Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 18-01-2022

Nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thử nghiệm thu thập dữ liệu và phân tích một số chỉ số hiệu năng thực hiện của đô thị thông minh

Các kỳ vọng về việc khai thác tiềm năng của ĐTTM khiến cho ĐTTM ở Việt Nam gần đây được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. ĐTTM cũng đã được đưa vào các chương trình nghị sự của quốc gia. Trong Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030”. Gần đây nhất, ngày 29/9/2019, Bộ chính trị đã đưa ĐTTM vào trong nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Từ nội dung các văn bản quan trọng trên có thể thấy quan điểm, tầm nhìn của Việt Nam về ĐTTM: như một thành phần cấu thành của chương trình chuyển đổi số, công cụ giúp chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề phát triển bền vững kinh tế-xã hội-môi trường và tạo ra môi trường sống tốt hơn cho người dân đô thị.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng đang tích cực có các động thái đầu tư công nghệ phát triển sản phẩm dịch vụ và tiếp xúc hợp tác với các đô thị để triển khai.

Chỉ số hiệu năng chính (KPI - Key Performace Indicator) ra đời từ nhu cầu đánh giá hiệu năng hoạt động của các doanh nghiệp, tuy nhiên, sau đó KPI cũng được sử dụng như những công cụ để đánh giá hiệu quả hoạt động của khu vực công trong đó có quản trị đô thị. Các chỉ số đô thị được xem là công cụ để giúp các nhà làm chính sách đề ra/xây dựng chính sách đô thị nhằm giúp các thành phố phát triển bền vững và hỗ trợ giám sát sự phát triển và hiệu năng thực hiện của đô thị.

Xây dựng ĐTTM là một quá trình lâu dài, vì vậy, yêu cầu giám sát hiệu quả hoạt động này cũng cần thiết được đặt ra đối với không chỉ các đô thị mà với cả Chính phủ. Các chỉ số KPI ĐTTM được xem là công cụ để giúp cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi, giám sát quá trình này. Ở đây, bộ chỉ số KPI ĐTTM có vai trò quan trọng được so sánh tương tự như việc thiết kế các biển báo hiệu, đèn chỉ dẫn trong xây dựng hạ tầng giao thông.

Trên thế giới, việc xây dựng bộ KPI ĐTTM cũng đã được thực hiện song song với quá trình xây dựng ĐTTM. Các tổ chức chuẩn hóa quốc tế và các Quốc gia lớn đều đã có bộ chỉ số KPI riêng.

Từ sự cần thiết phải có bộ chỉ số KPI ĐTTM của Việt Nam để hỗ trợ cho quá trình xây dựng ĐTTM thời gian tới, đề tài nghiên cứu này do Cơ quan chủ trì Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Trung Kiên thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thử nghiệm thu thập dữ liệu và phân tích một số chỉ số hiệu năng thực hiện (KPI) của đô thị thông minh phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm phục vụ cho hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước” với mục tiêu: Xây dựng được bộ KPI đô thị thông minh phù hợp với Việt Nam giai đoạn 2018-2023; Xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin thí điểm giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực nắm bắt được KPI của đô thị (Hệ thống KPI monitor).

Đề tài sử dụng một số phương pháp tiếp cận: Tiếp cận Hệ thống (System Aproach): Xem xét ĐTTM như một hệ thống động, phức tạp bao gồm nhiều thành phần cấu thành và các thành phần này tương tác qua lại lẫn nhau. Do đó, bộ chỉ số KPI của ĐTTM không phải là một phép cộng cơ học của các bộ chỉ số thành phần mà là một bộ chỉ số KPI của cả hệ thống.

Tiếp cận Quá trình (Process Aproach): Xem xét ĐTTM như một quá trình liên tục thay đổi, hoàn thiện chứ không phải là một mốc. Do đó các chỉ số KPI cũng phải là một quá trình biến đổi để phù hợp. Vì vậy, việc xây dựng bộ KPI thường xuyên cần điều chỉnh, cập nhật theo từng giai đoạn phát triển của đô thị.

Tiếp cận Hướng mục tiêu: Coi người dân vừa là đối tượng thụ hưởng kết quả của ĐTTM vừa là các “cảm biến xã hội” cung cấp các thông tin cho chính quyền đô thị. Dựa trên cách tiếp cận này đề tài đề xuất giải pháp ứng dụng CNTT để giao tiếp thu thập phản hồi với người dân ngay từ giai đoạn đầu xây dựng ĐTTM ở Việt Nam. Giải pháp có tính khả thi cao trong triển khai và hoàn toàn chủ động phát triển từ đội ngũ trong nước và phù hợp hướng đi của thế giới trong xây dựng ĐTTM thế hệ thứ 3.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Bộ chỉ số KPI ĐTTM Việt Nam phiên bản 1.0 giai đoạn 2018-2025 đã được Bộ TTTT công bố chính thức trên toàn quốc theo văn bản số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019.

- Bộ tiêu chí ĐTTM trong lĩnh vực ICT đã được chuyển giao cho Vụ KHCN Bộ TTTT.

- Hệ thống CNTT bao gồm các cấu thành: Phần mềm trung tâm (ezKPI+ezLife+ezSQM) đã được triển khai thử nghiệm trên 5 địa phương (Đô thị và Sở/Ngành) và đã có các đánh giá của các địa phương thử nghiệm. Đồng thời sản phẩm đã được Bộ TTTT khuyến nghị sử dụng cho các đô thị trong văn bản 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019. Hiện tại, Bộ TTTT đang dự thảo văn bản gửi các đô thị tài liệu hướng dẫn sử dụng, khai thác hệ thống.

- Các thiết bị: Thiết bị Bàn phím cứng và Thiết bị Cảm biến giám sát thông số môi trường đã được đo kiểm đánh giá bởi đơn vị có chức năng, đồng thời các thiết bị này cũng đã tích hợp trong các thử nghiệm trên thực tế.

- Phần mềm ứng dụng cho cư dân trên nền mobile (ezLife) trên IoS và Android đã được triển khai rộng rãi đến người dân tại các địa bàn thử nghiệm.

- Các sản phẩm về bài báo khoa học, bài báo hội nghị và tham gia đào tạo sau đại học của đề tài cũng đã thực hiện đầy đủ theo yêu cầu. Cụ thể: Đã hướng dẫn thành công luận văn tốt nghiệp cho 03 thạc sĩ, tham gia hướng dẫn 01 nghiên cứu sinh, đăng tải 01 bài báo khoa học và 02 bài báo hội nghị.

Ngoài ra, nhóm thực hiện đề tài đã phối hợp với Vụ KHCN - Bộ TTTT tổ chức mời chuyên gia của ITU có uy tín trong lĩnh vực ĐTTM đến Việt Nam và tổ chức buổi hội thảo tham vấn về các vấn đề có liên quan đến xây dựng bộ chỉ số KPI ĐTTM. Các buổi hội thảo cũng có sự tham gia của Bộ KHCN, Bộ Xây dựng, các đơn vị thành viên của các Tập đoàn Viettel, VNPT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (đây là nội dung không có trong đề cương đề tài).

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16995/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 3262
Tổng lượt truy cập: 4.050.673
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!