Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 02-11-2022

Xây dựng hệ thống phân tích thực trạng dự báo xu hướng phát triển công nghệ từ nguồn dữ liệu sáng chế và phi sáng chế

Với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ và nhu cầu về sở hữu các sản phẩm trí tuệ ngày càng cao. Các sản phẩm sở hữu trí tuệ thường được thể hiện dưới hai dạng là bằng sáng chế và bài báo khoa học (sản phẩm phi sáng chế). Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Úc, Anh, Đức… vấn đề sở hữu trí tuệ rất được các doanh nghiệp quan tâm. Mỗi ý tưởng, sản phẩm, thương hiệu đều được bảo hộ độc quyền trước khi xuất hiện trên thị trường. Điều này giúp các sản phẩm của các doanh nghiệp này vươn ra quốc tế mà không ngại các vấn đề kiện tụng, tranh chấp, hay bị “ăn cắp”, “nhái” nhãn hiệu.

 

Tại Việt Nam, hiện nay có hai cơ sở dữ liệu về sáng chế là IP.Lib và Digipat của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. IP.Lib hỗ trợ người dùng tìm kiếm đơn và bằng sáng chế nộp tại Việt Nam. Digipat hỗ trợ người dùng tìm kiếm các bằng sáng chế của Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức cũng đã và đang nghiên cứu về việc khai thác dữ liệu sáng chế. Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ cũng đã thực hiện đề tài nghiên cứu về dữ liệu sáng chế “Nghiên cứu phát triển các giải pháp khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế trong lĩnh vực cơ khí chế tạo” thuộc chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia nhằm cung cấp một phần mềm phục vụ tìm kiếm, cập nhật, khai thác sáng chế nhằm cung cấp cho doanh nghiệp cơ khí chế tạo. Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ cũng đã thực hiện một số đề tài khác như “Nghiên cứu xây dựng quy trình khai thác công nghệ, bí quyết công nghệ từ các bản mô tả sáng chế để ứng dụng vào thực tiễn”, “Nghiên cứu cơ sở thực hiện và luận cứ khoa học để xây dựng văn bản hướng dẫn khai thác và áp dụng sáng chế”. Tuy nhiên, việc đưa các sản phẩm của đề tài vào thực tiễn vẫn là một thách thức rất lớn. Mặc dù các hệ thống này có các tiện ích hỗ trợ đối với người dùng trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin. Tuy nhiên, chi phí cho việc sử dụng hệ thống là không phải là nhỏ, hơn nữa hạn chế của các hệ thống này là chưa có dữ liệu sáng chế và phi sáng chế được bảo hộ ở Việt Nam, chưa có hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt. Vì vậy, việc xây dựng một hệ thống hỗ trợ tìm kiếm và phân tích thông tin sáng chế và phi sáng chế tại Việt Nam là thực sự cần thiết.

Từ nhu cầu thực tế, nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ Thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do TS. Nguyễn Việt Anh đề xuất thực hiện đề tài: “Xây dựng hệ thống phân tích thực trạng dự báo xu hướng phát triển công nghệ từ nguồn dữ liệu sáng chế và phi sáng chế”.

Theo thống kê, có khoảng trên 80% thông tin khoa học và công nghệ của thế giới xuất hiện trong tài liệu bằng sáng chế; và 90% - 95% các phát minh có thể được tìm thấy trong tài liệu bằng sáng chế. Đây cũng là một nguồn thông tin cơ bản hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức xây dựng bản đồ công nghệ. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, kéo theo một khối lượng lớn các sáng chế luôn được cập nhật vào nguồn thông tin sáng chế thì một vấn đề gặp phải đó phải phân tích các thông tin sáng chế một cách riêng rẽ và tách biệt nhau từ các hệ thống khác nhau. Xuất phát từ các nhu cầu này, một hệ thống phần mềm có khả năng xử lý, tìm kiếm, phân tích và kết xuất các nguồn thông tin đó là thực sự cần thiết.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được các kết quả như sau:

1. Về công tác tổ chức chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện dự án

- Viện CNTT đã chủ động bố trí nguồn lực, bao gồm nguồn lực con người và hạ tầng tính toán, để dự án có thể hoàn thành tốt nhất các nội dung công việc được giao.

- Các cấp quản lý, đặc biệt là Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu Trí tuệ đã tạo điều kiện giúp đỡ và hỗ trợ Viện CNTT trong suốt thời gian thực hiện dự án. Các đ/c lãnh đạo chương trình, lãnh đạo Cục Sở hữu Trí tuệ, các chuyên viên của chương trình và Cục đã hỗ trợ, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đề tài, từ các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, các quy định, giấy tờ, đến các vấn đề chuyên môn liên quan đến quản lý sở hữu trí tuệ, giúp dự án đạt được hiệu quả cao nhất, giảm bớt thời gian thực hiện.

- Các thành viên tham gia đề tài đều nỗ lực để hoàn thành các công việc được giao đúng tiến độ với kết quả cao nhất.

2. Về việc hoàn thành các nội dung, đảm bảo kết quả và mục tiêu dự án

- Mục tiêu của dự án, cụ thể là xây dựng công cụ phần mềm có khả năng thu thập và quản lý dữ liệu từ một số nguồn dữ liệu sáng chế và phi sáng chế ở Việt Nam và trên thế giới, có khả năng tìm kiếm dữ liệu, bao gồm tìm kiếm toàn văn và tìm kiếm nâng cao từ nguồn dữ liệu trên, có khả năng hỗ trợ phân tích thực trạng công nghệ, hỗ trợ dự báo xu hướng phát triển công nghệ từ nguồn dữ liệu sáng chế và phi sáng chế đã được hoàn thành.

- Tất cả các nội dung chính cần thực hiện để hoàn thành mục tiêu dự án đã được thực hiện đầy đủ và đúng hạn. Các nội dung chính đã thực hiện bao gồm: khảo sát, phân tích thiết kế, xây dựng hệ thống, thu thập và xử lý dữ liệu, xây dựng hạ tầng thông tin, triển khai hệ thống, ứng dụng hệ thống trong phân tích 02 lĩnh vực khoa học công nghệ, xây dựng các tài liệu, tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả dự án.

3. Về hiệu quả của dự án, bao gồm hiệu quả về mặt khoa học và hiệu quả về kinh tế- xã hội

- Hệ thống có khả năng ứng dụng trong các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, bao gồm hỗ trợ các cán bộ, các nhà nghiên cứu tìm kiếm thông tin về sáng chế, hỗ trợ tạo báo cáo phân tích thông tin về sáng chế và phi sáng chế, hỗ trợ doanh nghiệp xác định và theo dõi đối thủ cạnh tranh, tìm kiếm các sáng chế hết thời gian bảo hộ của nước ngoài, hoặc những công nghệ chưa đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, xác định khả năng vi phạm sáng chế, tìm kiếm cơ hội hợp tác khoa học công nghệ v.v

- Cung cấp thông tin phân tích khoa học công nghệ hỗ trợ việc xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam.

- Hỗ trợ các nhà hoặch định chính sách khoa học công nghệ xây dựng chiến lược khoa học công nghệ, chiến lược về tài sản trí tuệ dựa trên các kết quả phân tích về xu thế công nghệ ở Việt Nam và trên thế giới.

4. Tính bền vững và nhân rộng của dự án

- Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, việc tìm kiếm, khai thác, làm chủ các thông tin khoa học công nghệ, đặc biệt là thông tin về tài sản trí tuệ, các phát minh, sáng chế ngày càng được các doanh nghiệp và người dân quan tâm. Chính vì vậy, kết quả của dự án có tiềm năng ứng dụng rất lớn và lâu dài.

- Hệ thống có khả năng ứng dụng ở rất nhiều các cơ quan tổ chức khác nhau, bao gồm cả các trường học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý khoa học cho đến các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên để thực sự lan tỏa được ứng dụng, cần phải có những nâng cấp hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu của đa dạng người dùng.

Tài sản trí tuệ, trong đó có sáng chế và các công bố khoa học (thông tin phi sáng chế) ngày càng trở nên quan trọng cho mỗi doanh nghiệp, góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay. Phân tích dữ liệu sáng chế giúp tìm ra những thông tin hữu ích nhằm phát triển chiến lược về tài sản trí tuệ, về nghiên cứu phát triển sản phẩm, về tiếp cận thị trường, giúp tìm ra những đối thủ cạnh tranh tiềm năng, hay giúp tìm ra những đối tác phù hợp trong những lĩnh vực cụ thể. Hệ thống phân tích thực trạng dự báo xu hướng phát triển công nghệ từ nguồn dữ liệu sáng chế và phi sáng chế được thực hiện trong khuôn khổ của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 của chính phủ. Hệ thống được thiết kế và xây dựng nhằm giúp các doanh nghiệp, các tổ chức, các nhà phân tích, nhà hoạch định chính sách tiếp cận thông tin sáng chế và phi sáng chế một cách đầy đủ, có hệ thống và dễ dàng. Hệ thống hỗ trợ một loạt các phân tích từ cơ bản đến nâng cao, bao gồm phân tích xu hướng công nghệ, xác định đối thủ cạnh tranh, phát hiện cơ hội sử dụng sáng chế miễn phí, cơ hội hợp tác khoa học v.v… giúp các danh nghiệp, các nhà hoạch định chính xác định chiến lược về tài sản trí tuệ từ đó tạo dựng ưu thế cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ. Hệ thống có khả năng hỗ trợ việc xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau của Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo.

Trong 2 năm thực hiện, Viện Công nghệ Thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, với sự giúp đỡ của các cấp quản lý, đặc biệt là Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã nỗ lực hoàn thành các nội dung công việc xây dựng hệ thống ứng dụng. Có thể nói dự án đã thực hiện thành công và có phần vượt trội tất cả các nội dung đăng ký trong thuyết minh. Sản phẩm của dự án đã trải qua nhiều vòng kiểm thử và hiện đã sẵn sàng triển khai sử dụng thực tiễn.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17554/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 1
Hôm nay: 87
Tổng lượt truy cập: 4.039.898
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!