Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 15-09-2023

Bảo vệ chỉ dẫn địa lý các loại sâm Việt Nam: Một bài toán nan giải

Làm thế nào để bảo vệ những sản phẩm nổi tiếng, có giá trị cao như sâm Ngọc Linh, sâm lai châu... trước “ma trận” sâm nhập lậu đang trà trộn trên thị trường là bài toán nan giải với nhiều địa phương.

.

 

Với nhiều tác dụng quý, thậm chí được xếp hạng là “một trong bốn loại sâm tốt nhất trên thế giới”, sâm Ngọc Linh luôn được nhiều người tìm mua dù giá thành không hề rẻ. Chỉ cần gõ từ khóa “mua sâm Ngọc Linh” trên công cụ tìm kiếm của Google, chưa đầy giây sau, người dùng đã nhận về hơn 11 triệu kết quả: hàng loạt sản phẩm từ lá sâm, củ sâm, rượu sâm, mỹ phẩm, các sản phẩm chế biến khác từ sâm Ngọc Linh… được rao bán công khai trên nhiều trang web với mức giá dao động từ vài triệu cho tới cả trăm triệu đồng.

Điều trớ trêu là trái ngược với nguồn cung dồi dào trên thị trường, sản lượng của các vườn sâm ở núi Ngọc Linh, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum và Quảng Nam còn khá hạn chế. Hiện nay, vùng bảo tồn và quy hoạch sâm Ngọc Linh ở hai tỉnh có diện tích khoảng hơn 47.000 ha. “Sản lượng hằng năm chủ yếu tập trung phục vụ cho hội chợ sâm Ngọc Linh (được tổ chức định kỳ hằng tháng) và bán nhỏ lẻ trong thị trường địa phương. Khối lượng giao dịch trong mỗi phiên chợ sâm Ngọc Linh ở tỉnh rơi vào khoảng 20-25 ký sâm, còn thị trường tự do khoảng 10 ký”, đại diện chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, phát biểu trong tọa đàm trực tuyến về sâm Việt Nam vào ngày 8/9 vừa qua. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với sâm Lai Châu, dù hiện nay tỉnh Lai Châu đang tập trung phát triển vùng trồng, lượng khai thác còn rất ít song trên thị trường mua bán đã khá “nhộn nhịp”.

Sự chênh lệch này bắt nguồn từ lượng lớn sâm nhập lậu đang “đội lốt” các loài sâm quý của Việt Nam. “Trong tám tháng đầu năm nay, chúng tôi đã điều tra gần 4.400 vụ liên quan đến sâm nhập lậu, phát hiện rất nhiều nơi bán sâm củ, sâm ngâm rượu và các sản phẩm bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm… mạo danh có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh hoặc sâm Lai Châu”, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết. Với mức giá chỉ vài triệu đồng/kg, rẻ hơn nhiều lần so với sâm Ngọc Linh chính gốc loại một có giá hơn 300 triệu đồng/kg và sâm Lai Châu hơn 120 triệu đồng/kg, các loại sâm giả mạo này đang gây lũng đoạn thị trường sâm Việt Nam.

Khi mua sâm giả, người tiêu dùng có thể rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Sâm Ngọc Linh ở Việt Nam thường phải trồng từ sáu năm trở nên mới cho thu hoạch, nhưng sâm nhập lậu chỉ tốn nửa thời gian. “Quy trình trồng sâm bên Trung Quốc rất ngắn, chỉ khoảng 2-3 năm đã thu hoạch, họ sử dụng các chất kích thích hoặc những hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Đức Lê cho biết. Thực tế trong những vụ việc bắt giữ sâm nhập lậu từ Trung Quốc, khi lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều mẫu sâm có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần cho phép.

Mục tiêu bảo tồn nguồn gene và xây dựng thương hiệu cho các loại sâm Việt Nam (bao gồm chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh và nhãn hiệu chứng nhận cho sâm Lai Châu) sẽ càng xa vời nếu sâm nhập lậu vẫn tràn lan trên thị trường. “Hiện tại hạt giống sâm Ngọc Linh của chúng tôi có giá hơn 100 ngàn đồng/hạt, trong khi sâm Trung Quốc bán 5-8 triệu đồng/ký, người mua không biết là đúng sâm Ngọc Linh hay không, vô tình mua về mang lên vùng trồng, dẫn đến lai tạp giống rất nguy hiểm”, ông Trần Đức An, Giám đốc điều hành Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum cho biết.

 

Chuyên gia hướng dẫn nhận diện sâm Ngọc Linh thật và sản phẩm giả mạo đang được rao bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: Báo Thanh niên

Chuyên gia hướng dẫn nhận diện sâm Ngọc Linh thật và sản phẩm giả mạo đang được rao bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: Báo Thanh niên

Bài học về những chỉ dẫn địa lý nổi tiếng nhưng dần mất đi chỗ đứng vì thiếu kiểm soát nguồn giống cũng như vùng trồng không phải là mới. Đơn cử như chỉ dẫn địa lý bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam vào năm 2006 nhờ hương vị thơm ngon nổi tiếng. Khi thấy giá bưởi Đoan Hùng tăng cao, nhiều người đã mở rộng vùng trồng trái quy định trong phạm vi chỉ dẫn địa lý, đưa cả những giống bưởi khác vào. Hậu quả là “chất lượng và uy tín của cả vùng sản phẩm suy giảm, người tiêu dùng quay lưng với bưởi Đoan Hùng”, TS. Trịnh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), nhận xét trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn vào năm 2021.

Phương pháp phân biệt sâm thật - giả

Qua những thông tin cảnh báo, hầu hết mọi người đều ý thức được những nguy cơ từ sâm nhập lậu, song nếu đi mua, không phải ai cũng nhận ra đâu là sâm nhập lậu giả mạo, đâu là sâm Việt Nam chính gốc. “Các loại sâm nhập lậu có hình dáng khá tương tự với sâm Việt Nam, người tiêu dùng rất khó phân biệt”, ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Kon Tum cho biết. Nếu dựa vào hình thái bên ngoài, ngay cả những người có kinh nghiệm về sâm cũng khó có thể phân biệt được. Trong khi đó, những nơi bán sâm giả mạo còn sử dụng hình ảnh của các nhà trồng sâm, phiên chợ sâm lớn, vườn sâm nổi tiếng ở Quảng Nam, Lai Châu, thậm chí là hình ảnh của Công an tỉnh Lai Châu để đánh lừa người tiêu dùng.

Khi cách phân biệt bằng cảm quan, hình thái bên ngoài không đủ chính xác, người ta đã tìm đến những công nghệ hiện đại hơn như phân tích gene, phương pháp quang phổ… Tuy nhiên, những phương pháp này vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn như phân tích gene, “nhược điểm của phương pháp này là đắt tiền và cần nhân lực có chuyên môn, tốn nhiều thời gian”, PGS.TS Phan Kế Long, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phân tích. “Công đoạn đọc trình tự gene mất khoảng một tuần, sau đó dựa trên dữ liệu sẵn có, chúng tôi có thể biết được nó thuộc dòng nào, nhưng nếu sâm được lấy giống từ Việt Nam đem sang Trung Quốc trồng thì rất khó phân biệt nguồn gốc”.

Phương pháp vật lý như sử dụng quang phổ có vẻ tiềm năng hơn. “Hiện nay, chúng tôi rất muốn phát triển phương pháp này để xây dựng cơ sở dữ liệu của các vùng trồng. Trên cơ sở này, chúng ta có thể giám định các mẫu sâm nhanh chóng và dễ dàng, chẳng hạn, chỉ cần lấy một cái lá đưa vào máy đo quang phổ là có thể biết được ngay cây này được trồng ở Kon Tum hay ở đâu, chỉ sau khoảng 5-15 phút là có kết quả”, PGS.TS Phan Kế Long cho biết. “Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn, kết hợp công nghệ AI để xác định các vùng trồng. Cái này chúng ta hoàn toàn có thể làm được”.

Các địa phương có vùng trồng sâm cũng đang nỗ lực đi tìm giải pháp. Gần đây, tỉnh Kon Tum đã đầu tư 13 tỷ đồng để mua thiết bị phân tích DNA và các hợp chất saponin đặc trưng của sâm để phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả. Với hai phương pháp phân tích nhanh và chậm, quá trình phân tích DNA sẽ mất khoảng 4-5 tiếng nếu phân tích nhanh, và khoảng hai ngày nếu phân tích chậm. “Thiết bị này hỗ trợ kiểm định rất nhanh, nếu nghi ngờ chỉ cần đưa mẫu lên kiểm tra, có thể trong ngày hoặc ngày hôm sau là có kết quả”, ông Ngụy Đình Phúc cho biết.

Việc đa dạng hóa và tối ưu các phương pháp kiểm định là điều cần thiết để tăng cường hiệu quả giám sát. Chẳng hạn, các cơ quan quản lý thị trường sẽ cần đến những thiết bị nhỏ gọn, phân tích nhanh tại hiện trường. “Các giải pháp do các nhà khoa học đề xuất đều rất hay, nhưng chưa phù hợp với cơ quan chức năng như chúng tôi, vì không thể lúc nào cũng đem theo các thiết bị như phòng lab để kiểm tra sâm bán trên thị trường. Chưa kể đến phân biệt các sản phẩm chế biến từ sâm lại càng khó”, ông Nguyễn Đức Lê nhận định.

Công cụ chỉ dẫn địa lý

Trước tình trạng này, nhiều người đã đặt câu hỏi về việc ứng dụng chỉ dẫn địa lý như thế nào để bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, cũng như các loại sâm khác của Việt Nam? Kể từ năm 2016, sâm Ngọc Linh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Sở KH&CN tỉnh Kon Tum và Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam là tổ chức quản lý của chỉ dẫn địa lý nổi tiếng này. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu để chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do điều kiện địa lý quyết định, bao gồm yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất,...) hoặc yếu tố con người (kỹ năng người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương,...). Với tính chất đặc biệt gắn liền với khu vực địa lý, việc kiểm soát vùng trồng là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững sâm Ngọc Linh. “Bên cạnh việc kiểm soát ở biên giới, trong nội địa cũng phải quản lý chặt chẽ, đặc biệt là vấn đề chỉ dẫn địa lý”, ông Ngụy Đình Phúc nhận định. “Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận vùng trồng sâm giới hạn ở các địa phương, chúng ta phải quản lý chặt chẽ từ việc người dân trồng ở đâu, bao nhiêu cây, sản lượng thế nào… thì mới có thể ngăn chặn được việc sâm nhập lậu trà trộn vào”.

Tỉnh Kon Tum đang đi theo hướng này. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có hai doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Vùng trồng và số lượng cây đều được quy định rất rõ ràng. Bao gồm Công ty CP sâm Ngọc Linh, Kon Tum được cấp giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho 10.000 sâm củ với độ tuổi lớn hơn 10 năm tại lô 3, khoảnh 2, tiêu khu 220 thuộc xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Mã số chỉ dẫn địa lý là C0001-SNLKTG. Thứ hai là Công ty CP sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho 2200 sản phẩm sâm củ độ tuổi lớn hơn sáu năm tại lô 17b, khoảnh 5, tiểu khu 227 thôn Mo Za, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông.

“Hằng năm, đội thanh tra liên ngành, gồm quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và các đơn vị kiểm định đều đến các vườn sâm kiểm tra, lấy mẫu ngẫu nhiên và kiểm định ngẫu nhiên bất kì loại sâm nào để xem có đúng nguồn gene của sâm Ngọc Linh hay không, và việc tuân thủ các quy định về chỉ dẫn địa lý như thế nào”, ông Trần Đức An, một trong hai doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh cho biết.

Bản thân các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm những giải pháp để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Tiêu biểu là Công ty CP sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông đang ứng dụng gắn chip điện tử cho các cây sâm. Theo ông Trần Đức An: “Tất cả những thông tin dữ liệu về cây sâm, chăm sóc hàng ngày như thế nào, tốc độ phát triển ra sao đều được ghi lại. Dựa vào chip điện tử, củ sâm có bị lấy trộm, di chuyển đi đâu thì doanh nghiệp cũng nắm được. Khi 2.200 cây sâm ra thị trường, chúng tôi sẽ giải trình chi tiết bao nhiêu cây ra thị trường, số năm tuổi, bán nguyên củ hay làm nguyên liệu sản xuất… từ đó sẽ biết được họ có trộn các loại sâm khác vào các sản phẩm sau này hay không. Khi hết đợt này, chúng tôi phải xin cấp phép để trồng tiếp. Như vậy, việc kiểm soát đầu vào ở Kon Tum rất chặt chẽ”.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 15
Hôm nay: 2691
Tổng lượt truy cập: 3.943.844
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!