Nghiên cứu phân lập, cấu trúc và hoạt tính sinh học của các hợp chất tự nhiên tách từ lá, vỏ và hạt các loài thuộc họ Cam quýt (Rutaceae) ở Việt Nam
Trong y học cổ truyền, vỏ, hạt và lá của các loại cây họ citrus như cam, chanh, quýt, bưởi được sử dụng như các vị thuốc có tác dụng chữa các bệnh như viêm phế quản, ho, đau đầu, cảm lạnh… Công dụng của chúng là do các hoạt chất có hoạt tính sinh học như flavonoids, polyphenols, tinh dầu (terpen và dẫn xuất của chúng), các alkaloid, carotenoid và các vitamin có trong vỏ, múi, hạt và lá của các loại cây này. Hiện nay có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học, cấu trúc và mùi hương cũng như khả năng kháng khuẩn, khả năng chống oxy hóa của tinh dầu các loại quả citrus. Giai đoạn 2013- 2015, nhóm nghiên cứu đã thực hiện xong đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ về nghiên cứu thành phần, cấu trúc hóa học và hoạt tính sinh học của tinh dầu có trong vỏ các loại quả thuộc họ cam quýt. Trong khi đó, những hợp chất tự nhiên khác có trong vỏ, hạt và lá ít được nghiên cứu hơn mặc dù chúng cũng có các hoạt tính sinh học quan trọng.
Đó là lý do PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Phi đã phối hợp với các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phân lập, cấu trúc và hoạt tính sinh học của các hợp chất tự nhiên tách từ lá, vỏ và hạt các loài thuộc họ Cam quýt (Rutaceae) ở Việt Nam” từ năm 2017 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là nhằm nghiên cứu phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, có tác dụng phòng chống các bệnh mãn tính của con người từ các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học của các loại cây họ citrus trồng tại Việt Nam.
Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả sau:
- Khảo sát một số phương pháp tách chiết hiệu quả các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học từ lá, vỏ và hạt của các loại cam, chanh, quýt, bưởi trồng tại Việt Nam. Đã thực hiện các nghiên cứu về quy trình tách tinh dầu trong lá và vỏ dựa vào 03 phương pháp gồm: phương pháp tách tinh dầu bằng phương pháp chưng cất bằng hơi nước, phương pháp tách tinh dầu bằng phương pháp chân không và phương pháp tách tinh dầu bằng phương pháp chân không có hỗ trợ enzyme.
- Xác định thành phần hóa học đặc trưng của các hợp chất tách được bằng các phương pháp sắc ký (HPLC-MS, GC-MS). Số liệu về thành phần tinh dầu trong các loại lá và vỏ quả của chi citrus: Tinh dầu sau khi được tách chiết và được đem đi phân tích thành phần bằng máy sắc ký khí khối phổ (GC-MS). Các kết quả cho thấy sự khác nhau về thành phần hóa học của các loại tinh dầu phụ thuộc vào phương pháp tách và nguồn gốc của nguyên liệu dùng để tách tinh dầu. Các hợp chất flavonoids và limonoids có trong dịch chiết từ vỏ và hạt của các loại citrus được đem đi phân tích thành phần hóa học bằng sắc ký lỏng cao áp (HPLC-MS). Kết quả cho thấy rằng các loại citrus khác nhau có chứa thành phần các hợp chất flavonoids và limonoids là khác nhau phụ thuộc vào từng loại cây.
- Xác định khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, kháng oxy hóa và khả năng kháng tế bào ung thư của các dịch chiết và các hợp chất tự nhiên cô lập được. Các dịch chiết tinh dầu, flavonoids and limonoids từ vỏ và hạt các loại quả citrux đã được sử dụng để nghiên cứu. Kết quả cho thấy tinh dầu citrux có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm và kháng oxy hóa tốt.
Kết quả của đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng ứng dụng trong các ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17625/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/