TFP và năng suất lao động: Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Theo chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam, năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động chính là 2 yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho nền kinh tế.
Năng suất yếu tố tổng hợp là khái niệm xuất hiện từ những năm 1960 trở lại đây. Trong quá trình nghiên cứu sự tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển và mới phát triển, các nhà kinh tế nhận thấy: ngoài 2 yếu tố truyền thống là vốn và lao động có 1 tập hợp những yếu tố có vai trò quan trọng đến tăng trưởng kinh tế bao gồm sự nâng cao trình độ nguồn nhân lực do giáo dục đào tạo, thay đổi cơ chế và công nghệ quản lý, phát triển khoa học và công nghệ...
Gần đây, chúng ta thường được nghe nhiều hơn đến cụm từ Năng suất yếu tố tổng hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể là chỉ tiêu này được đề cập đến trong mục tiêu của các chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hay các địa phương.
TFP và năng suất lao động là 2 yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Nhằm tăng trưởng năng suất yếu tố tổng hợp - TFP và năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết số 05 - NQ/TW nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế như: Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế - xã hội và môi trường… theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế.
Bên cạnh các mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô, nợ công phát triển doanh nghiệp… Nghị quyết cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể về năng suất lao động, đó là: “Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%; tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020”; “TFP đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 30 - 35%”.
Vậy năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) là gì? TFP ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển KT-XH của quốc gia, các địa phương và doanh nghiệp?
Như chúng ta đã biết, sự phát triển kinh tế của nước ta trong những thập kỷ qua chủ yếu phụ thuộc vào tích luỹ của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI). Điều này đã đưa đất nước chúng ta từ nền kinh tế nông nghiệp đến những bước đầu của nền kinh tế công nghiệp hoá.
Khi các yếu tố đầu vào (nhân công, nguyên liệu…) sẵn có và rẻ thì rất thuận lợi cho kinh tế chúng ta phát triển. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào yếu tố đầu vào lại có nhược điểm đó là phụ thuộc vào nguồn tài nguyên. Do đó, khi nền kinh tế phát triển ở mức cao hơn, bên cạnh chiến lược tăng trưởng dựa vào đầu vào , thì cũng phải định hướng vào nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn và lao động, đó chính là nâng cao TFP .
Kết quả của nâng cao năng suất là giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Như vậy, có thể hiểu TFP là chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” trong một hoạt động cụ thể hay cho cả nền kinh tế. TFP phản ánh tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, qua đó sự gia tăng đầu ra không chỉ phụ thuộc vào tăng thêm về số lượng đầu vào (phương thức truyền thống) mà còn tuỳ thuộc vào chất lượng các yếu tố đầu vào là lao động và vốn.
Theo đó, nâng cao TFP là biện pháp gia tăng đầu ra bằng việc nâng cao chất lượng các yếu tố đầu vào là lao động và vốn. Cùng với lượng đầu vào như nhau, lượng đầu ra có thể lớn hơn nhờ vào vào việc cải tiến chất lượng của lao động, vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này. Vì vậy, tăng TFP gắn liền với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề của người lao động….
Dựa vào các kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đã nêu nguồn tăng TFP chủ yếu dựa vào 5 yếu tố chính như sau:
Chất lượng lao động: trình độ học vấn liên quan đến khả năng tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ; Đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động; Đào tạo chuyển giao công nghệ. Đầu tư vào nguồn nhân lực làm tăng khả năng và năng lực của lực lượng lao động trong việc sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao là yếu tố rất đóng góp rất quan trọng làm tắng TFP.
Thay đổi nhu cầu hàng hoá, dịch vụ: tác động tới TFP thông qua việc tăng nhu cầu trong nước và xuất khẩu về sản phẩm, hàng hoá là cơ sở quan trọng để sử dụng tối ưu các nguồn lực.
Thay đổi cơ cấu vốn: tăng cường đầu tư công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ hiện đại và tự động hoá. Yếu tố này thể hiện việc đầu tư vốn vào những lĩnh vực có năng suất cao, từ đó nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế.
Thay đổi cơ cấu kinh tế: là việc phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế giữa các ngành và thành phần kinh tế, các nguồn lực sẽ được phân bổ nhiều hơn cho các ngành hoặc thành phần kinh tế có năng suất cao hơn, từ đó đóng góp vào việc tăng TFP.
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật: thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, đổi mới; nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; công nghệ quản lý tiên tiến (hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến…). Yếu tố này bao hàm các hoạt động như đổi mới, nghiên cứu phát triển, thái độ làm việc tích cực, hệ thống quản lý, hệ thống tổ chức… tác động làm nâng cao năng suất.
Trong 5 yếu tố chính đóng góp vào tăng TFP như đã nêu trên, 03 yếu tố được xác định là thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến các tổ chức, doanh nghiệp, đó là: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật; Chất lượng lao động và Thay đổi cơ cấu vốn.
Ngày nay, chúng ta có thể thấy mục tiêu hàng đầu của nâng cao năng suất là nâng cao chất lượng cuộc sống của con người; kết quả của nâng cao năng suất là giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Trong đó, nâng cao TFP tức là nâng cao hơn kết quả sản xuất với cùng đầu vào. Điều này là rất quan trọng đối với người lao động, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
Đối với người lao động, nâng cao TFP sẽ góp phần nâng lương, nâng thưởng, điều kiện lao động được cải thiện, công việc ổn định hơn. Đối với doanh nghiệp có khả năng mở rộng tái sản xuất. Còn đối với nền kinh tế sẽ nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế, nâng cao phúc lợi xã hội.