Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 14-10-2022

Bảo hộ CDĐL ở nước ngoài: Để thực sự là "cơ hội vàng"

Khi 39 chỉ dẫn địa lý (CDĐL) của Việt Nam được bảo hộ tại EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều người đã nhìn thấy cơ hội vàng cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Họ cho rằng từ nay, nông sản Việt Nam có thể “danh chính ngôn thuận” đi vào các hệ thống phân phối ở châu Âu với tên tuổi đã được công nhận, giảm thiểu tình trạng xuất khẩu nguyên liệu và đóng gói dưới bao bì nhãn hiệu của một bên khác. Một số đơn hàng xuất khẩu đầu tiên sau khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào năm 2020 như vải thiều đã nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng nơi đây, với hàng loạt tin tức vải thiều Việt Nam “đắt giá”, “cháy hàng” ở nước ngoài đã khiến không ít người tự hào rằng nông sản Việt Nam đã chinh phục được các thị trường khó tính.

Nhưng có lẽ, “nhiều khi chúng ta hào hứng quá, chúng ta quên có những vấn đề, có những rủi ro phía sau”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định trong một tọa đàm nông nghiệp vào năm 2021. Để nông sản Việt Nam thực sự có tên tuổi và chỗ đứng trên các thị trường cao cấp như EU, “chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà cho rằng chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường. Một đại sứ ở EU đã nói rằng nông sản của Việt Nam chỉ chiếm 1% tỉ trọng nhập khẩu nông sản của EU mà lại bán ở cửa hàng gốc Á”.

Đến đây, chắc hẳn sẽ có người hoài nghi về các CDĐL mà chúng ta mất không ít công sức theo đuổi - tại sao đã được bảo hộ ở nước ngoài song lại chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng? Thực chất, “việc đăng ký bảo hộ mới chỉ là giai đoạn đầu tiên thôi, sau khi đăng ký bảo hộ xong phải duy trì, bảo đảm phát triển bền vững sản phẩm mang CDĐL như thế nào lại là một câu chuyện khác”, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) nhận xét. Đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều phải đối mặt trong quá trình xây dựng và phát triển CDĐL: “Quá trình thiết lập và triển khai một CDĐL là tốn kém và khó khăn nhất bởi vì ngoài chi phí tài chính, chúng ta còn phải tốn không ít thời gian và công sức để khuyến khích sự tham gia, đồng thuận của các bên và thiết lập các tiêu chuẩn chung, đảm bảo quản lý hiệu quả một CDĐL”, theo đánh giá của các chuyên gia ở Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) trong cuốn sách “Hướng dẫn chỉ dẫn địa lý: Kết nối sản phẩm và xuất xứ sản phẩm”.

Giới thiệu hàng nông sản Việt Nam tại nước ngoài.

Bài toán quản lý chất lượng

Dù quy định khác nhau song hầu hết các quốc gia có bảo hộ CDĐL đều yêu cầu sản phẩm mang CDĐL phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và mối liên hệ với khu vực địa lý. Chẳng hạn, cũng giống như Việt Nam, Nhật Bản và EU đều quy định sản phẩm mang CDĐL phải có chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính ổn định khác chủ yếu có được do nguồn gốc địa lý. Đơn cử như CDĐL muối Bạc Liêu nổi tiếng có hương vị đậm đà, dịu ngọt, không đắng chát, ít tạp chất. Muối Bạc Liêu có được tính chất độc đáo này là nhờ điều kiện tự nhiên của các cánh đồng muối nơi đây chủ yếu là đất bãi bồi và đất pha cát, hàm lượng sét trên lớp mặt cao, vùng biển Bạc Liêu không có các vùng đá vôi ven biển nên làm lượng magie, canxi, sunfat… trong muối thấp. Một yếu tố khác là “kỹ thuật phơi nước biển theo các cấp ‘Sa kề - Nhì kề - Xếp chuối’ để kết tinh được hạt muối khá thủ công nhưng lại rất khoa học vẫn được người dân lưu truyền và sử dụng”, theo tài liệu về CDĐL của Cục Sở hữu trí tuệ.

Làm thế nào để đảm bảo mọi sản phẩm mang CDĐL đều duy trì được các tính chất này, nhất là khi nhiều sản phẩm có xu hướng tăng giá khi có CDĐL, là một bài toán không hề đơn giản. Mỗi quốc gia trên thế giới có mô hình quản lý CDĐL khác nhau - ở Việt Nam, quyền sở hữu CDĐL thuộc về nhà nước, do nhà nước trực tiếp quản lý hoặc trao quyền quản lý CDĐL cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL (chủ yếu là Sở KH&CN, UBND các địa phương hoặc hiệp hội sản xuất). Sau khi bảo hộ thành công CDĐL, các đơn vị được trao quyền quản lý sẽ tiến hành thiết lập quy chế quản lý và sử dụng CDĐL nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm và hoạt động sử dụng CDĐL trong thực tế, từ quy cách bao gói, tiêu chuẩn chất lượng, quy trình kỹ thuật sản xuất, xử lý vi phạm…

Có thể thấy, quy định về CDĐL ở Việt Nam “khá hoàn thiện” - theo nhận định của ThS. Nguyễn Lương Sỹ ở trường ĐH Luật (ĐH Huế). “Xét riêng về mặt câu chữ, điều kiện trong luật, chúng ta quy định rất khắt khe, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng vấn đề là thực thi trên thị trường như thế nào. Thực tế chúng ta rất yếu trong vấn đề thực thi, đặc biệt đối với CDĐL”. Điểm yếu này nhanh chóng bộc lộ qua nhiều trường hợp triển khai CDĐL trong thực tế. “Người sản xuất thường chạy theo lợi nhuận, mở rộng sản xuất, sản phẩm không đúng nguồn gốc ở khu vực trong phạm vi của CDĐL, hoặc sử dụng các chế phẩm tăng năng suất, hóa chất… ảnh hưởng đến chất lượng”, bà Lê Minh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định CDĐL và nhãn hiệu quốc tế (Cục SHTT) nhận xét trong một hội thảo về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam vào tháng 8/2022.

Tình trạng này không chỉ làm giảm giá trị của sản phẩm mà có thể khiến CDĐL dần bị mai một. Tiêu biểu như CDĐL bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ CDĐL ở Việt Nam vào năm 2006 nhờ hương vị thơm ngon nổi tiếng. Khi thấy giá bưởi Đoan Hùng tăng cao, nhiều người đã mở rộng vùng trồng trái quy định trong phạm vi CDĐL, đưa cả những giống bưởi khác vào. Hậu quả là “chất lượng và uy tín của cả vùng sản phẩm suy giảm, người tiêu dùng quay lưng với bưởi Đoan Hùng”, TS. Trịnh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), nhận xét trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn vào năm 2021.

Nhiều CDĐL trên thế giới cũng trải qua câu chuyện tương tự bưởi Đoan Hùng. Một trong số đó là CDĐL Banarasi cho sản phẩm sari (một loại trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ), được sản xuất ở Varanasi, một thành phố cổ còn có tên khác là Benares (Banaras) ở Ấn Độ. Đây là một trong những loại sari tốt nhất ở Ấn Độ, có truyền thống cách đây hàng trăm năm, được làm từ lụa thượng hạng, gấm, vàng và bạc với hoa văn thêu sang trọng. Sau khi được bảo hộ CDĐL tại Ấn Độ vào năm 2009, các tổ chức quản lý đã áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm quản lý chất lượng và thúc đẩy quảng bá CDĐL. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm chất lượng kém, giá rẻ mạo danh sari Banasari khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt được sản phẩm chính gốc. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất lại tìm cách cạnh tranh thông qua việc hạ thấp chất lượng sản phẩm so với tiêu chuẩn quy định trong CDĐL, dẫn đến giảm giá trị của CDĐL sari Banasari.

Trao quyền nhiều hơn cho người sản xuất

Thoạt nhìn, người ta có thể cho rằng những vướng mắc trong quản lý chất lượng sản phẩm mang CDĐL nằm ở ý thức của người sản xuất, do chạy theo lợi ích trước mắt, hoặc e ngại tốn kém nên không tuân thủ các tiêu chuẩn của CDĐL. “Chi phí phát triển một CDĐL vượt xa chi phí nộp đơn bảo hộ. Các nhà sản xuất mong muốn hưởng lợi từ CDĐL sẽ phải đầu tư để đáp ứng điều kiện về cơ sở, phương pháp sản xuất, nguyên vật liệu, hoạt động tổ chức… sao cho đáp ứng các tiêu chuẩn của CDĐL”, theo các chuyên gia ở ITC. Quá trình này thường khá tốn kém, chẳng hạn như thịt bò Chianina (Ý) đã được bảo hộ CDĐL ở EU, yêu cầu trong quá trình vận chuyển bò tới lò mổ, phải tách riêng bò mang CDĐL với bò không mang CDĐL. Tuy nhiên, có khá ít lò mổ công suất cao ở khu vực CDĐL, dẫn đến việc người nuôi bò Chianina phải chia làm nhiều chuyến nhỏ đến các lò mổ trong khu vực, làm gia tăng đáng kể chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình trạng người sản xuất không mặn mà với việc xây dựng CDĐL là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của việc thiếu mô hình quản lý phù hợp. “Mô hình quản lý CDĐL hiện nay thường do cơ quan nhà nước nên vai trò của tổ chức tập thể không phát huy được tác dụng. Chúng ta có rất nhiều quy định quản lý khác nhau, nhưng không cụ thể được trách nhiệm quản lý đặc biệt quản lý chất lượng sản phẩm”, luật sư Nguyễn Bá Hội ở Công ty TNHH tư vấn và phát triển thương hiệu AMC Việt Nam nhận xét. Tương tự, kinh nghiệm trên thế giới cũng cho thấy, “để CDĐL phát huy được hiệu quả cao nhất, phải phân cấp các nguồn lực cần thiết cho các cơ quan quản lý địa phương, bao gồm sự cân bằng quyền lực giữa khu vực công cộng và tư nhân, không chỉ bao gồm chính phủ”, theo các chuyên gia ở ITC. “Chúng ta không nên trông đợi rằng nhà nước có thể đảm đương nhiều vai trò một cách hiệu quả, đặc biệt khi một số vai trò tốt nhất nên trao cho khu vực tư nhân hoặc một tổ chức tập thể. Cụ thể như việc xác định tiêu chuẩn sản xuất hoặc điều hành, hoặc kiểm soát thực thi… Chính phủ sẽ đóng vai trò cân bằng lợi ích chung giữa các bên, cùng các lợi ích công cộng như môi trường, văn hóa”.

Hầu hết các CDĐL thành công trên thế giới đều đi theo hướng này. Chẳng hạn như các CDĐL cà phê ở Colombia đều được kiểm soát thông qua tổ chức tập thể với nguồn lực riêng. Ở Guatemala, nhà nước là chủ sở hữu CDĐL song hiệp hội sản xuất cà phê và liên hiệp cà phê quốc gia chịu trách nhiệm quản lý và phát triển CDĐL. “Những CDĐL này đã áp dụng thành công các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và duy trì được danh tiếng, cũng như được đầu tư tương đối lớn trong bảo hộ nội địa và quốc tế”, các chuyên gia ở ITC nhận định.

Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN

Có thể thấy, việc duy trì chất lượng của CDĐL là một bài toán khó. Nhưng khi tiến ra các thị trường nước ngoài nổi tiếng “khó tính” như EU, Nhật Bản… các sản phẩm mang CDĐL của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán nan giải khác. “Ngoài các tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng như Global Gap, kiểm tra dư lượng… chúng ta phải có chiến lược gia tăng giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm, nếu không sẽ chỉ dọn đường cho các nước khác đưa sản phẩm vào”, ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty Tư vấn xuất khẩu Hà Lan & Việt Nam nhận xét. “Chẳng hạn như vải thiều, chúng ta chỉ xuất khẩu vải tươi và không có thương hiệu, thì cách cạnh tranh duy nhất là giá cả. Tuy nhiên, giá bán vải thiều tính ra tiền Việt khoảng 800 nghìn đồng/kg, rất cao, chính vì thế, sau một container vải thiều đầu tiên của Việt Nam vào Hà Lan năm ngoái, năm nay họ không còn nhập nữa”.

Việc đầu tư cho KH&CN có lẽ là một trong những con đường quan trọng để giải những bài toán này. Chẳng hạn như trường hợp vải thiều, “chúng ta cần nghiên cứu một cách bài bản về cây vải thiều, từ sự thay đổi các thành phần chất dinh dưỡng theo thời điểm sinh trưởng, thời điểm thu hoạch, các hoạt chất trong quả,... việc hiểu rõ bản chất khoa học của cây vải thiều là nền tảng quan trọng để tìm ra phương pháp bảo quản, cách chế biến sâu hoặc những phương thức khác giúp gia tăng giá trị cho vải thiều”, PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi ở ĐHQGHN nhận xét. Dựa trên định hướng này, gần đây Bắc Giang đã triển khai nghiên cứu thành công giống vải thiều không hạt, được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nét độc đáo và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm vải thiều nơi đây.

Ngoài những giải pháp kỹ thuật, việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan như Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cũng như các bên liên quan khác là điều cần thiết để bảo vệ CDĐL ở nước ngoài. Nhất là khi các CDĐL càng có danh tiếng thì càng dễ bị “đánh cắp”. Đơn cử trường hợp CDĐL chè Darjeeling của Ấn Độ, trước tình trạng xâm phạm ngày càng phổ biến, vào năm 1998, Ủy ban chè Ấn Độ đã thuê một cơ quan giám sát quốc tế (Compumark) để phát hiện tất cả các trường hợp sử dụng tên gọi “Darjeeling”. Một công ty luật hàng đầu Vương quốc Anh cũng được thuê để tư vấn về quản lý các vấn đề pháp lý liên quan đến bảo vệ nhãn hiệu Darjeeling trên toàn thế giới. “Các vụ kiện chống lại hành vi xâm phạm ở trong và ngoài nước dù rất tốn kém (trong giai đoạn 1998-2002, Ủy ban chè đã dành 200.000 USD để đăng ký và chi trả lệ phí pháp lý nhằm chống vi phạm ở nước ngoài) nhưng là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính toàn vẹn trong chuỗi cung ứng và bảo vệ danh tiếng của nhãn hiệu Darjeeling”, theo các chuyên gia ở ITC.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 16
Hôm nay: 1920
Tổng lượt truy cập: 4.058.141
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!