Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 08-11-2022

Định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động thông tin khoa học và công nghệ

Những năm gần đây, với sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc xây dựng, áp dụng và tổ chức thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động KH&CN nói chung, dịch vụ thông tin KH&CN nói riêng là vấn đề tương đối khó khăn và phức tạp do đặc thù của hoạt động thông tin KH&CN là lĩnh vực sản xuất phi vật chất. Bài viết đưa ra một số kiến nghị và giải pháp nhằm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động thông tin KH&CN.

Dịch vụ thông tin KH&CN

Dịch vụ thông tin KH&CN được quy định tại Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin KH&CN và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện. Trong lĩnh vực thông tin KH&CN có 4 nhóm dịch vụ chủ yếu là: 1) Thông tin KH&CN phục vụ quản lý, điều hành, hoạch định chiến lược, chính sách; 2) Thông tin KH&CN phục vụ nghiên cứu và phát triển; 3) Thông tin KH&CN phục vụ doanh nghiệp; 4) Thông tin KH&CN phục vụ nâng cao nhận thức công chúng về KH&CN, phổ biến, ứng dụng các thành tựu KH&CN trong nước và quốc tế. Các dịch vụ thông tin KH&CN được cung ứng bởi mạng lưới các tổ chức thông tin KH&CN trên toàn quốc, gồm: Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục); các tổ chức đầu mối thông tin KH&CN cấp bộ và cấp tỉnh; các tổ chức thông tin KH&CN công lập khác và các tổ chức thông tin KH&CN ngoài công lập. Trong các dịch vụ thông tin KH&CN nêu trên, chỉ có một số ít dịch vụ được xã hội hoá, thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân. Mặc dù Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ thông tin KH&CN, song cơ bản chưa thực hiện được. Hiện nay Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư các nguồn lực cho hoạt động này. Kinh nghiệm thực tiễn ở các nước phát triển cũng cho thấy, khả năng xã hội hóa loại hình dịch vụ thông tin KH&CN rất khó do tính chất đặc thù của dịch vụ thông tin KH&CN là lĩnh vực phục vụ công, phi lợi nhuận, đầu tư vào hoạt động thông tin KH&CN thường không mang lại hiệu quả cao.

Các loại dịch vụ thông tin KH&CN được cung cấp bao gồm: thông tin, tài liệu phân tích, tổng hợp phục vụ cho dự báo, hoạch định chính sách, lãnh đạo, quản lý nhà nước; thông tin thống kê KH&CN; thông tin về nhiệm vụ KH&CN, tài liệu sở hữu trí tuệ, công bố KH&CN trên tạp chí, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học; thông tin về các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN, cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; cung cấp dịch vụ mạng và các ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên nền tảng mạng thông tin KH&CN Việt Nam; tra cứu, cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin KH&CN; xây dựng cơ sở dữ liệu KH&CN; tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm KH&CN, chợ công nghệ và thiết bị; truyền thông, phổ biến thông tin KH&CN...

Dịch vụ thông tin KH&CN là một loại hình dịch vụ đặc biệt, do thông tin KH&CN là một lĩnh vực sản xuất phi vật chất, được xếp vào nhóm “khoa học và phục vụ khoa học”. Đây được xem là lĩnh vực phục vụ công, phi lợi nhuận. Các sản phẩm và dịch vụ thông tin KH&CN rất khó định giá do khó xác định được lợi ích kinh tế tức thời mà nó mang lại. Do vậy, hoạt động thông tin KH&CN chủ yếu do Nhà nước đầu tư và bảo đảm kinh phí hoàn toàn, được định hướng vào việc phục vụ các lợi ích quốc gia, mà trước hết là phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cộng đồng khoa học.

Việc xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ thông tin KH&CN là cần thiết để tăng cường hiệu lực quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, làm căn cứ để xây dựng và thực hiện kế hoạch, quản lý tài chính và quản lý chất lượng đối với hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin KH&CN, bảo đảm minh bạch trong việc cung ứng dịch vụ, đồng thời, góp phần thúc đẩy xã hội hoá việc cung ứng các dịch vụ thông tin KH&CN, tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung ứng dịch vụ. Định mức kinh tế - kỹ thuật là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, phê duyệt đơn giá, giá dịch vụ, dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý kinh tế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ thông tin KH&CH là việc khá phức tạp do đặc thù của hoạt động này khó đo lường chính xác, cụ thể được các mức hao phí, nhất là hao phí về lao động.

Thực hiện Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN và căn cứ các quy định pháp luật hiện hành có liên quan, ngày 18/12/2019 Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN quy định quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN.

Các giải pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

Căn cứ quy định, hướng dẫn tại các văn bản nêu trên và quy định của pháp luật hiện hành, việc xây dựng và tổ chức thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật dich vụ thông tin KH&CN cần được lưu ý 6 vấn đề chủ yếu sau đây:

Một là, xây dựng danh mục các dịch vụ cụ thể trong nhóm dịch vụ thông tin KH&CN để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao nhiệm vụ xây dựng định mức theo quy định pháp luật. Việc xác định danh mục dịch vụ cụ thể cần căn cứ vào nội dung, tính chất, cách thực hiện của mỗi công việc.

Hai là, xây dựng quy trình thực hiện dịch mỗi dịch vụ cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật. Trên cơ sở quy trình thực hiện dịch vụ cần xác định thành phần công việc để làm cơ sở đo lường, tính toán trị số định mức trong việc thực hiện dịch vụ.

Ba là, áp dụng các phương pháp thống kê tổng hợp, phân tích, thực nghiệm và so sánh để tính toán, xây dựng định mức. Trong đó, phương pháp thống kê tổng hợp sử dụng để tính toán, xác định trị số định mức hao phí về thời gian lao động, thời gian sử dụng máy, vật tư đối với những nội dung công việc có trình tự thực hiện, thời gian lao động không ổn định, không có tính chu kỳ; phương pháp phân tích thực nghiệm sử dụng để tính toán, xác định trị số định mức hao phí về thời gian lao động, thời gian sử dụng máy, vật tư để thực hiện các nội dung công việc có tính chất chu kỳ; phương pháp so sánh sử dụng để kiểm tra lại, làm tăng thêm tính chính xác, khoa học của các kết quả định mức đã được xác định bằng 2 phương pháp trên.

Bốn là, nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật của mỗi dịch vụ bao gồm các hao phí về lao động, nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị sử dụng để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ. Cụ thể:

 - Hao phí lao động là thời gian lao động trực tiếp và gián tiếp cần thiết của các cấp bậc lao động bình quân để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ thông tin cụ thể. Mức hao phí của lao động trực tiếp được tính bằng công, mỗi công tương ứng với 8 giờ làm việc. Mức hao phí của lao động gián tiếp (quản lý, phục vụ) tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của hao phí lao động trực tiếp. Các chức danh lao động trong thành phần hao phí nhân công của định mức áp dụng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN do cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc áp dụng các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khác tương đương.

- Hao phí phí nguyên vật liệu là các loại vật liệu cần thiết được sử dụng để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ thông tin cụ thể; mức hao phí trong định mức được tính bằng số lượng từng loại vật liệu cụ thể.

- Hao phí máy móc, thiết bị là các loại máy móc, thiết bị được sử dụng trực tiếp để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ thông tin; mức hao phí trong định mức được tính bằng ca làm việc, mỗi ca tương ứng với 8 giờ làm việc. 

Năm là, việc tính giá dịch vụ thông tin KH&CN áp dụng theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Nghị định 60). Theo đó, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, căn cứ quy định tại Thông tư số 25/2014/BTC ngày 17/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hoá, dịch vụ.

Đối với chi phí tiền lương trong giá dịch vụ, thực hiện theo điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 60. Theo đó, chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công hoặc tính theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước; định mức lao động do các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền.

Khi tính giá dịch vụ thông tin KH&CN, ngoài việc xác định chi phí cho các hao phí trực tiếp và tỷ lệ lao động gián tiếp (khoảng 15%) thì được tính bổ sung các chi phí sau đây (nếu có): 1) Chi phí mua tài liệu, bản quyền để khai thác, sử dụng thông tin KH&CN; 2) Chi phí chuyên gia theo các quy định hiện hành; 3) Chi phí di chuyển, công tác phí theo quy định hiện hành; 4) Các chi phí phát sinh (áp dụng theo các định mức liên quan đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc lập dự toán riêng đối với công đoạn phát sinh ngoài định mức này để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định).

Việc trích khấu hao tài sản cố định thực hiện theo điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị định 60, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền quy định.

Sáu là, về lộ trình tính giá dịch vụ, điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 60 quy định, đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá). Trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính... Đối với dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí, thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí.

*

*       *

Nhìn chung, việc xây dựng, áp dụng và tổ chức thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ thông tin KH&CN là vấn đề tương đối khó khăn và phức tạp do đặc thù của hoạt động thông tin KH&CN là lĩnh vực sản xuất phi vật chất như đã nêu ở trên. Tuy vậy, trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Thông tư số 06/2022/TT-BKHCN ngày 31/5/2022 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin, thống kê, thư viện KH&CN. Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng, nhưng để tổ chức thực hiện, áp dụng trong thực tiễn hoạt động của các cơ quan, tổ chức cung ứng dịch vụ thông tin KH&CN cũng như các cấp quản lý, giao nhiệm vụ và kinh phí, Bộ KH&CN cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để có văn bản ban hành khung giá và giá dịch vụ áp dụng cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ này, theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 2 Quyết định 2099/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2014), Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin KH&CN.

2. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN.

3. Bộ KH&CN (2019), Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN quy định quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN.

4. Chính phủ (2021), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

5. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 25/2014/BTC ngày 17/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hoá, dịch vụ.

6. Bộ KH&CN (2022), Thông tư số 06/2022/TT-BKHCN ngày 31/5/2022 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin, thống kê, thư viện KH&CN.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 160
Hôm nay: 269277
Tổng lượt truy cập: 4.423.770
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!