Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 13-06-2023

Nhận diện một số nút thắt gây trì trệ trong đổi mới và phát triển khoa học và công nghệ

Mặc dù nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng về cơ bản chúng ta vẫn chưa tạo ra các bước tiến đáng kể hướng tới mục tiêu kỳ vọng trong đổi mới và phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN). Nhận diện những “nút thắt” để đưa ra được các giải pháp phù hợp là vấn đề tiên quyết để có thể đổi mới và phát triển KH&CN hiệu quả trong thời gian tới.

Tình trạng trì trệ trong đổi mới và phát triển KH&CN

Có những nhận định giống nhau, nhắc lại về hạn chế trong đánh giá tình hình đổi mới và phát triển KH&CN tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/3/1991 của Bộ Chính trị về KH&CN trong sự nghiệp đổi mới; Nghị quyết TW2 - Khóa VIII về Định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhiệm vụ đến năm 2000; Nghị quyết TW6 - Khóa XI về Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Và cũng có sự lặp lại đáng kể trong mục tiêu, định hướng, giải pháp của các nghị quyết về phát triển KH&CN của Đảng, các chiến lược phát triển KH&CN của Chính phủ trong nhiều giai đoạn khác nhau. Cần xác định đây là sự trì trệ trong đổi mới và phát triển KH&CN ở nước ta. Đó là trạng thái trì trệ kéo dài và không có dấu hiệu tự thân biến mất theo thời gian.

Sự trì trệ đã làm bộc lộ những bất cập trong các giải pháp đổi mới và phát triển KH&CN từng được áp dụng. Nổi bật là: Thứ nhất, nỗ lực tạo dựng các điểm mới không mang lại kết quả do bỏ qua những nhân tố kìm hãm, cản trở đổi mới và phát triển KH&CN. Không thể thúc đẩy đổi mới và phát triển bằng cách lấy “thêm mới” thay cho “loại trừ cũ”, bởi hệ thống cũ có sức sống dai dẳng và chống lại xu hướng đổi mới. Không thể né tránh việc phải trực diện đối mặt với nhiệm vụ khó khăn cũng như giải quyết các di sản lịch sử đang kìm hãm phát triển.

Thứ hai, nhiều giải pháp được đề ra nhưng vẫn chưa tạo ra tác dụng thực tế bởi việc coi nhẹ quan hệ phối hợp giữa chúng. Các giải pháp trước đây chưa thể hiện rõ một số trọng tâm cần tập trung và một số cấp bách cần ưu tiên trước. Do đó, chưa sử dụng nguồn lực tập trung có hiệu quả và tận dụng tác động tương tác lan tỏa giữa chính và phụ, bước trước mở đường cho bước sau.

Thứ ba, chủ trương thu hút sự góp sức chung của tất cả lực lượng KH&CN vào đổi mới, phát triển KH&CN không khả thi do tồn tại sự phân hóa trong đội ngũ KH&CN. Bên cạnh bộ phận hướng tới đổi mới, còn có bộ phận gắn bó với mô hình KH&CN cũ về lợi ích, văn hóa… Bộ phận gắn bó với mô hình KH&CN cũ chống lại xu hướng đổi mới dưới nhiều hình thức khác nhau. Không thể có chính sách chung khuyến khích, hỗ trợ cho cả hai bộ phận này. Sự trì trệ đang diễn ra cho thấy còn thiếu các giải pháp chính sách phù hợp nhằm thay đổi tương quan lực lượng theo hướng có lợi cho đổi mới và phát triển KH&CN.

Có thể rút ra điểm chốt ở đây là cần coi trọng đúng mức việc khắc phục các nút thắt, điểm nghẽn cản trở quá trình đổi mới và phát triển KH&CN ở nước ta.

Một số vấn đề cấp bách nhằm tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong đổi mới và phát triển KH&CN

Vấn đề cấp bách nhằm tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong đổi mới và phát triển KH&CN được xác định dựa trên các tiêu chí: đã được chú ý đến từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết; đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với phát triển KH&CN nói chung; nếu được giải quyết sẽ có khả năng tạo tác động lan truyền rộng rãi; mang tính phức tạp cần tới sự nỗ lực to lớn và vượt bậc của Đảng và Nhà nước; có tính khả thi trong giải quyết vấn đề đặt ra. Đó là cơ sở để chọn ra bốn vấn đề là: quy hoạch lại hệ thống KH&CN công lập; đổi mới cơ chế quản lý tổ chức KH&CN công lập; đổi mới quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; phát triển đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư.

Ảnh minh họa. (Nguồn: vietq.vn/)

Cụ thể: Một là, các vấn đề này đã có trong Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 20/4/1981 của Bộ Chính trị về Chính sách khoa học và kỹ thuật; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/3/1991 của Bộ Chính trị về KH&CN trong sự nghiệp đổi mới; Nghị quyết TW2 - Khóa VIII về Định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhiệm vụ đến năm 2000; Nghị quyết TW6 - Khóa XI về Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đó cũng là những vấn đề được nêu trong Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2010 (Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg), Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN (Quyết định số 171/2004), Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 418/QĐ-TTg) và nhiều văn bản khác. Mặc dù đã được đề cập nhiều nhưng trên thực tế vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể.

Hai là, ảnh hưởng tiêu cực chung của hạn chế trong giải quyết các vấn đề quy hoạch hệ thống KH&CN công lập, đổi mới cơ chế quản lý tổ chức KH&CN công lập và đổi mới quản lý nhiệm vụ KH&CN đang: tạo môi trường nuôi dưỡng và duy trì các thành phần, quan hệ của hệ thống cũ; cản trở đổi mới theo hướng chuyển sang cơ chế thị trường, gắn kết KH&CN với phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết nghiên cứu và đào tạo, mở cửa và hội nhập quốc tế về KH&CN; duy trì sự bất bình đẳng giữa KH&CN công lập và ngoài công lập; vô hiệu hóa nhiều chính sách đổi mới về tài chính, nhân lực KH&CN; xói mòn niền tin của cộng đồng khoa học và xã hội đối với các giải pháp đổi mới của Đảng và Nhà nước…

Ảnh hưởng của vấn đề phát triển đội ngũ nhà khoa học đầu ngành là tình trạng: thiếu người chủ trì các nhiệm vụ KH&CN quan trọng của quốc gia; thiếu cán bộ nghiên cứu tập hợp, dẫn dắt lực lượng khoa học của đất nước; thiếu sự phân tầng tạo nên thứ bậc cần có trong giới khoa học; thiếu các tượng đài khoa học để tăng uy tín và tạo niềm tin trong xã hội; thiếu đại diện xứng tầm trong quan hệ quốc tế…

Ba là, ngoài trực tiếp giải quyết những tồn tại trong phạm vi của mình, việc giải quyết các vấn đề này còn mang lại tác động lan tỏa rộng rãi. Tác động lan tỏa chung của việc giải quyết thành công các vấn đề quy hoạch hệ thống KH&CN công lập, đổi mới cơ chế quản lý tổ chức KH&CN công lập và đổi mới quản lý nhiệm vụ KH&CN là: tạo điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp đổi mới về nhân lực, tài chính… trong phạm vi cụ thể và gắn với đối tượng cụ thể (đó vốn là những giải pháp không phát huy hiệu quả nếu được sử dụng một cách độc lập, tách rời nhau); nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH&CN; củng cố lực lượng có lợi ích, trình độ, phẩm chất phù hợp với xu hướng đổi mới trong các tổ chức KH&CN công lập - lực lượng này sẽ tham gia tích cực, thúc đẩy công cuộc đổi mới; hỗ trợ cho đổi mới hệ thống KH&CN công lập và đổi mới quản lý tổ chức KH&CN công lập; tạo điều kiện cho thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN; tạo quan hệ bình đẳng giữa KH&CN công và KH&CN tư; thành công trong giải quyết vấn đề nan giải có tác dụng tạo khí thế thúc đẩy đổi mới và phát triển KH&CN nói chung.

Tác động lan tỏa của phát triển đội ngũ nhà khoa học đầu ngành là ngoài việc trực tiếp khắc phục được các ảnh hưởng tiêu cực nêu trên, còn mang lại các tác dụng như thông qua đội ngũ nhà khoa học đầu ngành để xác định các hướng ưu tiên tập trung trong hệ thống KH&CN quốc gia; xây dựng một số tổ chức KH&CN mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế; hình thành và phát triển các trường phái khoa học; tạo thế bình đẳng trong hợp tác quốc tế.

Bốn là, tính phức tạp chung của các vấn đề quy hoạch hệ thống KH&CN công lập, đổi mới cơ chế quản lý tổ chức KH&CN công lập và đổi mới quản lý nhiệm vụ KH&CN là: ảnh hưởng tới lợi ích của tổ chức KH&CN và cơ quan chủ quản, liên quan tới giải quyết việc làm của một bộ phận cán bộ KH&CN… và ở phạm vi, quy mô khá rộng lớn; liên quan tới tiến hành đồng bộ các giải pháp về tổ chức, nhân lực, tài chính…; đòi hỏi sự tiến hành đồng bộ giữa đổi mới hệ thống tổ chức KH&CN công lập, đổi mới quản lý tổ chức KH&CN công lập và đổi mới nhiệm vụ KH&CN; vừa xóa bỏ cơ chế cũ vốn tồn tại trong quá khứ, vừa tiếp cận xu hướng quản lý tiên tiến, hiện đại trên thế giới; phải giải quyết việc làm của một bộ phận nhân lực KH&CN dôi dư; phải thay đổi phương thức quản lý của lãnh đạo trong đơn vị và cơ quan chủ quản. Tính phức tạp của phát triển đội ngũ nhà khoa học đầu ngành là: liên quan tới cả bồi dưỡng phát triển và phát huy; tiến hành đồng bộ các giải pháp về tổ chức, nhân lực, tài chính…; đánh giá xếp hạn trong giới khoa học; thay đổi phương thức lãnh đạo khoa học; thay đổi từ phía các cán bộ trong cơ quan quản lý KH&CN.   

Năm là, hiện có những thuận lợi để giải quyết vấn đề này như: những kết quả nhất định đã đạt được và bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ thực tế thực hiện các giải pháp trước đây; kinh nghiệm thành công trong đổi mới của các lĩnh vực khác ở nước ta; kinh nghiệm thành công của thế giới; yêu cầu của đổi mới hoạt động sự nghiệp nói chung ở nước ta; sự ủng hộ của cộng đồng khoa học và xã hội; các xu hướng phát triển trong và ngoài nước của thời gian tới.

Một số giải pháp đề xuất

Để giải quyết các vấn đề cấp bách trong đổi mới và phát triển KH&CN ở nước ta, cần chú ý đến một số giải pháp dưới đây.

Thứ nhất, quyết liệt rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN công lập theo hướng giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu để phù hợp với các định hướng ưu tiên về kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng và gắn kết nghiên cứu và đào tạo. Tập trung vào: sáp nhập, chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa đối với các viện nghiên cứu không đáp ứng được các điều kiện về lĩnh vực ưu tiên, các tiêu chuẩn về năng lực và chất lượng, chuyển một số tổ chức KH&CN công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các trường đại học, học viện để thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo.

Thứ hai, khẩn trương đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý đối với tổ chức KH&CN công lập. Giao kinh phí cho các tổ chức KH&CN công lập dựa trên đánh giá định kỳ kết quả và hiệu quả hoạt động, cùng với thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ KH&CN và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng theo kết quả đầu ra; thực hiện triệt để việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập trong xây dựng cơ cấu tổ chức, tuyển dụng, sử dụng nhân lực, sử dụng kinh phí, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN bảo đảm dân chủ, cạnh tranh, khách quan, công khai và bình đẳng trong việc tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN; đổi mới căn bản công tác đánh giá kết quả nghiên cứu và tài chính cho nhiệm vụ KH&CN, bảo đảm sự tương hợp với chuẩn mực quốc tế. Hình thành một số dự án, chương trình KH&CN cấp quốc gia lớn trong một số lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh và có tiềm năng nhằm giải quyết những vấn đề đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước.

Thứ tư, nhanh chóng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành theo các quy định hiện hành, đặc biệt trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên. Từng bước nâng cao tiêu chuẩn tiệm cận với tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành ở các nước phát triển. Tạo điều kiện để các nhà khoa học đầu ngành phát huy vai trò trong việc tạo ra những bước đột phá trong phát triển KH&CN và kinh tế - xã hội, là đầu tầu phát triển nguồn nhân lực KH&CN của đất nước và là hạt nhân thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN.

Thứ năm, Chú trọng quan hệ phối hợp đồng bộ trong giải quyết các vấn đề cấp bách.

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách đặt ra.

*
​*          *

Hệ thống công cụ chính sách về KH&CN không chỉ định hình ở số lượng, thể loại các giải pháp chính sách nói chung mà còn bởi một số giải pháp chính sách nhằm vào vấn đề trọng tâm, đi trước mở đường. Những giải pháp chính sách này là điểm nhấn tạo nên khác biệt đáng kể giữa các hệ thống công cụ chính sách về KH&CN. Thành công trong đổi mới và phát triển KH&CN phụ thuộc vào tạo thế và tạo lực. Lựa chọn trúng vấn đề cơ bản cần tập trung và cấp bách cần khẩn trương tiến hành sẽ tạo nên nhiều lợi thế trong khi nguồn lực không thay đổi. Đó là những điều có ý có ý nghĩa để chúng ta thoát khỏi tình trạng trì trệ và có bước chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới và phát triển KH&CN.

1. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (1995), 50 năm KH&CN Việt Nam (1945-1995), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 44 trang.

2. Bộ KH&CN (2004), Bộ KH&CN: 45 năm xây dựng và phát triển, Nhà xuất bản Hà Nội, 219 trang.

3. Bộ KH&CN (2009), 50 năm KH&CN Việt Nam (1959-2009), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 154 trang.

Hoàng Xuân Long, Hoàng Lan Chi
(Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo)

vjst.vn

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 5097
Tổng lượt truy cập: 4.063.863
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!