Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 18-03-2024

Phát hiện ba loài nhện bắt côn trùng gây hại trên cây có múi

Các nhà khoa học phát hiện ba loài nhện bắt mồi mới hiện diện trên cây có múi tại các tỉnh Nam Bộ.

Chủ nhiệm PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo hướng dẫn phân loại nhện bắt mồi bằng hình thái, mẫu được soi dưới kính hiển vi quét JSM-IT 200

Chủ nhiệm PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo hướng dẫn phân loại nhện bắt mồi bằng hình thái, mẫu được soi dưới kính hiển vi quét JSM-IT 200. Ảnh: VAST

Tại Việt Nam, cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi) đã được trồng lâu đời và phân bố rộng rãi từ Bắc vào Nam. Những loài cây này là ký chủ của nhiều loại nhện hại thuộc họ Tetranychidae. Để phòng trừ nhện hại, người nông dân chủ yếu vẫn sử dụng các loại thuốc hóa học như Ortus 5 EC, song có phần quá liều lượng, dẫn đến xuất hiện quần thể nhện hại mới với khả năng kháng thuốc cao...

Theo ​​Trung tâm Thông tin - Tư liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), với mong muốn tìm kiếm giải pháp mới vừa hiệu quả vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo và các cộng sự thuộc Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã nảy ra ý tưởng áp dụng phương pháp đấu tranh sinh học thông qua sử dụng các loại nhện bắt mồi. Trong đó, các loài nhện bắt mồi thuộc họ Phytoseiidae với trên hơn 1.600 loài phân bố trên khắp thế giới là mục tiêu tiềm năng bởi khả năng kìm hãm các loại nhện nhỏ hại cây trồng.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy mặc dù trên các loại cây có múi canh tác ở Việt Nam nói chung và các tỉnh Nam Bộ nói riêng đã xuất hiện khá nhiều nhóm nhện bắt mồi, nhưng hiện nay chưa có nghiên cứu nào đầy đủ về những loài thiên địch có khả năng kìm hãm các loài côn trùng, nhện gây hại. Vì vậy, cần tiến hành điều tra, thu thập, phân loại và nghiên cứu các loài tiềm năng trong phòng trừ sinh học để tiến hành nuôi nhân tạo và phóng thả chúng ra ngoài tự nhiên.

Trong khuôn khổ đề tài “Nhện bắt mồi (Acari: Phytoseiidae): tác nhân tăng cường và kiểm soát sinh học các loài nhện hại trên cây có múi”, nhóm đã định danh năm loài nhện bắt mồi hiện diện trên cây có múi ở các tỉnh Nam bộ, gồm: Amblyseius eharai, Amblyseius lenis, Amblyseius obtuserellus, Typhlodromus ndibu và Amblyseius polisensis. Trong đó, lần đầu ba loài mới (Amblyseius eharai, Amblyseius lenis và Typhlodromus ndibu) được ghi nhận tại Việt Nam.

Cả năm loài mới định danh đều hiện diện ở mô hình canh tác VietGap và hữu cơ, trong khi ở mô hình canh tác truyền thống chỉ có sự hiện diện của hai loài A. eharai và A. lenis.

Loài A. eharai - loài phong phú nhất - có tần suất hiện diện ở cả mùa mưa và nắng, ở các khu vực điều tra đều cao hơn các loài còn lại.

Nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm quy trình phòng trừ sinh học trên vườn bưởi da xanh

Nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm quy trình phòng trừ sinh học trên vườn bưởi da xanh. Ảnh: VAST

Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá khả năng tiêu thụ con mồi cái ở giai đoạn sinh trưởng và trưởng thành của loài nhện bắt mồi A. eharai thu thập được trên cây có múi. Theo đó loài P. citri là con mồi ưa thích hơn đối với nhện bắt mồi A. eharai. Từ kết quả này, các nhà khoa học đã xây dựng quy trình nhân sinh khối loài nhện bắt mồi tiềm năng là A. eharai với nguồn thức ăn thay thế là trứng Artermia franciscana, có thể dùng con mồi tự nhiên (nhện đỏ) làm nguồn thức ăn bổ sung trong quá trình nhân nuôi sinh khối.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một nghiên cứu ứng dụng các loài nhện bắt mồi bản địa để phòng trừ các loại côn trùng và nhện hại trên cây có múi". Qua nghiên cứu, nhóm đã xác định được tỷ lệ phóng thả thích hợp giữa nhện bắt mồi A. eharai và vật mồi T. urticae là 1:4, tỷ lệ phóng thả thích hợp giữa nhện bắt mồi A. eharai và vật mồi P. citri là 1:3.

Nhóm nghiên cứu đã công bố những kết quả trên trong các bài báo như "Effects of Different Diets on Biological Characteristics of Predatory Mite Amblyseius Eharai (Acari: Phytoseiidae)" trên tạp chí Insects, bài báo "Effects of Certain Pesticides on the Predatory Mite Typhlodromus ndibu Pritchard and Baker (Acari: Phytoseiidae)" trên tạp chí Agriculture.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, phóng thả nhện bắt mồi A. eharai đơn thuần hoặc phóng thả nhện bắt mồi A. eharai kết hợp với thuốc trừ sâu sinh học đã khống chế được nhện hại P.citri. Loài nhện bắt mồi A. eharai sau khi được phóng thả có thể hình thành quần thể tốt trong điều kiện tự nhiên. Qua quá trình đánh giá hiệu quả kinh tế của các phương pháp phòng trừ, các nhà khoa học đã khẳng định: Việc phóng thả thiên địch một cách đơn lẻ hoặc phóng thả thiên địch kết hợp với thuốc trừ sâu sinh học đã mang lại hiệu quả trong việc quản lý côn trùng, nhện hại trên cây bưởi góp phần nâng cao lợi nhuận kinh tế cho nông sản và bảo vệ môi trường.

Từ những thành công của đề tài, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo hy vọng trong thời gian tới nhóm nghiên cứu có thể tiếp tục tìm hiểu điều kiện nhân nuôi tối ưu để xây dựng quy trình nhân nuôi hoàn chỉnh, ứng dụng sản xuất lượng lớn loài nhện bắt mồi A. eharai để phòng trừ côn trùng và nhện hại cây trồng trong tương lai.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 17
Hôm nay: 3034
Tổng lượt truy cập: 3.946.957
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!