Phát triển dịch vụ Logistics thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030
Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu (KNXK) chung của cả nước. Thập kỷ qua, KNXK nông sản Việt Nam đạt giá trị 261,28 tỷ USD, tăng trung bình 9,24% mỗi năm. Trước đây, thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nước trong khu vực và luôn chịu sự cạnh tranh bởi các nước Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… cũng có những mặt hàng tương tự. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thủy sản, rau quả, gạo, cà phê… đã tiếp cận và thâm nhập được vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Một trong những nút thắt đồng thời cũng là đòn bẩy quan trọng cho xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam được xác định là dịch vụ logistics. Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, các vấn đề về dịch vụ logistics lại đang được xác định là “điểm nghẽn”, “nút thắt” đối với nông nghiệp nói chung và xuất khẩu hàng nông sản nói riêng của Việt Nam. Trong đó, một số vấn đề chính là: (i) Chi phí logistics cao làm tăng giá thành của nông sản, từ đó giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Hàng hóa Việt Nam nói chung, nông sản Việt Nam nói riêng đang mất dần lợi thế do khoản chi phí này; (ii) Dịch vụ logistics chưa hiệu quả của làm tăng thời gian vận chuyển nông sản, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo được chất lượng và các điều kiện về giao hàng; (iii) Mối liên kết giữa các bên (giữa DN sản xuất với DN logistics, giữa DN với nông dân…) còn chưa chặt chẽ.
Với thực trạng xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam hiện nay, để có thể phát triển xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng nông sản đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra tới 2025 và tầm nhìn đến 2030, rất cần có sự hỗ trợ từ dịch vụ logistics nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa, với giá cả hợp lý khi có giải pháp đồng bộ để giảm cả 3 tiêu chí: (i) thời gian thông quan làm hàng; (ii) thời gian vận chuyển; (iii) chi phí logistics. Dịch vụ logistics phát triển hiệu quả sẽ giúp rút ngắn thời gian giao hàng phù hợp với đặc thù vòng đời ngắn của hàng nông sản, nhạy cảm biến đổi chất lượng - từ đó giúp hàng hóa có thể xuất khẩu đến các vùng tiêu thụ xa hơn, mới hơn ngoài các thị trường truyền thống còn hữu hạn.
Thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2017, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề hoàn thiện khung pháp lý về logistics. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tiễn còn nhiều khó khăn, bất cập, một số quy định còn chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương chưa hiệu quả dẫn đến hạn chế đối với xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng nông sản nói riêng. Bên cạnh đó, chưa có những quy định riêng đối với dịch vụ logistics thúc đẩy lĩnh vực hàng nông sản xuất khẩu. Trong khi đó, dịch vụ logistics là một lĩnh vực đa ngành, đặc biệt trong thúc đẩy xuất khẩu nông sản, dịch vụ logistics liên quan đến tất cả các khâu trong chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu, từ giống, vật tư, hoạt động nuôi trồng đến chế biến, phân phối, xuất khẩu.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Đặng Thanh Phương thực hiện nghiên cứu “Phát triển dịch vụ Logistics thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030” với mục tiêu nghiên cứu đề xuất chính sách và các giải pháp chủ yếu phát triển dịch vụ logistics thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 là rất cần thiết, có cơ sở khoa học, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Từ sau khi thuật ngữ logistics và dịch vụ logistics xuất hiện, đã có nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến chủ đề này, trong đó có những nghiên cứu tập trung vào một số nội dung được đề cập đến trong đề tài, như lý luận về logistics và dịch vụ logistics, về phát triển dịch vụ logistics và logistics nông sản, kinh nghiệm của một số quốc gia trong phát triển dịch vụ logistics thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản. Sau đây là một số công trình nghiên cứu điển hình.
Logistics và khả năng áp dụng, phát triển logistics trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải giao nhận ở Việt Nam, Đề tài cấp Bộ, Bộ Thương mại, 2004, tập trung nghiên cứu về dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hoá. Qua đó, phác họa tổng quan về dịch vụ logistics nói chung và khả năng phát triển dịch vụ, giao nhận hàng hóa ở Việt Nam;
Phát triển logistics trên hành lang kinh tế Đông Tây, Đề tài cấp Bộ, 2010, TS. Trịnh Thị Thu Hương chủ nhiệm. Đề tài nghiên cứu hệ thống logistics với bốn nhân tố trong mối quan hệ với thúc đẩy phát triển kinh tế các nước nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Trong đó, làm rõ những khác biệt, đặc thù trong phát triển logistics ở một tuyến hành lang kinh tế. Bên cạnh tập trung phân tích thực trạng hệ thống logistics các nước có tuyến hành lang chạy qua, đề tài đề 6 cập một số vấn đề lý luận về logistics.
Vai trò quan trọng của dịch vụ Logistics trong hoạt động sản xuất – kinh doanh nói chung, trong XKNS nói riêng đã ngày càng được nhìn nhận và khẳng định một cách rõ ràng hơn. Trong khi đó, hàng nông sản đang từng bước trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và việc các FTA quan trọng vừa được ký kết, đi vào thực thi như EVFTA… đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn với hàng nông sản của Việt Nam. Hơn thế nữa, bối cảnh quốc tế với rất nhiều thách thức từ dịch bệnh Covid kéo dài, từ sự cạnh tranh của các thị trường có mặt hàng tương đồng… và những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, phát triển dịch vụ logistics để góp phần bảo đảm chất lượng, tăng giá trị và số lượng NSXK trong giai đoạn tới là một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra. Đề tài “Phát triển dịch vụ logistics thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được thực hiện trong năm 2020 đã hoàn thành một số nội dung nghiên cứu như sau:
- Tổng quan cơ sở lý luận về phát triển dịch vụ logistics thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản (khái niệm, đặc điểm của nông sản, xuất khẩu hàng nông sản, logistics và dịch vụ logistics thúc đẩy xuất khẩu nông sản, những nhân tố ảnh hưởng).
- Phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan… về phát triển dịch vụ logistics thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
- Nghiên cứu thực trạng phát triển dịch vụ logistics thúc đẩu xuất khẩu hàng nông sản tại Việt Nam giai đoạn 2007-2019 trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển dịch vụ logistics nói chung, tổng quan chính sách liên quan, phân tích cụ thể với chuỗi cung ứng của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (gạo, cà phê, thủy sản và quả), từ đó rút ra những điểm hạn chế, nguyên nhân và một số vấn đề đặt ra. Đề tài tiến hành thu thập phiếu điều tra khảo sát với 105 chuyên gia, 110 DN XK nông sản và 110 DN logistics trên cả nước. Kết quả điều tra được sử dụng để minh họa cho các nhận định về thực trạng cũng như đánh giá chính sách.
- Phân tích bối cảnh trong và ngoài nước, sử dụng SWOT chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức để phát triển dịch vụ logistics thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong giai đoạn tới. Từ đó, đề ra một số giải pháp và chính sách đối với chính phủ, nhà nước; với DN và với các hiệp hội. Trong đó, Bộ Công Thương tập trung vào một số chính sách chính đó là (i) rà soát Luật Thương mại và ban hành các thông tư hướng dẫn phù hợp, cần thiết nhằm quản lý nhà nước hiệu quả đối với dịch vụ logistics nói chung, dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu nông sản nói chung; (ii) phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn xây dựng chiến lược logistics riêng cho nông sản; (iii) xác định, đưa vào quy hoạch cả nước, Vùng, Tỉnh các trung tâm logistics cấp quốc gia, cấp Vùng, cấp Tỉnh phù hợp, trở thành điểm kết nối, trung chuyển, hỗ trợ hiệu quả đối với hàng nông sản xuất khẩu; (iv) ban hành, thực thi chính sách phát triển hạ tầng kho, bãi khu vực cửa khẩu biên giới; (v) ban hành, thực thi chính sách thương mại biên giới, chính sách xúc tiến thương mại đối với nông sản xuất khẩu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18733/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/