Xây dựng và tiêu chuẩn hóa phương pháp Realtime PCR tại Việt Nam để phát hiện định lượng phục vụ đánh giá rủi ro nhiễm Campylobacter trong chiến lược giám sát toàn cầu
Nhằm Thiết lập được quy trình Realtime PCR nhằm phát hiện, định lượng nhiễm Campylobacter trên gà và người, phù hợp với điều kiện Việt Nam phục vụ chiến lược giám sát toàn cầu.
Cụ thể: Thiết lập bộ KIT Realtime PCR nhằm định lượng vi khuẩn Campylobacter từ các mẫu thịt gà và các mẫu phân người tiêu chảy, giảm thiểu thời gian xét nghiệm các ca ngộ độc thực phẩm, giảm các chi phí kinh tế, xã hội, Đồng thời đề xuất xây dựng chiến lược giám sát Campylobacter trong chuỗi thực phẩm từ gà tại Việt Nam, hướng tới việc xuất khẩu gà sang các nước khác trong tương lai phù hợp với các tiêu chuẩn, yêu cầu của tổ chức thương mại thế giới, nhóm nghiên cứu thuộc Viện thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do TS. Lưu Quỳnh Hương làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Xây dựng và tiêu chuẩn hóa phương pháp Realtime PCR tại Việt Nam để phát hiện định lượng phục vụ đánh giá rủi ro nhiễm Campylobacter trong chiến lược giám sát toàn cầu”.
Đề tài này xuất phát từ việc TS. Kerstin Stingl - là trưởng phòng thí nghiệm tham chiếu về vi khuẩn Campylobacter, thuộc Viện đánh giá nguy cơ Liên Bang Đức email liên lạc trao đổi với TS. Phạm Thị Ngọc và TS. Lưu Quỳnh Hương, Viện Thú Y về kế hoạch hợp tác thực hiện Nghị định thư theo chương trình “Kinh tế sinh học - 2015” của Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam (MOST) và Bộ Nghiên cứu và giáo dục Đức (BMBF). Qua quá trình trao đổi qua lại, nhóm đề tài đã đi đến việc thống nhất đề cương, nội dung thực hiện giữa hai bên. Đề xuất nghiên cứu của đề tài đã được ủng hộ và chấp nhận từ cả hai phía Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam và Bộ Nghiên cứu và giáo dục Đức.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra một số kết luận như sau:
1. Những nghiên cứu về vi khuẩn Campylobacter tại Việt Nam còn ít, phần lớn nghiên cứu tập trung vào tỷ lệ phân lập vi khuẩn bằng phương pháp định tính, chưa có kết quả nghiên cứu định lượng.
2. Phân lập được 329 (82,25%) chủng vi khuẩn Campylobacter từ mẫu phân gà thu thập tại các trại gà. Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Campylobacter tại các trại gà ở Hải Phòng là 80%, trong đó tỷ lệ chủng C. jejuni chiếm đa số (60,63%) và C. coli chiếm 32,5%. Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Campylobacter tại các trại gà ở Hà Nội là 84,5%, trong đó tỷ lệ chủng C. jejuni chiếm đa số (59,76%) và C. coli chiếm 33,73%.
3. Tỷ lệ dương tính với vi khuẩn Campylobacter từ 200 mẫu thịt gà thu thập tại chợ bán lẻ ở Hải Phòng là 22% và 200 mẫu thịt gà thu thập tại chợ bán lẻ ở Hà Nội là 29%. Trong đó, tỷ lệ chủng C. jejuni chiếm đa số (71,57%) và chủng C. coli chiếm 18,63%. Kết quả định lượng vi khuẩn Campylobacter dao động trong khoảng 5,0x101 - 8,77x103 CFU/g tại Hải Phòng và 1,5x101 - 1,36x104 tại Hà Nội. Đây là kết quả định lượng trên thịt gà đầu tiên được công bố tại Việt Nam.
4. Phân lập được 601 chủng vi khuẩn Campylobacter từ mẫu lau thân thịt gà thu thập tại lò mổ tại Hải Phòng và Hà Nội, tỷ lệ là 37,56%. Tỷ lệ nhiễm của các giai đoạn là ở giai đoạn tách lòng (38,27%), giai đoạn 23 hoàn thiện (32,28%), giai đoạn nhổ lông (20,96%) và giai đoạn nhúng nước (8,49%). Giai đoạn tách lòng trong quá trình giết mổ có khả năng gây ô nhiễm thân thịt gà. Tỷ lệ vi khuẩn C. jejuni chiếm 70,38% trong số các chủng vi khuẩn phân lập được; Chủng C. coli chiếm 25,79% và Campylobacter khác chiếm 3,83%.
5. Tỷ lệ phát hiện Campylobacter trên người (1%) thấp hơn so với các nghiên cứu trên thế giới. Tỷ lệ phát hiện mẫu dương tính bằng phương pháp Realtime PCR (6%) cao hơn so với phương pháp nuôi cấy phân lập theo ISO (1%).
6. Đã thiết lập được bộ KIT Realtime PCR phát hiện C. jejuni có độ nhạy 93,7% và độ đặc hiệu 95%; Bộ KIT Realtime PCR phát hiện C. coli (độ nhạy 92,7% và độ đặc hiệu 95%).
7. Đã thiết lập được quy trình Realtime PCR áp dụng riêng biệt cho mẫu phân và mẫu thịt.
8. Xây dựng quy trình kiểm soát mẫu nội bộ ISPC (Internal Sample Process Control) định lượng được vi khuẩn Campylobacter sống/chết.
9. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm do quá trình tiêu thụ và chế biến thịt gà nhiễm Campylobacter trong một lần ăn thịt gà trung bình là 2,9x 10-4 (90% CI: 1,3x 10-4 - 4,9 x 10-4 ). Nghĩa là trong cộng đồng 10.000 dân ăn thịt gà, 3 người có nguy cơ mắc bệnh do nhiễm Campylobacter. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm do quá trình tiêu thụ và chế biến thịt gà nhiễm Campylobacter trong năm trung bình là 10% (90% CI: 4.6 - 16.2). Nghĩa là trong số 100 người dân ăn thịt gà trong 1 năm, có 10 người có nguy cơ mắc bệnh do nhiễm Campylobacter.
Những kết quả của nhiệm vụ sẽ góp phần chủ động trong việc kiểm soát chuỗi thực phẩm ở gia cầm (giám sát sự ô nhiễm vi khuẩn Campylobacter), hướng tới việc đảm bảo xuất khẩu gia cầm (thịt gà) trong tương lai (thông qua việc chủ động đánh giá mối nguy cơ của Campylobacter đối với sức khỏe con người qua việc tiêu thụ thịt gà, đảm bảo sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính).
Bộ KIT Realtime PCR cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để có thể đưa ra sản xuất đại trà, nhằm tạo nguồn cung cấp cho các phòng vi sinh để phát hiện và định lượng vi khuẩn Campylobacter trong cả lĩnh vực y tế và thú y.
Quy trình kiểm soát mẫu nội bộ (ISPC) để kiểm soát phân biệt vi khuẩn Campylobacter sống chết, giúp định lượng các đơn vị còn nguyên vẹn và có khả năng truyền nhiễm (IPIU - Intact and Potentially Infectious Units) bằng phản ứng Realtime PCR là một khái niệm khá mới mẻ được tiếp thu từ phía đối tác Đức, có thể áp dụng vào thực tiễn phát hiện các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm khác như (Listeria monocytogenes, Escherichia coli O157: H7…)
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18100/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/