Nghiên cứu tác động của các yếu tố thủy thạch động lực trong bồi xói vùng rừng ngập mặn Việt Nam
Ở Việt nam, rừng ngập mặn là một nguồn tài nguyên quan trọng trải dài hầu hết dọc bờ biển Việt Nam nước ta. Với bờ biển dài và điều kiện môi trường thích hợp, khí hậu nhiệt đới và biên độ triều đủ lớn, Việt nam có một diện tích RNM rất lớn và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết tất cả các vùng RNM ven biển nước ta, đạc biệt là ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang bị xói lở nghiêm trọng và đe dọa đến sự an toàn của người dân. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan do tác động của con người, nguyên nhân khạch quan từ tự nhiên đang rất được quan tâm và nghiên cứu, đặc biệt là các quá trình động lực học vùng ven bờ.
Chính vì vậy, đề tài “Nghiên cứu tác động của các yếu tố thủy thạch động lực trong bồi xói vùng rừng ngập mặn Việt Nam” do Cơ quan chủ trì Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Võ Lương Hồng Phước thực hiện với mục tiêu Xây dựng được các mô hình có độ tin cậy cao, phục vụ cho việc đánh giá, giải thích các nguyên nhân động lực gây ra hiện tượng xói lở và bồi tụ tại rừng ngập mặn ven biển Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể áp dụng kết quả của đề tài để mô phỏng và dự báo sự biến đổi quá trình xói lở, bồi tụ tại một số vùng rừng ngập mặn ở Việt Nam. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế quá trình xói lở và tăng cường khả năng bồi tụ tại rừng ngập mặn.
Rừng ngập mặn (RNM) được nghiên cứu và được đánh giá cao từ rất lâu. Trong những năm gần đây, rừng ngập mặn được càng coi trọng vì đây không những là hệ sinh thái duy nhất và rất đặc trưng mà còn đóng vai trò quan trọng trong ổn định đường bờ và nuôi dưỡng các loài sinh vật biển. Đặc biệt, rừng ngập mặn ven biển có thể làm giảm độ cao của sóng, ngay cả sóng thần. Theo thống kê các dữ liệu từ cơn sóng thần kinh hoàng trên biển ngày 26/12/2004, hơn hai trăm ngàn ở trên mười ba quốc gia châu Á và châu Phi bị thiệt mạng. Môi trường đã bị tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của IUCN (Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới) và UNEP (Chương trình Môi trường thế giới) cùng các nhà khoa học cho thấy, những làng xóm ở phía sau ‘bức tường xanh ngập mặn’ gần như còn nguyên vẹn vì năng lượng sóng đã giảm từ 50% đến 90% nên thiệt hại về người rất thấp hoặc không bị tổn thất. Từ đó đã nói lên được tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc làm giảm tác động từ những cơn sóng thần. Nhiều cơn bão lớn đã đổ bộ vào nước ta trong những năm qua cho thấy nơi nào rừng ngập mặn được trồng và bảo vệ tốt thì các đê biển vùng đó vẫn vững vàng trước những cơn sóng to gió lớn, dù là đê biển được đắp từ đất nền. Trong khi những tuyến đê biển được xây dựng kiên cố bằng bê tông hoặc kè đá nhưng rừng ngập mặn bị chặt phá để chuyển sang nuôi tôm như Cát Hải (Hải Phòng), Hậu Lộc (Thanh Hóa) thì bị tan vỡ. Theo Phan Nguyên Hồng và các cộng sự (ccs) (Trung tâm nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn - Đại học sư phạm Hà Nội) cho biết: ‘Độ cao sóng giảm mạnh khi đi qua dải rừng ngập mặn, với mức biến đổi từ 75% đến 85%, từ 1.3m xuống 0.2m’. Vành đai xanh và vùng đệm rừng ngập mặn có thể được coi là ‘bức tường xanh’ vững chắc giảm thiểu thiên tai.
Các kết quả nghiên cứu về động lực học trong vùng rừng mặn giúp ta có thể phân tích và giải thích được các nguyên nhân chính gây ra xói - bồi tại khu vực khảo sát. Bên cạnh đó, các mô hình tính toán có thể dự báo định tính và định lượng xu thế xói bồi. Các kết quả khảo sát, tính toán và từ mô hình vật lý và động lực học đều cho thấy rõ được vai trò của RNM trong việc tiêu tán năng lượng sóng và giữ đất. Việc xác định nguyên nhân xói- bồi vùng rừng ngập mặn góp phần quan trọng và ý nghĩa cho các nhà khoa học và quản lý trong việc bảo vệ, trồng và phát triển RNM phù hợp. Đây cũng chính là việc bảo vệ, giữ gìn và ổn định bờ biển. Việc bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển hiện nay là một trong những nhiệm vụ chính cần phải triển khai của nhà nước và đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm ứng phó với nguy cơ mất đất do nước dâng nước biển dâng cao và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17110/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/