Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 16-01-2023

Nghiên cứu xây dựng và triển khai thí điểm mô hình quản trị và phân phối hàng nông sản sạch truy xuất nguồn gốc xuất xứ: trường hợp ngành hàng bò thịt

An toàn thực phẩm (ATTP) đang là mối quan tâm lớn đối với người tiêu dùng thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật, đặc biệt là thịt bò đang tăng nhanh. Trong các chuỗi cung ứng thực phẩm, nguồn gốc gây ra mất ATTP có thể tồn tại trong tất cả các khâu, từ trang trại tới bàn ăn. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2017) chỉ ra nguyên nhân chính gây ra các bệnh qua thực phẩm là do nhiễm bẩn vi sinh vật có thể xảy ra ở mọi khâu trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tình trạng thịt bò có nguồn gốc xuất xứ (NGXX) không rõ ràng, bị giả mạo trên thị trường tồn tại nhiều năm qua, khiến người tiêu dùng lo ngại về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Hiện nay, ở Việt Nam đã bắt đầu triển khai việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc xuất xứ (TXNGXX) cho các sản phẩm nông sản và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định như kiểm soát được nguồn cung ứng đầu vào cho thị trường, đầu tư hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước, hình thành thói quen sử dụng sản phẩm có nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý TXNGXX thịt heo, thịt, trứng gia cầm vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự tham gia đồng bộ giữa các tác nhân, các khâu trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đến nay, các nghiên cứu ứng dụng hệ thống thông tin trong quản trị và TXNGXX trong chuỗi cung ứng thực phẩm còn rất hạn chế. Đặc biệt, vẫn chưa có một nghiên cứu tổng thể nào được thực hiện về nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào quản trị và TXNGXX đối với ngành hàng bò thịt.

Trước thực trạng nêu trên, nhóm đề tài của Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn do TS. Trần Công Thắng đứng đầu đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng và triển khai thí điểm mô hình quản trị và phân phối hàng nông sản sạch truy xuất nguồn gốc xuất 2 xứ: trường hợp ngành hàng bò thịt”.

Từ tháng 01/2018 đến tháng 06/2020, nhóm đề tài đã phân tích và đánh giá được xu hướng tiêu dùng thịt bò và mức độ sẵn lòng chi trả của người tiêu dùng đối với sản phẩm thịt bò tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để làm cơ sở để ước lượng độ lớn, tiềm năng thị trường đối với sản phẩm thịt bò được TXNGXX ở Việt Nam. Cụ thể:

- Đã phân tích và đánh giá được hiện trạng, tiềm năng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với chuỗi cung ứng thịt bò từ nguồn giống trong nước, chuỗi cung ứng thịt bò từ nhập khẩu bò sống, chuỗi cung ứng thịt bò nhập khẩu trực tiếp và tình hình TXNGXX trong chuỗi cung ứng thịt bò hiện nay.

- Đã rà soát một cách hệ thống các chính sách hiện hành trong quản lý chuỗi cung ứng và TXNGXX sản phẩm thịt bò.

- Hoàn thành thí điểm xây dựng một mô hình chuỗi cung ứng thịt bò đảm bảo an toàn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và TXNGXX, đánh giá được khả năng nhân rộng mô hình.

- Đưa ra một số kiến nghị về chính sách để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và TXNGXX theo chuỗi nhằm cung ứng sản phẩm bò thịt và thịt bò có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo VSATTP từ sản xuất/chăn nuôi đến tiêu dùng.

Trong bối cảnh kinh tế phát triển, xuất phát từ nhu cầu người tiêu dùng, của doanh nghiệp, của cơ quan quản lý nhà nước và sự thay đổi, phát triển của mạng lưới cung ứng thực phẩm toàn cầu, xu hướng ứng dụng công nghệ để quản trị và TXNGXX sản phẩm nói chung và đối với thịt bò nói riêng sẽ ngày càng phổ rộng rãi để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu tương lai và đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, có nghĩa là Việt Nam cũng cần điều chỉnh các quy định, đặc biệt là các quy định liên quan tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, TXNGXX nghiêm ngặt hơn để phù hợp với các yêu cầu quốc tế và khu vực. Việc tạo thương hiệu thông qua việc khẳng định nguồn gốc, xuất xứ, cũng như chất lượng và mức độ an toàn của thịt là rất quan trọng, tạo uy tín và niềm tin nơi người tiêu dùng. Để xây dựng thương hiệu, trước hết phải quan tâm đến việc quản trị sản phẩm theo chuỗi hiệu quả. Do đó, không thể giữ mãi phương pháp truyền thống mà phải mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ quản trị hệ thống chuỗi bền vững và hiệu quả. Đây là giải pháp hết sức quan trọng hỗ trợ tích cực cho các nhà sản xuất, kinh doanh cung ứng cho người tiêu dùng được sản phẩm sạch, đồng thời điều tiết được từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối theo chuỗi khép kín.

Xu hướng và kinh nghiệm từ các nước trên thế giới chỉ ra rằng, để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong quản trị và TXNGXX hàng hóa cần phải có những thay đổi trong tổ chức quản lý đến các chính sách hỗ trợ. Từ tư duy quản lý của cơ quan quản lý nhà nước đến tư duy của doanh nghiệp và bản thân những người tạo ra sản phẩm làm nguyên liệu cho các lĩnh vực cung ứng thực phẩm nói chung và cung ứng bò thịt/thịt bò ra thị trường, đảm bảo mọi hàng hóa sản xuất phải được truy xuất được nguồn gốc theo chuỗi, đồng thời phải tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp, các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng chủ động tham gia. Đồng thời, cũng cần có những tác động nhằm thay đổi cả nhận thức và hành vi người tiêu dùng và tạo niềm tin đối với hệ thống thông tin minh bạch được nhà nước bảo vệ đối với các sản phẩm được TXNGXX minh bạch.

Trước bối cảnh hiện tại của chuỗi cung ứng và khả năng ứng dụng công nghệ trong TXNGXX đối với sản phẩm bò thịt/thịt bò, các kiến nghị về chính sách phải hướng tới việc i) Thúc đẩy việc hình thành và xây dựng các mô hình chuỗi cung ứng khép kín hoặc chuỗi cung ứng có liên kết tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ TXNGXX theo chuỗi; ii)Tạo môi trường thể chế chính sách thuận lợi thúc đẩy TXNGXX đối với thực phẩm, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa sản phẩm minh bạch thông tin TXNGXX và sản phẩm thông thường, ii) Đẩy mạnh và ưu tiên chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại trong TXNGXX, iii) Thúc đẩy đạo tạo và huấn luyện nguồn nhân lực trong quản lý phù hợp với sự thay đổi của ngành, lĩnh vực và những đổi mới trong công nghệ ứng dụng TXNGXX, iv) Hỗ trợ năng lực kinh doanh cho các DN, kết nối mạng lưới liên quan để hỗ trợ tích cực cho DN giải quyết các vướng mắc, lo ngại liên quan xây dựng chuỗi cung ứng ATTP và tham gia cạnh tranh thị trường bình đẳng, v) Tăng cường nhận thức và niềm tin người tiêu dùng đối với các sản phẩm được quản trị và TXNGXX minh bạch.

Trên cơ sở các định hướng trên, các kiến nghị chính sách cũng đã được đề xuất để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và TXNGXX đối với chuỗi cung ứng thịt bò tại Việt Nam.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17977/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 1296
Tổng lượt truy cập: 4.035.995
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!