tăng, phát hiện này cho thấy rõ ràng rằng các bệnh phổi sau lao sẽ là một thách thức toàn cầu", tiến sĩ Sharenja Ratnakumar tại Đại học London (Vương quốc Anh), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Bệnh lao có thể được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong những thập kỷ gần đây trong việc chống lại bệnh lao nhưng số ca lao chẩn đoán mới vẫn gia tăng mạnh kể từ đại dịch COVID-19. Theo Báo cáo Bệnh lao Toàn cầu năm 2023 của WHO, có khoảng 7,5 triệu người trên toàn cầu được chẩn đoán mắc bệnh vào năm 2022-con số cao nhất kể từ năm 1995 và cao hơn mức cơ bản trước đại dịch Covid năm 2019 là 7,1 triệu người.

Các ca bệnh chủ yếu ở khu vực châu Phi cận Sahara và Đông Nam Á nhưng ngay cả những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh thấp như Vương quốc Anh cũng đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc mới. Theo dữ liệu tạm thời từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, đã có 4.850 ca được chẩn đoán mới ở Anh vào năm 2023. Con số này cao hơn mức trước COVID.

Nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng, khoảng từ 18% đến hơn 80% số người được cứu chữa khỏi bệnh lao sẽ bị tổn thương phổi làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của họ.  Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, tiến sĩ Ratnakumar và các đồng nghiệp của ông đã tiến hành đánh giá một cách có hệ thống và phân tích tổng hợp các nghiên cứu hiện có về chủ đề này.

Cơ sở dữ liệu Medline, Embase và CINAHL được tìm kiếm từ ngày 1/1/00 đến ngày 31/1/2023 cho ra các nghiên cứu so sánh chức năng phổi của những người có tiền sử bệnh lao với chức năng phổi của những người đối chứng khỏe mạnh. Phân tích tổng hợp bao gồm dữ liệu về 75.631 cá nhân từ 15 nghiên cứu được thực hiện ở 17 quốc gia với tỷ lệ mắc bệnh lao và mức thu nhập khác nhau. Có 7.377 người sống sót sau khi mắc bệnh lao có độ tuổi trung bình từ 11-65 tuổi. Nhiều nghiên cứu nghiêng về nhóm dân số trẻ hơn (<50 tuổi) chủ yếu đến từ các quốc gia có thu nhập trung bình - thấp.

Bốn thước đo chức năng phổi được đưa vào phân tích: thể tích thở ra gắng sức trong 1 giây đầu (FEV1); dung tích sống gắng sức (Forced Vital Capacity - FVC); tỷ lệ FEV1/FVC; FVC dưới dạng phần trăm của giá trị dự đoán (so sánh thể tích với mức trung bình của một người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi, giới tính và chiều cao).

Nghiên cứu cho thấy, so với những người đối chứng khỏe mạnh, những người mắc bệnh lao trước đó trong nghiên cứu có kết quả thấp hơn đáng kể trên cả bốn thước đo chức năng phổi và FEV1 bị ảnh hưởng nhiều hơn FVC.

Tiến sĩ Ratnakumar cho biết, FEV1 thấp hơn 230 ml so với nhóm đối chứng khỏe mạnh và FVC thấp hơn 140 ml. Về mặt lâm sàng, FEV1 giảm 100 ml được coi là có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và hô hấp.

Phân tích dữ liệu từ năm nghiên cứu cho thấy những người sống sót sau bệnh lao có tỷ lệ tắc nghẽn luồng khí (AFO) cao hơn 65% so với những người trong nhóm đối chứng khỏe mạnh

Kết quả cho thấy bệnh lao có thể để lại tác động lâu dài và lan rộng đến phổi, đặc biệt là ảnh hưởng đến cấu trúc đường thở. Các nhà nghiên cứu cho biết, các giá trị thu được trong nghiên cứu có thể mang lại các chiến lược phục hồi chức năng phổi và có thể hỗ trợ phát triển các liệu pháp mới.

Trọng tâm điều trị lao cho đến nay vẫn là điều trị bệnh lao cấp tính, nhưng ngay cả khi điều trị thành công, các cá nhân vẫn có thể bị tổn thương phổi đáng kể. Điều này có thể gây khó thở, ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sinh hoạt hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của họ.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị cần chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh phổi sau lao, góp phần vào chiến lược Chấm dứt bệnh lao của WHO.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 233
Tổng lượt truy cập: 3.970.748
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!