Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 24-07-2023

Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông

Di sản hang động đá vôi trên thế giới được nghiên cứu từ rất sớm, đặc biệt là những hang động có di chỉ khảo cổ thời Tiền sử. Tại đó, người ta thường xây dựng các bảo tàng để trưng bày hiện vật và bảo tồn tại chỗ những di sản để phục vụ cộng đồng. Nhưng với hang động núi lửa, tài liệu công bố các nghiên cứu về di sản còn rất hạn chế, đặc biệt là về di tích khảo cổ thời Tiền sử.

Hang động đá vôi ở Việt Nam có rất nhiều, phân bố phổ biến ở các tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung, số ít ở miền Nam (Kiên Giang); riêng hang động núi lửa chỉ phân bố ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) và huyện Krông Nô (Đắk Nông) với số lượng không nhiều. Hang động núi lửa ở Krông Nô được phát hiện năm 2007; được xác lập có quy mô, độ dài và tính độc đáo nhất Đông Nam Á năm 2014. Năm 2017, di tích khảo cổ tiền sử trong hang động núi lửa được phát hiện, cho thấy hang động núi lửa ở Krông Nô là tổ hợp của nhiều di sản cả về di sản địa chất (DSĐC), đa dạng sinh học (ĐDSH) và di sản văn hóa (DSVH), rất cần được mở rộng tìm kiếm, điều tra nghiên cứu, đánh giá các đầy đủ giá trị trên phạm vi toàn Tây Nguyên, nhằm làm cơ sở khoa học cho bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác hợp lý, phát triển du lịch, phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, bộ hồ sơ công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông trình duyệt UNESCO cũng rất cần các nghiên cứu mới, phát hiện mới, chuyên sâu và liên ngành để làm nổi bật các giá trị toàn cầu của hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, góp phần quyết định cho danh hiệu và duy trì danh hiệu CVĐC toàn cầu lâu dài cho CVĐC Đắk Nông. Vì thế, TS. La Thế Phúc cùng phối hợp với các cộng sự tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện đề tài: “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu: đánh giá được các giá trị chủ yếu của di sản hang động núi lửa Tây Nguyên, góp phần quy hoạch xây dựng hệ thống Bảo tàng, bảo tồn hang động núi lửa ở Tây Nguyên; cung cấp được luận cứ khoa học về di sản địa chất núi lửa cho việc quy hoạch, xây dựng công viên địa chất ở Tây Nguyên; và đề xuất và chuyển giao được mô hình trưng bày Bảo tàng ngoài trời, Bảo tồn di tích hang động ở Krông Nô.

Đề tài đã nghiên cứu, điều tra hang động núi lửa, xác lập và đánh giá di sản trong hang động núi lửa cũng như DSĐC/di sản hỗn hợp liên quan đến diện phân bố đá basalt ở 5 tỉnh Tây Nguyên.

Hang động núi lửa thực thụ chỉ được tìm thấy trong đá basalt trẻ thuộc hệ tầng Xuân Lộc và phân bố tập trung chủ yếu ở phần phía bắc của huyện Krông Nô, Đắk Nông. Hang mái che được tìm thấy ở nhiều loại đá gốc khác nhau trên nhiều địa phương khác nhau. Di tích tiền sử được phát hiện chủ yếu trong hang núi lửa thực thụ; di tích lịch sử chỉ được phát hiện trong hang mái che.

Các khu vực được đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ, gồm:

- Tỉnh Gia Lai: Cụm thác 50 và cụm thác hang Dơi ở huyện K’Bang, cụm di tích An Khê ở huyện An Khê, cụm di tích Chư A Thai ở huyện Phú Thiện, cụm di tích ở huyện Krông Pa;

- Tỉnh Đắk Lắk: cụm di tích Phú Xuân (Krông Năng), di tích Hố Tre (Krông Ana);

- Tỉnh Đắk Nông: quần thể di sản hang động núi lửa ở Chư B’luk ở huyện Krông Nô và quần thể di sản thác Trinh Nữ ở huyện Cư Jut;

- Tỉnh Lâm Đồng: có khu vực thác Đam B’Ri ở huyện Bảo Lộc.

Một số phát hiện mới của đề tài có giá trị nổi bật, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao: phát hiện di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô; tách chiết thành công ADN từ xương động vật cổ đầu tiên ở Việt Nam; phát hiện di tích cư trú tiền sử (Đá mới) trên miệng núi lửa Hố Tre ở thôn Hòa Tây, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk; phát hiện hàng loạt di tích Đá cũ có tính hệ thống dọc đới Sông Ba/lưu vực Sông Ba ở Tây Nguyên và phát hiện loài bọ cạp mới, đặc hữu trong hang động núi lửa Krông Nô.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18662/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 928
Tổng lượt truy cập: 4.029.929
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!