Phương pháp điều trị ung thư mới làm chậm sự tiến triển của các khối u thần kinh nội tiết
Nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Y tế Sunnybrook và Đại học Toronto thực hiện cho thấy phương pháp mới để điều trị ung thư sớm được gọi là phối tử phóng xạ trị liệu (RLT) được chứng minh làm giảm đáng kể nguy cơ tiến triển khối u thần kinh nội tiết và tử vong ở người bệnh.
Kết quả của thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, được công bố trên tạp chí The Lancet, lần đầu tiên cung cấp bằng chứng rằng RLT-khi được áp dụng ở giai đoạn đầu sau khi bệnh nhân được chẩn đoán-làm chậm sự tiến triển của các khối u thần kinh nội tiết cấp độ 2 và 3 ở đường tiêu hóa.
Việc điều trị cho thấy, nó kéo dài thời gian sống “không tiến triển” trung bình khoảng 8,5 tháng lên 22,8 tháng. Simron Singh, phó giáo sư, bác sĩ chuyên khoa ung thư y tế tại Sunnybrook cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy hiệu quả của RLT như là phương pháp điều trị ‘tuyến đầu’ đối với bệnh ung thư giai đoạn muộn không thể chữa khỏi hoặc đối với bất kỳ bệnh ung thư nào. Thử nghiệm này là bước đột phá không chỉ đối với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư thần kinh nội tiết mà còn đối với tất cả các bệnh nhân ung thư vì nó có ý nghĩa đối với việc thực hành điều trị ung thư mở rộng".
Singh mô tả RLT là “phương pháp thay đổi cuộc chơi” trong điều trị ung thư, vốn thường được thực hiện bằng các phương pháp phẫu thuật, thuốc hoặc xạ trị. Singh, cũng là nhà khoa học liên kết của Viện nghiên cứu Sunnybrook và người đồng sáng lập Phòng khám Susan Leslie thuộc Trung tâm Ung thư Odette của Sunnybrook, cho biết: “Về mặt kỹ thuật, nó là bức xạ, nhưng nó được truyền qua con đường hóa trị qua máu cho đến khi đến được vị trí chính xác của khối u”.
RLT liên quan đến việc tiêm đồng vị phóng xạ—trong trường hợp này là thuốc lutathera-thông qua đường truyền tĩnh mạch. Phương pháp này nhắm vào các thụ thể tế bào ung thư cụ thể, cung cấp bức xạ chính xác để tiêu diệt tế bào ung thư trong khi vẫn bảo tồn các mô khỏe mạnh.
Nghiên cứu đã đánh giá việc sử dụng RLT sớm hơn như là phương pháp điều trị sử dụng đầu tiên (hoặc "trước tiên") cho những bệnh nhân mới được chẩn đoán có khối u thần kinh nội tiết đường tiêu hóa tiến triển độ 2 hoặc 3. Mặc dù ung thư thần kinh nội tiết không phổ biến nhưng tỷ lệ mắc bệnh đang tăng nhanh và có rất ít phương pháp điều trị cho bệnh nhân. Loại ung thư này có khả năng kháng lại hầu hết các phương pháp điều trị, khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Singh cho biết, các kết quả này xác nhận lợi ích lâm sàng của việc sử dụng RLT sớm hơn đối với những bệnh nhân được chẩn đoán có khối u ác tính và đe dọa tính mạng. Đây là bước tiếp theo trong liệu pháp điều trị ung thư nhắm mục tiêu cá nhân hóa cho bệnh nhân, tập trung vào việc tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn, đồng thời hạn chế tổn thương các mô khỏe mạnh xung quanh.
Các nghiên cứu sâu hơn về RLT đang được tiến hành để đánh giá khả năng sống sót tổng thể và độ an toàn lâu dài, điều này sẽ xác định rõ ràng hơn các bước tiếp theo về cách liệu pháp này sẽ thay đổi phương pháp điều trị ung thư trên toàn thế giới.
Thử nghiệm diễn ra tại nhiều địa điểm bao gồm cả các nhà điều tra và người tham gia từ Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Tổng quan về kết quả đã được trình bày tại Hội nghị chuyên đề về ung thư đường tiêu hóa (GI) của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) năm 2024.