Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 07-08-2023

Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn nuôi cá diêu hồng và phân bón sinh học trồng rau từ phế phụ phẩm chế biến thực phẩm

Từ nhiều thế kỷ nay, các phụ phẩm của quá trình chế biến thủy sản và giết mổ gia cầm đã được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích khác nhau. Các sản phẩm được làm từ các nguyên liệu không ăn được có đóng góp quan trọng về kinh tế cho các ngành công nghiệp liên quan khác và cho xã hội. Ngoài ra, việc chế biến và sử dụng các phụ phẩm giết mổ cũng góp phần cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe gia súc và sức khỏe cộng đồng.

Tỷ trọng của các loại phụ phẩm phụ thuộc theo nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm, khoảng 49% khối lượng sống của bò, 44% của lợn, 37% của gà thịt, và 57% của hầu hết các loài thủy sản là phần khối lượng không thể dùng làm thực phẩm cho con người. Cùng với sự phát triển của ngành công nghệ chế biến thực phẩm ở nước ta, một lượng lớn phụ phế phẩm chế biến cũng xuất hiện. Nếu không có những nỗ lực không ngừng của ngành công nghiệp chế biến phụ phẩm, các phế phụ phẩm động vật tích tụ không được xử lý có thể gây cản trở cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và tạo ra nguy cơ tiềm ẩn nghiêm trọng đối với sức khỏe của gia súc và con người, nguồn gây ô nhiễm môi trường đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu được đầu tư công nghệ phù hợp, chúng có thể trở thành những sản phẩm có giá trị. Sự phát triển của ngành chế biến thuỷ sản và gia cầm ở nước ta là những ví dụ. Các phế phẩm như vỏ tôm, đầu tôm, phế liệu cá đã được chế biến thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như chitosan, dịch đạm, bột đạm, bột cá… Mặc dù vậy, vẫn còn các loại phế phụ phẩm chế biến phát sinh trong thời gian gần đây chưa được đầu tư công nghệ để tạo những sản phẩm có giá trị ở quy mô công nghiệp. Trong số đó có thể kể đến nội tạng hải sâm, nội tạng thủy sản nói chung và khuỷu chân gà.

Nhằm gia tăng giá trị và tận dụng tối đa phụ phẩm, góp phần giảm thiểu đáng kể thất thoát nguồn protein có lợi, đồng thời cũng thúc đẩy phát triển các sản phẩm mới, tạo ra nhu cầu mới trên thị trường, nâng cao giá trị cho ngành chế biến hải sâm và thịt gà, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng do PGS. TS. Đặng Minh Nhật làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện dự án: “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn nuôi cá diêu hồng và phân bón sinh học trồng rau từ phế phụ phẩm chế biến thực phẩm”.

Sau hai năm thực hiện, Dự án đã đạt được những kết quả quan trọng như sau:

- Dự án đã hoàn thiện được quy trình sản xuất phân bón sinh học (bón lá và bón rễ) từ nội tạng hải sâm, từ quy mô nhỏ đến quy mô bán công nghiệp 300 kg/mẻ thông qua việc xác định được các chế phẩm enzyme protease và vi sinh vật thích hợp cho phân giải protein từ nội tạng hải sâm và xác lập các thông số công nghệ tối ưu, công thức phối trộn phân bón. Theo đó, enzyme papain và chế phẩm vi sinh EMIC (Công ty CP Công nghệ Vi sinh và Môi trường) đã được ứng dụng thành công trong sản xuất phân bón sinh học bón lá và bón rễ đáp ứng được các tiêu chuẩn của phân bón sinh học theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

 - Dự án đã xây dựng được mô hình thiết bị sản xuất phân bón sinh học năng suất 300 kg nguyên liệu/mẻ, đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và thử nghiệm sản xuất được 10.839 lít phân bón lá và 24.4 tấn phân bón rễ để phục vụ cho việc xây dựng mô hình thử nghiệm trồng rau trên diện tích 5 ha, với 6 loại rau: bắp cải, cải xanh, cove bụi, mồng tơi, rau muống, khoai tây và quảng bá kinh doanh sản phẩm. Kết quả tính toán hiệu quả kinh tế cho thấy phân bón sản xuất ra có giá thành đủ sức cạnh tranh với các loại phân bón sinh học tương đương trên thị trường (18.000 đ/1 lít phân bón lá và 6.000 đồng/kg phân bón rễ). Phân bón sinh học của dự án mang lại lợi nhuận cao hơn từ 13,2-44,3% so với phương pháp bón phân phổ biến của nông dân trong các mô hình trồng rau.

- Dự án đã hoàn thiện được quy trình sản xuất thức ăn nuôi cá diêu hồng sử dụng nguyên liệu khuỷu chân gà từ quy mô nhỏ đến quy mô bán công nghiệp 300 kg/mẻ, thông qua việc xác định được phương pháp xử lý nguyên liệu thích hợp, lựa chọn enzyme protease và xác lập các thông số công nghệ quan trọng 228 cho quá trình thuỷ phân khuỷu chân gà, sản xuất bột thịt xương và sản xuất thức ăn nuôi cá diêu hồng.

- Dự án đã xây dựng được mô hình thiết bị sản xuất thức ăn nuôi cá diêu hồng năng suất 300 kg nguyên liệu/mẻ, đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và thử nghiệm sản xuất được 12.000 kg thức ăn 35% đạm cho cá diêu hồng giai đoạn 4 và 14.850 kg thức ăn 28% đạm cho cá giai đoạn 2, phục vụ cho việc xây dựng mô hình nuôi cá diêu hồng thử nghiệm trên diện tích ao nuôi 1 ha và quảng bá kinh doanh. Kết quả tính kinh tế cho thấy, với việc thay thế được 20% bột cá bằng bột thịt xương của dự án trong công thức thức ăn nuôi cá diêu hồng có thể tiết kiệm được 500 đồng/kg thức ăn nuôi cá. Từ kết quả thử nghiệm nuôi trong mô hình của Dự án đã xác định được thức ăn nuôi cá của dự án có hệ số thức ăn (FCR) là 1,24 hoàn toàn tương đương các sản phẩm phổ biến trên thị trường, đảm bảo được hiệu qủa kinh tế nuôi cá.

- Dự án đã thành công từ khía cạnh đã xử lý, tận dụng được lượng phế, phụ phẩm lớn phát sinh từ các quá trình chế biến hải sâm và chân gà của Công ty TNHH Việt Trường (Hải Phòng), giải quyết được vấn đề môi trường bức thiết cho Công ty, phát triển/hoàn thiện được công nghệ và sản phẩm mới có thể chuyển giao cho các cơ sở chế biến khác.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17595/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 551
Tổng lượt truy cập: 4.029.552
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!