Tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
Thời gian qua, các câp, các ngành, các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sát với tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 19/11/2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 708 ca mắc COVID-19. Trong vòng hơn một tháng qua, toàn tỉnh đã ghi nhận 339 ca mắc COVID-19. Đặc biệt chỉ trong hơn 10 ngày, từ ngày 07/11 - 18/11/2021 đã ghi nhận 164 ca; riêng 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông đã có 159 ca, trong đó huyện Hướng Hóa có 104 ca và huyện Đakrông có 55 ca; hầu hết các địa phương trong tỉnh đã ghi nhận có ca dương tính với SARS-COVI2 trong thời gian gần đây.
Để tập trung ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành câp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay một số nội dung sau:
1. Các câp ủy Đảng, chính quyền cùng hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, nhât là các biện pháp đã triển khai có hiệu quả từ trước đến nay, phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong phòng, chống dịch, vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, Tổ Covid cộng đồng trong giám sát, theo dõi y tế nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế di chuyển sang các địa bàn khác khi không thật sự cần thiết; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung đông người), tham gia ngay chương trình tiêm vắc xin khi đến lượt và quét mã QR code tại các khu vực có yêu cầu.
2. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trên địa bàn toàn tỉnh (trừ các khu vực đang áp dụng cấp độ 3, 4), từ 00h00, ngày 22/11/2021, một số lĩnh vực được hoạt động có điều kiện và tạm dừng một số hoạt động sau:
2.1 Một số lĩnh vực được hoạt động có điều kiện (điều chỉnh một số nội dung Công văn số 4947/UBND-VX, ngày 17/10/2021):
- Hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời (Hoạt động hiếu, hỷ, liên hoan, tân gia; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao...): số lượng người tập trung tại một địa điểm trong cùng một thời điểm không quá 30 người. Trường hợp có từ 90% số người tham gia đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng thì được thực hiện không quá 100 người.
- Đối với hoạt động của trường học, thực hiện theo Công văn số 2289/SGDĐT - GDTrH-GDTX, ngày 31/10/2021 của Sở Giáo dục & Đào tạo.
- Đối với các doanh nghiệp sử dụng từ 50 lao động trở lên, xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 trình cấp có thẩm quyền (Sở Y tế đối với các doanh nghiệp thuộc Ban Ban Quản lý khu kinh tế, UBND cấp huyện đối với các doanh nghiệp khác trên địa bàn) phê duyệt.
- Hoạt động phục vụ khách ăn, uống tại chỗ của các nhà hàng (kể cả nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng trong các khách sạn), cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, giải khát (gọi chung là nhà hàng, quán ăn): Yêu cầu các chủ nhà hàng, quán ăn đăng ký số lượng nhưng phục vụ tối đa không quá 50% công suất của nhà hàng, quán ăn tại cùng một thời điểm; đảm bảo khoảng cách giữa các bàn tối thiểu 02 mét; chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin phòng COVID-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR code, xem đây là điều kiện bắt buộc để cho phép hoạt động. UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định số lượng người được phục vụ cùng một thời điểm tại các nhà hàng, quán ăn.
2.2 Tiếp tục tạm dừng đối với các lĩnh vực theo Công văn số 4947/UBND- VX, ngày 17/10/2021 và tạm dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp thực sự cấp thiết phải tổ chức, do người đứng đầu đơn vị, địa phương quyết định nhưng phải đảm bảo đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch như: thực hiện giãn cách tối thiểu 1m, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khử khuẩn, quét mã QR code và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh do không thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch.
3. Tổ chức thực hiện:
3.1 UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan trong cộng đồng; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không ban hành quy định vượt quá mức cần thiết.
Thường xuyên đánh giá cấp độ dịch theo từng cấp (từ cấp xã và khuyến khích quy mô nhỏ nhất có thể), xác định vùng nguy cơ, trên cơ sở đó thần tốc truy vết, xét nghiệm, đảm bảo “sớm hơn một bước", trên nguyên tắc nhỏ nhất, hẹp nhất, tránh bỏ sót đối tượng.
Thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế với những người về từ các tỉnh, địa phương có nguy cơ cao, đặc biệt là địa bàn dịch cấp độ 3, cấp độ 4 (cách ly tại nhà, tập trung, giám sát y tế tại nhà...) và cách ly y tế các trường hợp F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh.
Tăng cường việc khai báo y tế toàn dân trên ứng dụng PC - Covid, nhất là nhóm nguy cơ cao là những người về từ các tỉnh, thành phố, địa bàn có diễn biến dịch phức tạp và khu vực tập trung đông người như cửa khẩu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, lò mổ, bến xe, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng...; nhóm nguy cơ là các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người như lái xe, người lái xe ôm, người giao hàng hóa (shipper)..., để chủ động phát hiện, xét nghiệm, tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ, giám sát, cách ly theo quy định.
Đẩy mạnh thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân về từ các khu vực có dịch đến và đi vào địa bàn huyện chủ động khai báo y tế trên ứng dụng PC - Covid và với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp, áp dụng các biện pháp phòng dịch theo quy định. Khuyến khích người dân tự xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm ngay các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID - 19, kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình công dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài địa phương về lưu trú.) để có biện pháp quản lý y tế phù hợp.
Chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn thẩm định, xác nhận số lượng khách trong một lần phục vụ của các nhà hàng, quán ăn đã đăng ký số lượng; thường xuyên kiểm tra, giám sát các điều kiện an toàn phòng, chống dịch. Yêu cầu các nhà hàng, quán ăn thực hiện quét mã QR code. Đóng cửa các nhà hàng, quán ăn không tuân thủ quy định phòng chống dịch và chỉ cho phép hoạt động trở lại khi có cam kết và đáp ứng theo đúng các điều kiện quy định phòng chống dịch.
Trong trường hợp đặc biệt hoặc cần thiết, UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp trên nguyên tắc “cao hơn một cấp” sau khi tham khảo ý kiến Ban Chỉ đạo phòng chống COVID- 19 tỉnh.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn COVID - 19, thường xuyên đánh giá, cập nhật diễn biến dịch bệnh. Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID - 19 trong khu công nghiệp, trường học; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn’".
Tiếp tục rà soát, thống kê các đối tượng chưa tham gia tiêm chủng trên địa bàn để vận động tham gia tiêm chủng đầy đủ. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ngay khi được phân bổ Vắc xin.
3.2 Trên cơ sở các quy định của Bộ Y tế, giao Sở Y tế hướng dẫn cụ thể việc quản lý đối với người về từ các vùng có dịch, cũng như xác định các trường hợp F1, F2 để các địa phương chủ động thực hiện.
Phối hợp với các ngành, địa phương hoàn thành kịch bản sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch COVID - 19 theo từng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh và tích hợp vào hệ thống phần mềm quản lý.
Chủ động rà soát năng lực điều trị của hệ thống y tế, từ đó đề xuất các giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài trong điều trị COVID - 19 nhằm kiểm soát, hạn chế mức thấp nhất số ca lây nhiễm, các trường hợp tử vong do COVID - 19. Xây dựng Kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở.
Phân bổ vắc xin phòng COVID - 19 cho các địa phương ngay khi được cấp và hướng dẫn đảm bảo an toàn tiêm chủng. Kịp thời hỗ trợ các trang thiết bị, sinh phẩm, lực lượng y tế trong việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho các địa phương khi có số ca mắc COVID - 19 tăng cao.
3.3 Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát các trường hợp nhập cảnh tại các Cửa khẩu, tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn, lối mở; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phối hợp với UBND huyện Đakrông và Hướng Hóa tăng cường lực lượng kiểm soát biên giới.
3.4 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại các điểm cách ly tập trung theo hướng mỗi địa phương giữ lại một khu cách ly tập trung ổn định, lâu dài với công suất tối thiểu 100 chỗ và bố trí dự phòng thêm một khu cách ly tập trung tối thiểu 100 chỗ.
3.5 Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố trong công tác nắm tình hình, nhất là tại các địa bàn cơ sở, kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp công dân ngoại tỉnh trở về địa phương, người dân từ địa bàn đang có dịch (cấp độ 3, 4) sang địa bàn khác nhưng trốn khai báo, cách ly y tế.
Tăng cường công tác truy vết, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội góp phần kiểm soát dịch COVID-19. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.
3.6 Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện khai báo y tế, quét mã QR Code tại các địa phương.
Hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, người dân, doanh nghiệp hiểu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch COVID - 19.
4. UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các câp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; tiếp tục huy động các nguồn lực ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch, tạo sức mạnh vật chât và tinh thần to lớn cùng Nhân dân quyết tâm phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả. Tiếp tục xây dựng nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID - 19.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành câp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.
Nguyễn Thị Hòa