Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 24-09-2024

Xu hướng bao bì xanh bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sử dụng

Bao bì xanh và các giải pháp bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu, hướng tới giảm thiểu tác động tiêu cực lên sức khỏe con người và môi trường.

Bao bì xanh dần trở thành xu hướng tất yếu. Ảnh minh họa

Theo bà Nguyễn Ngọc Ngân - Chuyên gia nguyên cứu phát triển bao bì, ngành in ấn và bao bì hiện đang bị xếp vào nhóm ngành gây ô nhiễm cao, đứng trước nhiều thách thức từ các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường. Chính phủ, khách hàng và người tiêu dùng đều đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, buộc doanh nghiệp phải có những giải pháp cụ thể để đảm bảo bao bì đáp ứng được các yêu cầu an toàn và bền vững.

Hiện nay, nhu cầu về bao bì thân thiện với môi trường ngày càng tăng, đặc biệt là các loại bao bì có khả năng tái chế và ứng dụng trong kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, yêu cầu về nguyên liệu sản xuất bao bì cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, như hạn chế sử dụng hóa chất độc hại. Một trong những vấn đề đáng chú ý là việc tiến tới cấm hoàn toàn các hóa chất vĩnh cửu (PFAS) và toluene trong công thức mực in – những hóa chất thường được sử dụng để tăng khả năng chống nhiệt và kháng nước nhưng lại gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khi thải ra môi trường.

Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, trích dẫn bởi tờ AFP ngày 18/9, đã có hơn 3.600 hóa chất sử dụng trong bao bì hoặc chế biến thực phẩm được tìm thấy trong cơ thể con người. Đặc biệt, khoảng 100 hóa chất trong số đó bị coi là “mối đe dọa lớn” cho sức khỏe. Các hóa chất như PFAS và bisphenol A (BPA) là những chất đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và liên quan đến các bệnh như ung thư, rối loạn gan, tuyến giáp và vô sinh.

Bà Birgit Geueke - Tác giả chính của nghiên cứu đến từ Diễn đàn Bao bì Thực phẩm (FPF), cảnh báo rằng, PFAS – còn được gọi là hóa chất vĩnh cửu – không phân hủy trong tự nhiên và có thể tồn tại trong nhiều bộ phận của cơ thể người, từ đó gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó, BPA, chất gây rối loạn nội tiết và đã bị cấm trong bình sữa trẻ em ở nhiều quốc gia, vẫn là một thách thức đối với các nhà sản xuất bao bì.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những hóa chất này có thể tương tác với nhau, và một mẫu có thể chứa đến 30 loại PFAS khác nhau. Đây là lý do khiến các nhà nghiên cứu kêu gọi giảm thời gian tiếp xúc của thực phẩm với bao bì, đặc biệt tránh hâm nóng thức ăn trong bao bì nhựa.

Trước những mối lo ngại về hóa chất độc hại trong bao bì, xu hướng phát triển bao bì xanh đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Theo ông Trần Thanh Hậu - Chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực in ấn, tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường đang tăng mạnh, đặc biệt khi so sánh giữa năm 2022 và 2023.

Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của các loại nhựa sinh học có nguồn gốc tự nhiên và có khả năng phân hủy sinh học. Những loại bao bì này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải mà còn giảm tác động tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhựa sinh học phân hủy đang dần chiếm tỷ trọng cao trong ngành bao bì và dự kiến sẽ là giải pháp tối ưu để thay thế các loại nhựa truyền thống gây ô nhiễm.

Để đáp ứng xu hướng bao bì bền vững và các yêu cầu về môi trường, doanh nghiệp bao bì cần phải nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất "xanh". Bà Nguyễn Ngọc Ngân nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu trung hòa rác thải vào năm 2050, doanh nghiệp cần tập trung tự động hóa sản xuất, sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm thiểu lượng phát thải.

Ngoài ra, các tiêu chí về môi trường cần được chú trọng trong quá trình lựa chọn công nghệ và vật tư sản xuất, đồng thời doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc kiểm kê khí nhà kính theo quy định. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các quy định pháp luật mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 59
Hôm nay: 296
Tổng lượt truy cập: 4.054.457
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!