“Giải cứu” những nhãn hiệu bị đánh cắp ở nước ngoài
Dù câu chuyện bảo hộ nhãn hiệu đã nhận được nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây song nguy cơ mất nhãn hiệu của Việt Nam ở các thị trường nước ngoài vẫn luôn hiện hữu.
Dó trầm là cây gỗ lớn, có chiều cao trung bình từ 15 - 25m, vỏ cây nhẵn có màu xám, thịt gỗ có màu vàng nhạt, lá của chúng có hình bầu dục, hình trứng hoặc hình ngọn giáo. Cây có tuổi từ 4 - 5 năm sẽ bắt đầu ra hoa kết trái.
Ngoài giống bưởi ngon nổi tiếng, xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) còn được nhiều người biết đến nhờ giống trầm hương quý, có mùi thơm đặc biệt và chứa nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe. Đây cũng là thủ phủ trầm hương ở Hà Tĩnh - một trong những địa phương trồng cây dó bầu (trầm hương) nhiều nhất cả nước. Do vậy, trong một chuyến thăm vào năm 2018, Hội Trầm hương Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hà Tĩnh với mong muốn phát triển các sản phẩm từ trầm hương nơi đây. Chẳng ai ngờ rằng sáu năm sau, trầm hương Phúc Trạch lại xuất hiện ở Hàn Quốc dưới tư cách một nhãn hiệu bị đánh cắp.
Mới đây, trong quá trình tra cứu thông tin, các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bất ngờ phát hiện nhãn hiệu trầm hương Phúc Trạch đã bị một người Hàn Quốc đăng ký bảo hộ tại nước này. “Hiện nay, có ba nhãn hiệu bao gồm thành phần ‘Phuc Trach Agarwood’ (Trầm hương Phúc Trạch) đã bị chủ đơn người Hàn Quốc nộp đơn đăng ký, trong đó hai nhãn hiệu được chấp thuận bảo hộ ngày 19/01/2021 và một nhãn hiệu mới được chấp thuận bảo hộ ngày 17/02/2023”, ông Hàn Tường Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và Tư vấn chuyển giao công nghệ và Đầu tư (Concetti) chia sẻ trong một hội thảo về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu diễn ra tại Hà Tĩnh vào tháng 6/2024.
Vụ việc này khiến những người trong ngành không khỏi lo lắng bởi trầm hương có vị trí khá đặc biệt với Việt Nam cũng như Hàn Quốc. Hiện nay, Việt Nam nằm trong top những quốc gia xuất khẩu trầm hương hàng đầu thế giới, và một trong những đối tác nhập khẩu lớn nhất là Hàn Quốc. “Nếu không sớm có kế hoạch để giải quyết việc này thì sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động trong tương lai”, ông Hàn Tường Minh phân tích. “Chẳng hạn, nếu Hà Tĩnh muốn đăng ký nhãn hiệu ‘Trầm hương Phúc Trạch’ sang Hàn Quốc thì nhiều khả năng sẽ bị từ chối do cụm từ này trùng với một phần nhãn hiệu đã được bảo hộ của chủ người Hàn Quốc, và hệ lụy là các sản phẩm trầm hương của Phúc Trạch có thể sẽ không được mang nhãn hiệu này khi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc”.
“Với xu thế xuất khẩu hàng hóa hiện nay, chính quyền các địa phương cần quan tâm khuyến khích người dân và doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản của mình. Chính địa phương sẽ là cầu nối vững chắc nhất để Concetti nói riêng và các đại diện sở hữu trí tuệ nói chung kết nối với chủ sở hữu để thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết đối với nhãn hiệu”.
Đăng ký với dụng ý xấu
Trường hợp của trầm hương Phúc Trạch không phải là cá biệt. Từ các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ như thương hiệu cà phê trái cây đầu tiên ở Việt Nam - Meet More, cho đến các doanh nghiệp lớn như cà phê Trung Nguyên hay các thương hiệu cộng đồng như nước mắm Phú Quốc… đều từng phải đi “đòi lại” nhãn hiệu ở xứ người. “Câu chuyện nhãn hiệu, thương hiệu của Việt Nam bị đăng ký bảo hộ tại nước ngoài cũng đã xảy ra tương đối nhiều và luôn là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Đặc biệt, tình trạng những nhãn hiệu gắn liền với địa danh của Việt Nam bị đăng ký bảo hộ tại nước ngoài là vấn đề ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, cũng như mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Hàn Tường Minh nhận xét.
Tại sao những tài sản trí tuệ quý giá của Việt Nam cứ bị mất ở nước ngoài từ năm này qua năm khác? Chắc chắn, không có sự tình cờ nào ở đây. Hầu hết những nhãn hiệu bị nhắm đến đều là nhãn hiệu có danh tiếng. Việc sử dụng các nhãn hiệu này trong sản xuất, kinh doanh sẽ thu lợi nhuận dễ dàng hơn là bỏ công sức, tiền bạc đầu tư cho một cái tên mới. Chẳng hạn như trường hợp kẹo dừa Bến Tre của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á.
Cách đây gần 30 năm, Công ty Đông Á đã hợp tác với Công ty Rừng dừa ở Trung Quốc để xuất khẩu kẹo dừa sang nước này. Khi đang làm ăn tốt, đến năm 1998, doanh số của Công ty Đông Á sụt giảm bất thường. Sau khi tìm hiểu, bà Nguyễn Thị Tỏ (Hai Tỏ), chủ thương hiệu kẹo dừa Bến Tre, phát hiện Công ty Rừng dừa đã tự tìm đến các thương lái thu mua kẹo dừa, mang về Trung Quốc rồi gắn mác kẹo dừa Bến Tre bán tràn lan trên thị trường. Tháng 8/1998, bà Hai Tỏ phát hiện công ty này đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu "kẹo dừa Bến Tre" tại Trung Quốc, chỉ còn ba tháng là được cấp bằng độc quyền. Sau gần hai năm liên tục di chuyển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh Bến Tre, bà Hai Tỏ đã thành công trong việc chứng minh hàng hóa của Công ty Rừng dừa là hàng giả và thuyết phục cơ quan quản lý nhãn hiệu của Trung Quốc buộc công ty này phải đóng cửa và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa.
Người làm nghề sản xuất trầm hương ở Phúc Trạch. Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Ngoài trực tiếp sử dụng, không ít trường hợp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với mục đích đầu cơ, khiến chủ sở hữu chân chính phải thỏa thuận, thương lượng và bỏ tiền để lấy lại nhãn hiệu. Năm 2000, khi chuẩn bị tiến sang thị trường Mỹ, cà phê Trung Nguyên đã làm việc với Công ty Rice Field (Mỹ) để thảo luận về việc xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, dù hai bên chưa đi đến thỏa thuận ký kết nào nhưng Công ty Rice Field đã nhanh chóng nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên. Cuối cùng, Trung Nguyên cũng lấy lại được nhãn hiệu sau hai năm ròng rã, tốn hàng trăm nghìn đô-la, và phải chấp nhận để Công ty Rice Field làm nhà phân phối của Trung Nguyên tại thị trường này.
Những trường hợp cố ý đăng ký nhãn hiệu mà không được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép như vậy được coi là có “dụng ý xấu” (bad faith). Đây là tình trạng phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia bảo hộ nhãn hiệu theo nguyên tắc “first to file” (nộp đơn đầu tiên). Trong lần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ gần đây nhất, Việt Nam đã bổ sung quy định về dụng ý xấu nhằm ngăn chặn tình trạng chiếm đoạt, đầu cơ nhãn hiệu. Trước đây, từng có trường hợp một cá nhân ở TP.HCM đã nộp đơn đăng ký bảo hộ gần 200 nhãn hiệu, trong đó hầu hết là các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Ở những quốc gia lớn như Trung Quốc, “bad faith là một hiện tượng phổ biến, dai dẳng và nghiêm trọng”, theo bài trình bày của luật sư Lê Quang Vinh (Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự) tại một tọa đàm do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức vào năm 2021. “Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) và các tòa án Trung Quốc cũng đang nỗ lực chống lại tình trạng này. Theo thống kê của CNIPA năm 2018, khoảng 100.000 ‘đơn đăng ký bất thường’ đã bị từ chối trong quá trình xét nghiệm hoặc bị từ chối trong thủ tục phản đối. Năm 2019, có 39.000 đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối”.
Dù chưa biết mục đích cụ thể song những kẻ đã chiếm đoạt nhãn hiệu trầm hương Phúc Trạch ở Hàn Quốc chắc chắn đã tìm hiểu rất kỹ càng trước khi nộp đơn. Bởi lẽ, nguyên văn nhãn hiệu mà họ đăng ký bảo hộ ở Hàn Quốc là “Phuc Trach Agarwood Larva” (tạm dịch là: ấu trùng trầm hương Phúc Trạch). Bí quyết tạo ra trầm hương Phúc Trạch nằm ở con ấu trùng chuyên đục thân cây dó bầu mà người dân địa phương gọi là con bù xè, khiến cây dó bầu tiết ra nhựa để tự bảo vệ, theo thời gian biến thành loại gỗ trầm hương có mùi thơm đặc biệt. Dù hiện nay đã có phương pháp tạo trầm như đục lỗ, dùng hóa chất… song trầm hương được tạo ra theo cách tự nhiên nhờ con bù xè luôn được ưa chuộng và có giá trị cao hơn. Rõ ràng, chủ đơn người Hàn Quốc đã nắm được và thể hiện bí quyết này trên nhãn hiệu đã đăng ký.
Ba nhãn hiệu bao gồm thành phần 'Phuc Trach Agarwood' (Trầm hương Phúc Trạch) đã bị chủ đơn người Hàn Quốc nộp đơn đăng ký, trong đó hai nhãn hiệu được chấp thuận bảo hộ ngày 19/01/2021 và một nhãn hiệu mới được chấp thuận bảo hộ ngày 17/02/2023.
Thúc đẩy bảo hộ nhãn hiệu
Những bài học trong quá khứ cho thấy, việc đòi lại các nhãn hiệu bị mất ở nước ngoài là một quá trình tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí. Trường hợp của trầm hương Phúc Trạch cũng không ngoại lệ. “Đây là một vụ việc tương đối phức tạp cả về chuyên môn và thời gian”, ông Hàn Tường Minh nhận xét. “Với các vụ mất nhãn hiệu của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể chủ động về kinh phí cũng như thời gian - kết quả xử lý vụ việc. Với các nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của địa phương sẽ cần sử dụng ngân sách. Do việc này phát sinh ở nước ngoài nên chi phí sẽ phụ thuộc nhiều vào phía luật sư nước ngoài, và thông thường họ sẽ báo phí theo giờ hoặc theo cả gói dịch vụ. Trong khi đó nếu xây dựng kinh phí theo ngân sách sử dụng định mức theo ngày công thì sẽ không thực sự phù hợp. Ngoài ra, thời gian xử lý những vụ việc như thế này thường kéo dài khoảng hai năm, thậm chí là dài hơn và khó có thể chắc chắn thời điểm hoàn thành. Không những vậy, những vụ việc này cũng không thể đảm bảo 100% là đạt được kết quả mong muốn (ví dụ: hủy bỏ thành công nhãn hiệu tại Hàn Quốc). Liên quan đến đặc thù về ngân sách, cần xác định được thời gian hoàn thành và kết quả công việc - đây cũng là những vấn đề lớn khi giải quyết vụ việc này”.
Dù vậy, việc theo đuổi các vụ việc này là điều cần thiết, nhất là khi nhãn hiệu chứa tên địa danh như trầm hương Phúc Trạch. Khác với nhãn hiệu thông thường - lựa chọn lấy lại nhãn hiệu hay bỏ đi, xây dựng nhãn hiệu khác sẽ phụ thuộc vào chủ sở hữu là tư nhân. “Tên địa danh là tài sản của quốc gia và của địa phương, đặc biệt khi địa danh này gắn liền với các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh và các đặc sản địa phương”, ông Hàn Tường Minh nhận xét. “Làng nghề chế tác trầm hương Phúc Trạch đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2022. Dù mới được công nhận làng nghề, nhưng trên thực tế để cây dó trầm sinh trưởng và phát triển, tạo ra trầm hương thì cần thời gian từ 10 năm trở lên và còn có thể lâu hơn nữa. Trầm hương tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê là tài sản rất có giá trị không chỉ cho địa phương mà còn cho người dân nơi đây”.
Trước tình trạng mất nhãn hiệu ở nước ngoài cứ lặp đi lặp lại, liệu chúng ta nên làm gì? Câu trả lời quen thuộc và luôn đúng là hãy đăng ký bảo hộ sớm. Nhiều người lo ngại đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tốn kém, hoặc chưa có ý định kinh doanh ở nước ngoài nên không muốn đăng ký. Tất nhiên, việc đăng ký sẽ tùy thuộc vào chiến lược phát triển của mỗi nơi, song nếu nhìn trong dài hạn, cần coi đây là một khoản đầu tư cho tương lai, đặc biệt là với những nhãn hiệu cộng đồng. “Với xu thế xuất khẩu hàng hóa hiện nay, chính quyền các địa phương cần quan tâm khuyến khích người dân và doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản của mình. Chính địa phương sẽ là cầu nối vững chắc nhất để Concetti nói riêng và các đại diện sở hữu trí tuệ nói chung kết nối với chủ sở hữu để thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết đối với nhãn hiệu”.
Để “nhắm trúng đích” khi bảo hộ nhãn hiệu tại các thị trường nước ngoài, theo ông Hàn Tường Minh, cần ưu tiên hoạt động nghiên cứu, khảo sát trước khi tiến hành đăng ký. Cũng nhờ công đoạn này mà Concetti đã phát hiện ra vụ việc trầm hương Phúc Trạch trong quá trình nghiên cứu tiềm năng phát triển các sản phẩm chủ lực ở Hà Tĩnh. “Giai đoạn nghiên cứu sẽ giúp các địa phương xác định được đặc sản, sản phẩm chủ lực và các thị trường xuất khẩu trọng điểm, quy định của mỗi quốc gia, cũng như đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu, từ đó có cơ sở để đề xuất những nhãn hiệu tương ứng để bảo hộ tại nước ngoài”, ông Hàn Tường Minh cho biết.