Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 17-10-2024

Phương pháp điều trị tiểu đường type 2 mới không cần dùng insulin

Trong nghiên cứu kéo dài 2 năm, 86% bệnh nhân tiểu đường type 2 được điều trị bằng phương pháp mới đã không còn cần insulin. Phương pháp này có thể là bước đột phá cho gần nửa tỷ người mắc căn bệnh này trên toàn cầu.

Tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính, ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý đường huyết (glucose). Cơ thể hoặc kháng insulin hoặc không sản xuất đủ insulin dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Nếu không được kiểm soát, lượng đường huyết có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, suy thận, vấn đề về thị lực và tổn thương thần kinh. Đa số bệnh nhân tiểu đường type 2 có thể kiểm soát bệnh qua chế độ ăn uống và chế độ tập luyện, nhưng trong nhiều trường hợp người bệnh vẫn cần dùng thuốc hoặc sử dụng liệu pháp insulin để duy trì đường huyết ổn định. Mặc dù insulin có hiệu quả, nhưng việc sử dụng nhiều có thể gây ra tác dụng phụ như tăng cân và chi phí để điều trị cũng không nhỏ.

Trong nghiên cứu này, Tiến sỹ Celine Busch - Trung tâm Y tế Đại học Amsterdam (Hà Lan) đã thực hiện thủ thuật điện xuyên màng tế bào (Recellularization via Electroporation Therapy - ReCET). Đây là một thủ thuật nội soi sử dụng các xung điện có kiểm soát để tạo ra các lỗ nhỏ trên màng tế bào, từ đó giúp cải thiện độ nhạy insulin của cơ thể. Sau khi thực hiện thủ thuật, các bệnh nhân phải tuân theo chế độ ăn lỏng isocaloric trong 2 tuần, sau đó được dùng thuốc semaglutide hằng tuần - một loại thuốc giúp kiểm soát đường huyết cho người mắc tiểu đường type 2. Sau 6 và 12 tháng theo dõi, có 12/14 bệnh nhân không còn cần liệu pháp insulin. Sau 24 tháng, họ vẫn duy trì không cần sử dụng insulin và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Chỉ có một bệnh nhân không thể dung nạp liều tối đa của semaglutide do có triệu chứng buồn nôn.

Theo Tiến sỹ Celine Busch, kết quả này cho thấy, ReCET là một phương pháp an toàn và khả thi, khi kết hợp với semaglutide có thể loại bỏ nhu cầu điều trị bằng insulin. Phương pháp này cũng giải quyết được vấn đề tuân thủ điều trị, vì không yêu cầu bệnh nhân phải dùng thuốc hàng ngày như các liệu pháp hiện tại. Ông nhấn mạnh, thay vì chỉ kiểm soát bệnh, ReCET giúp cải thiện độ nhạy insulin của cơ thể, giải quyết tận gốc nguyên nhân của tiểu đường type 2. Để xác nhận kết quả này, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các thử nghiệm ngẫu nhiên lớn hơn. Tuy nhiên, có thể mất nhiều thời gian trước khi ReCET được áp dụng rộng rãi.

Nhóm nghiên cứu chia sẻ thêm, nghiên cứu này đánh dấu một bước tiến mới trong điều trị tiểu đường. Mới đây, các nhà khoa học cũng đã công bố thành công trong thử nghiệm tiêm insulin 1 lần/tuần cho bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2. Cùng với đó, công nghệ mới giúp phát hiện tiểu đường thông qua giọng nói và hình dáng lưỡi cũng đang được phát triển. ReCET mở ra hy vọng mới cho hàng triệu người đang phải đối mặt với tiểu đường type 2, với khả năng giảm đáng kể sự phụ thuộc vào insulin.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 20
Hôm nay: 3799
Tổng lượt truy cập: 3.947.722
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!