Bảo tồn, lưu giữ các vi sinh vật bảo vệ thực vật
Nguồn gen vi sinh vật (VSV) có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ sinh học. Hiện nay, Viện Bảo vệ thực vật đang bảo tồn và lưu giữ 915 nguồn vi sinh vật trong bảo vệ thực vật bao gồm 831 nguồn gen vi sinh vật gây bệnh thực vật (792 nguồn nấm sợi, 39 nguồn vi khuẩn) và 84 nguồn gen vi sinh vật có ích (53 nấm sợi, 3 nguồn nấm men, 23 nguồn vi khuẩn và 5 nguồn virút) phục vụ cho công tác nghiên cứu và sản xuất. Các phương pháp bảo quản đối với nguồn vi sinh vật gây bệnh gồm bảo quản trên giấy làm khô trong chân không (739 nguồn nấm), dầu khoáng (13 nguồn nấm), nước cất (19 nguồn nấm), glycerol (47 nguồn vi khuẩn).
Các phương pháp bảo quản nguồn vi sinh vật có ích gồm bảo quản trong glycerol (31 nguồn nấm), bảo quản trong glycerin (41 nguồn nấm và vi khuẩn), bảo quản lạnh và -20oC (5 nguồn vi khuẩn và vi rút). Trong năm 2020, nhiệm vụ tiếp tục bảo quản, lưu giữ lâu các nguồn gen đảm bảo duy trì sức sống của các nguồn vi sinh vật. Trong các nguồn gen vi sinh vật đang được lưu giữ và bảo quản, đã đánh giá ban đầu 362 nguồn gen, đánh gia chi tiết 195 nguồn gen, đánh giá đặc điểm di truyền 101 nguồn gen. So với tổng số nguồn gen đang được lưu giữ, công tác đánh giá ban đầu chiếm 39,56%, đánh giá chi tiết chiếm 21,31% và đánh giá các đặc điểm di truyền chiếm 11,38%. Do vậy công tác đánh giá ban đầu và đánh giá chi tiết cần được ưu tiên hơn. Vì thế, năm 2020, nhóm nghiên cứu của ThS. Mai Văn Quân tại Viện Bảo vệ thực vật đã thực hiện đề tài: “Bảo tồn, lưu giữ các vi sinh vật bảo vệ thực vật”.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu bảo tồn và lưu giữ, góp phần sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn gen vi sinh vật bảo vệ thực vật phát triển nông nghiệp.
Đề tài đã thu được các kết quả nổi bật như sau:
- Đã bảo quản lâu dài 915 nguồn gen vi sinh vật bằng phương pháp đông khô, bào tử nấm, thể vùi. Cụ thể: đối với nguồn VSV gây bệnh: 792 nguồn bảo quản bằng phương pháp bào tử, 39 nguồn bảo quản đông khô; và đối với nguồn gen VSV có ích: 26 nguồn bảo quản bằng phương pháp đông khô, 53 chủng bảo quản bằng bào tử, 5 nguồn bảo quản bằng thể vùi.
- Đã phân loại đến loài 71 nguồn gen vi sinh vật bằng giải trình tự gen ITS/16S/28S.
- Đã đánh giá ban đầu 553 nguồn VSV bao gồm các đặc điểm hình thái, điều kiện sinh trưởng, hoạt tính sinh học.
- Đã rà soát và đề xuất loại bỏ 120 nguồn gen trong tổng số 915 nguồn gen ra khỏi danh mục bảo tồn và lưu giữ.
- Đã tư liệu hóa và cập nhật bổ sung thông tin cơ sở dữ liệu của 553 nguồn gen bao gồm các thông tin như tên nguồn gen, mã số, địa điểm thu thập, môi trường nuôi cấy, PP bảo quản, đặc điểm gây bệnh, đặc điểm sinh học…
- Đã cung cấp 07 nguồn gen VSV để đánh giá hiệu quả của chế phẩm thảo mộc và đánh giá giống chống chịu bệnh đạo ôn và khô vằn trên lúa và ngô.
Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị loại bỏ các nguồn gen không có ý nghĩa trong ứng dụng nghiên cứu và các nguồn gen thu thập tương đồng về thời gian và địa điểm thu thập và tiếp tục bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen vi sinh vật bảo vệ thực vật có ý nghĩa trong sản xuất.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18783/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/