Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 24-08-2023

Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp để phát triển công nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam

Ở Việt Nam, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chiếm 2/3 diện tích tự nhiên cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số với gần 13,4 triệu người, chiếm trên 14% dân số cả nước năm 2015. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, khu vực này cũng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng yếu kém; xuất phát điểm và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp, tỷ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, thường bị ảnh hưởng của thiên tai, tai biến thiên nhiên. Đời sống của đa số đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ DTTS sống tại vùng dân tộc tính tại thời điểm 01/07/2015 là hộ nghèo chiếm 23,1%, hộ cận nghèo chiếm 13,6%.

Việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nói chung và công nghiệp nói riêng ở vùng DTTS&MN luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm góp phần giải quyết việc làm, duy trì cuộc sống ổn định, lâu dài, cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước nghiên cứu về phát triển công nghiệp nói chung và phát triển công nghiệp ở vùng DTTS, miền núi nói riêng song các phân tích về chính sách, thực trạng phát triển mới chỉ tập trung vào từng ngành sản xuất cụ thể, thiếu tính hệ thống và liên kết vùng, chưa tính đến đặc trưng về lịch sử, văn hoá dân tộc, kinh tế xã hội ở mỗi khu vực. Xuất phát từ thực tế trên, PGS.TS. Hà Thị Thu Thủy cùng các cộng sự tại Viện nghiên cứu xã hội và nhân văn miền núi đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp để phát triển công nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam”.

Đề tài nhằm mục tiêu phân tích, đánh giá thực trạng tình hình, hiệu quả, tác động của các chính sách phát triển công nghiệp ở vùng DTTS&MN nước ta từ năm 1986 đến nay; nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách trong phát triển công nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay; đề xuất quan điểm, giải pháp, chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở vùng DTTS và miền núi nước ta đến năm 2030.

Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, đối tượng nghiên cứu cùng với việc sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp, đề tài nghiên cứu đã thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra và thu được những kết quả sau:

- Đã nghiên cứu làm rõ những vấn đề lí luận về công nghiệp và phát triển công nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển vùng dân tộc thiểu số; Xác định khung lý thuyết phân tích, đánh giá phát triển công nghiệp ở vùng DTTS&MN Việt Nam;

- Đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về phát triển công nghiệp vùng DTTS&MN và rút ra các bài học cho phát triển công nghiệp vùng DTTS&MN Việt Nam.

- Đã phân tích thực trạng phát triển công nghiệp vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn sau Đổi mới đến nay (1986-2017) theo 2 giai đoạn 1986-2000 và 2001-2017 và đánh giá hiệu quả phát triển công nghiệp của vùng qua các nhóm chỉ tiêu về: Tốc độ và chất lượng tăng trưởng công nghiệp; sự hài hòa giữa phát triển công nghiệp với 3 mặt của phát triển bền vững (tác động của phát triển công nghiệp tới kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường).

- Đã thực hiện đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển công nghiệp trong vùng, từ đó làm rõ các cơ hội, thách thức, tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của vùng DTTS&MN trong phát triển công nghiệp.

- Dự báo nhu cầu, triển vọng phát triển công nghiệp ở vùng DTTS&MN đến năm 2030.

- Đã đề xuất những nhóm giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp vùng DTTS&MN trong giai đoạn đến năm 2030 và gợi ý 03 nhóm giải pháp: Một là, đối với các địa phương miền núi và DTTS, cần: lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển ở khu vực DTTS&MN; triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển công nghiệp của Chính phủ tại vùng DTTS&MN; triển khai và phát huy hiệu quả chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” – OCOP – tạo động lực cho phát triển công nghiệp; Hai là đối với doanh nghiệp vùng DTTS&MN, cần: tận dụng các lợi ích từ chính sách phát triển công nghiệp của Chính phủ tại vùng DTTS&MN; kết nối các DN trong chuỗi cung ứng để phát triển công nghiệp hiệu quả, bền vững; Ba là đối với dân cư vùng DTTS&MN, cần: xây dựng nhận thức tích cực trong cộng đồng dân cư tại vùng DTTS&MN về phát triển công nghiệp bền vững; phát triển công nghiệp ở vùng DTTS&MN gắn với tạo việc làm, đào tạo và hỗ trợ nguồn lực bền vững tại các khu vực phát triển công nghiệp.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18694/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 1322
Tổng lượt truy cập: 4.028.631
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!