Nghiên cứu cấu trúc quần thể vi sinh vật dạ cỏ của bò trong những điều kiện nuôi dưỡng khác nhau
Nhằm đánh giá sự đa dạng của hệ vi sinh vật dạ cỏ của bò trong điều kiện chăn nuôi của người dân; so sánh ảnh hưởng của các nguồn và mức độ protein khác nhau đến cấu trúc hệ vi sinh vật của bò; nghiên cứu ảnh hưởng của các chế độ nuôi dưỡng khác nhau về nguồn năng lượng trên khả năng sử dụng thức ăn nhiều xơ ở bò; nghiên cứu đáp ứng của hệ sinh thái dạ cỏ của bò đối với sự bổ sung chromium và sodium nitrate trong khẩu phần, nhóm nghiên cứu từ Trường Đại Học Cần Thơ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) do PGS.TS. Nguyễn Trọng Ngữ chủ trì đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cấu trúc quần thể vi sinh vật dạ cỏ của bò trong những điều kiện nuôi dưỡng khác nhau”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được các kết quả như sau:
1. Đánh giá sự đa dạng của hệ vi sinh vật dạ cỏ của bò trong điều kiện chăn nuôi của người dân.
Không có sự khác biệt về số lượng của các loài vi sinh vật khảo sát giữa các tỉnh (P>0,05), theo đó số lượng vi khuẩn tổng số dao động từ 1,27 x 1010/ml đến 3,60 x 1011/ml, tiếp theo đó là số lượng vi khuẩn F. Succinogenes khá ổn định trong khoảng 2,56 x 107/ml đến 7,62 x 107/ml; hai loài Ruminococcus có số lượng thấp hơn và thấp nhất là R. albus (2,39 x 105/ml đến 2,30x 106/ml). Theo kết quả điều tra, bò tại mỗi địa phương được cung cấp cơ bản là giống nhau, trong đó chủ yếu là cỏ tự nhiên, rơm và bổ sung cám hoặc thức ăn tinh. Do đó không có sự khác biệt về số lượng các loài vi sinh vật trong dạ cỏ được khảo sát. Đây là những số liệu cơ bản mà hầu như từ trước đến nay chưa có công bố chính thức nào được đưa ra ở Việt Nam, qua đó chúng ta có thể có những định hướng để tác động về mặt thức ăn dinh dưỡng trong chăn nuôi bò, nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác vỗ béo bò thịt.
2. So sánh ảnh hưởng của các nguồn và mức độ protein khác nhau đến cấu trúc hệ vi sinh vật của bò.
Thí nghiệm được tiến hành trên 28 bò lai Brahman với khối lượng trung bình là 175.6 kg. Bò được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 7 nghiệm thức và 4 lần lặp lại. Khẩu phần cơ bản là cỏ mồm, Hymenachne acutiglum (cho ăn khoảng 1% khối lượng cơ thể, tính trên vật chất khô), rơm (ăn tự do) và cám (1,5 kg/con/ngày). Các khẩu phần thí nghiệm bao gồm: 2 mức độ urea U1 và U2 tương ứng với 30 g và 60 g urea/100 kg khối lượng / ngày; bột đậu nành SB1 (360 g/con/ngày) và SB2 (720 g/con/ngày); hỗn hợp bột huyết và bột lông vũ (50:50) BFM1 (360 g/con/ngày) và BFM2 (720 g/con/ngày). Cỏ được chia thành 2 phần cho ăn vào lúc 8 giờ sáng và 2 giờ chiều. Rơm được cho ăn vào buổi tối. Urea được hòa tan trong nước và phun lên rơm. Bột đậu nành, bột huyết và bột lông vũ được trộn với cám và cho ăn 2 lần trong ngày trước khi bò ăn cỏ. Tất cả bò được cho ăn khẩu phần cơ bản 15 trước khi bắt đầu thí nghiệm. Bò được tiêm ngừa bệnh và tẩy giun sán trước khi thí nghiệm. Nước uống và đá liếm được cung cấp tự do theo nhu cầu của bò. Kết quả cho thấy:
- pH dạ cỏ của bò không có sự khác biệt giữa các khẩu phần, tuy nhiên NH3-N cao nhất ở dạ cỏ của bò có bổ sung urea ở mức 60 g urea /100 kg khối lượng.
- Số lượng vi khuẩn tổng cao nhất ở khẩu phần SBM2, đây là nguồn protein có tốc phân giải trung bình trong dạ cỏ. - Hàm lượng acid béo bay hơi acetic acid cao nhất ở khẩu phần có nhiều xơ (khẩu phần đối chứng). Đối với các khẩu phần có bổ sung bột huyết và bột lông vũ, giá trị acetic acid giảm so với nghiệm thức đối chứng. Đối với acid propionic và butyric, không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức.
- Bò ở nghiệm thức có bổ sung bột đậu nành SBM2 (720 g/con/ngày) có lượng vật chất khô ăn vào cao nhất trong khi đó bò ăn khẩu phần có bổ sung bột huyết và bột lông vũ lượng protein thô ăn vào cao nhất. Không có sự khác biệt nhiều về tỷ lệ tiêu hóa vật chất khô, trong khi đó tỷ lệ tiêu hóa protein thô có xu hướng cao hơn ở khẩu phần BFM1 và BFM2. Tăng trọng của bò đạt cao nhất ở khẩu phần SBM2 và BFM1 (bột huyết + bột lông vũ 360 g/con/ngày). Ở 2 khẩu phần này (SBM2 và BFM1) bò tăng trọng khoảng 750 g/con/ngày. Tùy theo điều kiện thực tiễn ở địa phương có thể sử dụng hoặc bột đậu nành hoặc hỗn hợp bột huyết và bột lông vũ bổ sung trong khẩu phần của bò thịt.
- Đối với các chỉ tiêu sinh hóa máu: các nguồn protein khác nhau ảnh hưởng đến nồng độ glucose, bilirubin, cholesterol, protein tổng số và globulin.
3. Nghiên cứu ảnh hưởng của các chế độ nuôi dưỡng khác nhau về nguồn năng lượng trên khả năng sử dụng thức ăn nhiều xơ ở bò.
Thí nghiệm được thực hiện trên 24 bò lai Brahman (12 tháng tuổi, khối lượng khoảng 189 kg) được bố trí theo theo thức thừa số 2 x 3 với 2 mức độ concentrate (0,5 và 1,5 % khối lượng cơ thể) và 3 nguồn dầu khác nhau (60 g dầu nành/kg VCK; 60 g dầu cá / kg VCK và không bổ sung. Cách thức nuôi dưỡng và thu thập số liệu tương tự như nội dung 2. Kết quả cho thấy:
- Không có sự khác biệt về giá trị pH và NH3-N trong dịch dạ cỏ của bò giữa các khẩu phần thí nghiệm.
- Số lượng vi khuẩn tổng cao hơn trên bò tiêu thụ mức độ thấp concentrate (0,5% khối lượng cơ thể), tuy nhiên việc bổ sung dầu nành và dầu các không ảnh hưởng đến số lượng vi khuẩn này.
- Nồng độ acid acetic và butyric giảm khi gia tăng mức độ concentrate trong khẩu phần ăn của bò.
- Lượng vật chất khô và protein thô ăn vào cao hơn ở bò được bổ sung mức độ cao concentrate (6.25 kg/ngày và 778 g/ngày).
- Đối với chỉ tiêu tăng trọng: bò được cung cấp mức độ cao concentrate cao cho tăng trọng cao hơn (768 g/ngày) và việc bổ sung dầu nành đã góp phần cải thiện tăng trọng của bò, trong khi đó vai trò của dầu cá không rõ rệt trên chỉ tiêu này. Việc kết hợp concentrate ở mức độ 1,5% và dầu nành dẫn đến tăng trọng của bò cao nhất (851 g/con/ngày). Đây là khẩu phần có thể dùng trong chăn nuôi bò thịt. Tuy nhiên cần lưu ý đến qui mô nuôi để tính hiệu quả kinh tế phù hợp, đặc biệt là việc tìm và sử dụng các nguồn dầu nành re tiền có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
- Đối với các chỉ tiêu sinh hóa máu: các mức độ concentrate, dầu nành và dầu cá mang đến sự thay đổi về mức độ acid uric và protein tổng số trong máu bò. - Sự đa dạng của cộng đồng vi sinh vật dạ cỏ: Kết quả cho thấy trình tự DNA có liên quan chặt chẽ đến 13 chủng không nuôi cấy, bao gồm vi khuẩn của Prevotella, Cytophaga, Capnocytophaga, Cyanobacterium, Catonella, Faecalibacterium, Lachnospiraceae, Ruminococcuse, Propionivibrio, Galbibacter, Moorella glycerin, Escherichia coli các nhóm Klebsiella alba có mức độ tương tự từ 73 đến 96%. Ngoài ra, Prevotella đã được tìm thấy trong cả hai nghiệm thức bổ sung protein và năng lượng. Không bị ảnh hưởng bởi khẩu phần ăn, hai nhóm Firmicutes và Bacteroidetes xuất hiện thường xuyên trong dạ cỏ.
4. Nghiên cứu đáp ứng của hệ sinh thái dạ cỏ của bò đối với sự bổ sung chromium và sodium nitrate trong khẩu phần
Thí nghiệm được tiến hành trên 20 bò lai Brahman (217 kg) được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức và 5 lần lập lại. Khẩu phần cơ bản là cỏ mồm, rơm phun urea (60 g/con/ngày) và cám (1,5 kg/con/ngày). Các nghiệm thức khác bao gồm: bổ sung 2,8 g mg chromium/con/ngày; bổ sung sodium nitrate (28 g/con/ngày) và hỗn hợp khoáng Biotin, K +, Na +, Mn ++, Zn ++, Cu ++, Fe ++, I, Organic selenium) (15 g/con/ngày). Cách thức nuôi dưỡng và thu thập số liệu tương tự như nội dung 2. Kết quả thu được như sau:
- Bổ sung hỗn hợp khoáng trong khẩu phần góp phần làm gia tăng số lượng vi khuẩn tổng trong dạ cỏ của bò trước và sau thí nghiệm.
- Bổ sung các nguồn chromium, sonium nitrate và hỗn hợp khoáng trong khẩu phần không ảnh hưởng đến số lượng vi khuẩn sinh khí methane.
- Giữa các khẩu phần bổ sung, nguồn khoáng hỗn hợp có tác động rõ rệt nhất đến số lượng vi khuẩn dạ cỏ. Ngoài ra trong khẩu phần này, bò cũng tăng trọng cao nhất.
- Các chỉ tiêu sinh hóa máu không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức.
Các kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Animal Husbandry Sciences and Technics, Indian Journal of Animal Researchm, The Journal of Animal and Plant Sciences 2…
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17597/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/