Nghiên cứu tác động của các hiệp định đa biên về dịch vụ vận tải hàng không giữa các nước trong ASEAN và đề xuất chính sách cho Việt Nam
Khu vực ASEAN đang tiến đến mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với sự kết nối các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội mạnh mẽ giữa các nước thành viên, đặc biệt là du lịch và hàng không. Tiến trình tự do hóa trong khu vực kinh tế năng động này không những sẽ tạo cơ hội về lao động, việc làm mà còn thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực vận tải hàng không, tạo điều kiện cho nhiều hãng hàng không phát triển. Với dân số chiếm một nửa dân số thế giới trong một phạm vi địa lý chưa đầy 5 giờ bay, ASEAN đang và sẽ là một điểm trung chuyển lớn về hàng không với tần suất đi lại ngày càng nhộn nhịp của cư dân, khách du lịch và doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 31/12/2015 cộng đồng kinh tế ASEAN (viết tắt là AEC) đã được thiết lập, AEC là một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN, cùng với cộng đồng Chính trị - An ninh, cộng đồng Văn hóa - Xã hội, là khu vực phát triển sôi động trên thế giới với hơn 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014 và đến nay các chỉ số ngày càng tăng trưởng, cụ thể:
- Từ năm 2009÷2013, để thực thi chính sách bầu trời mở khu vực ASEAN hay còn được gọi là Thị trường hàng không thống nhất ASEAN (ASEAN Single Aviation Market - ASAM), Việt Nam đã ký ba Hiệp định đa biên về tự do hóa hoàn toàn dịch vụ vận tải hàng hóa và dịch vụ vận tải hành khách (hay còn gọi là Hiệp định đa biên về dịch vụ vận tải hàng không), đi kèm là các Nghị định thư thực hiện để tự do hóa Thương quyền 3, 4, 5 giữa bất kỳ thành phố có sân bay quốc tế nào trong khối ASEAN.
- Đến nay, Việt Nam cùng với Singapore, Thái Lan, Brunei, Malaysia và Campuchia đã phê duyệt hoàn toàn ba Hiệp định và các Nghị định thư thực hiện. Việt Nam cũng đã đưa ra chính sách vận tải hàng không theo hướng tự do hóa trong giai đoạn đến 2020.
- Tuy nhiên cho đến nay, chưa có nhiệm vụ nghiên cứu nào được tiến hành nhằm xác định tác động của các Hiệp định đa biên và các Nghị định thư về dịch 2 vụ vận tải hàng không giữa các nước trong khối ASEAN tới thị trường vận tải hàng không Việt Nam.
- Nội dung nghiên cứu này là hết sức cần thiết, vì chỉ trên cơ sở nghiên cứu một cách khoa học những tác động của quá trình tham gia thị trường hàng không thống nhất ASEAN, chúng ta mới có cơ sở để hoàn thiện chính sách vận tải hàng không Việt Nam theo hướng tự do hóa, phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, đồng thời vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất - kinh doanh của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Trƣờng Đại học Công nghệ GTVT cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Đinh Quang Toàn thực hiện “Nghiên cứu tác động của các hiệp định đa biên về dịch vụ vận tải hàng không (Multilateral Agreements on Air Service -MAAS) giữa các nước trong ASEAN tới thị trường vận tải hàng không và đề xuất các khuyến nghị hoàn thiện chính sách vận tải hàng không của Việt Nam” với mục tiêu: Tổng quan về các thỏa thuận và cam kết của Việt Nam khi tham gia thị trường vận tải hàng không thống nhất ASEAN; Lựa chọn các phương pháp đánh giá tác động (định lượng và định tính) thông qua mô hình Cournot và ma trận mục tiêu Objective Matrix, vận dụng để đánh giá tác động đến các hiệp định đa biên về dịch vụ vận tải hàng không tới thị trường vận tải hàng không của một quốc gia trong khu vực và trên thế giới; Phân tích, đánh giá tác động của Hiệp định đa biên về vận tải hàng không trong ASEAN, áp dụng tại thị trường vận tải hàng không Việt Nam giai đoạn 2011÷2018; Đề xuất nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách vận tải hàng không Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Thông qua Tổng quan về thỏa thuận và cam kết của Việt Nam tham gia thị trường vận tải hàng không thống nhất ASEAN (ASAM);
Cơ sở lý luận về các phương pháp đánh giá tác động của hiệp định đa biên về tự do hóa dịch vụ vận tải hàng không tới thị trường vận tải hàng không của một quốc gia;
Phân tích, đánh giá thực trạng thị trường vận tải hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2012÷2019 và tác động của các hiệp định đa biên về tự do hóa dịch vụ vận tải hàng không trong ASEAN;
Trên cơ sở đó đề xuất nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách vận tải hàng không Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17281/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/