Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 27-11-2023

Nghiên cứu xác lập bộ tiêu chí đánh giá tính bền vững vùng ven biển Việt Nam, thử nghiệm ứng dụng cho vùng điển hình và đề xuất giải pháp nhân rộng

Vùng ven biển nước ta có 28 tỉnh/thành phố với diện tích và dân số lần lượt chiếm 42% và 59% so với tổng diện tích và số dân toàn quốc. Vùng ven biển có nhiều loại khoáng sản quan trọng như titan, zircon, thạch anh, nhôm, sắt, mangan, vật liệu xây dựng... Dọc theo chiều dài bờ biển có nhiều vịnh, vụng, cửa sông, bãi triều... là cơ sở quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) như phát triển cảng biển, giao thông thuỷ, nuôi trồng - khai thác thủy sản, khai thác khoáng sản, du lịch…

Vùng ven biển Việt Nam là khu vực có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền của quốc gia. Tuy nhiên, vùng ven biển cũng là nơi chịu ảnh hưởng mạnh từ nhiều loại thiên tai như: bão, lũ lụt, động đất, xói lở, đổ lở, trượt lở đất đá, bồi tụ làm biến động luồng lạch, nhiễm mặn và ô nhiễm môi trường nước và trầm tích. Đồng thời, các vùng ven biển thường có bề mặt địa hình thấp, nên bị đe dọa bởi quá trình dâng cao mực nước biển và dâng cao sóng biển trong mùa mưa bão. Các loại thiên tai này đã và đang gây ra nhiều thiệt hại cho tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên biển và ven biển. Điều này đặt ra câu hỏi là làm thế nào để duy trì và nâng cao tính bền vững của vùng ven biển, đặc biệt là duy trì các giá trị cốt lõi của điều kiện tự nhiên (tài nguyên, hệ sinh thái và môi trường), xã hội (sự đa dạng và các giá trị văn hóa lịch sử,...), con người (an toàn, hạnh phúc,...) trước tác động phát triển KT-XH mạnh mẽ, biến đổi khí hậu (BĐKH) nhanh và diễn biến bất thường của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong bối cảnh BĐKH diễn ra nhanh, các chiến lược phát triển KT-XH ở vùng ven biển và biển Việt Nam cần phải đảm bảo duy trì được các chức năng, giá trị và dịch vụ cốt lõi từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, đồng thời giảm thiểu được các tác động từ BĐKH, suy thoái môi trường.

Do vậy, TS. Nguyễn Đình Thái đã phối hợp với nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Địa môi trường và Thích ứng Biến đổi khí hậu thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác lập bộ tiêu chí đánh giá tính bền vững vùng ven biển Việt Nam, thử nghiệm ứng dụng cho vùng điển hình và đề xuất giải pháp nhân rộng” từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài được triển khai để thực hiện các mục tiêu chính như sau: xác định được cơ sở lý luận và thực tiễn về qui trình đánh giá tính bền vững cho vùng ven biển Việt Nam, và xây dựng được bộ tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá; thử nghiệm ứng dụng bộ tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá cho vùng điển hình và đánh giá khả năng nhân rộng; và đề xuất được giải pháp ứng dụng bộ tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá cho các vùng ven biển khác, chủ động ứng phó BĐKH, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Đề tài đã xây dựng quy trình đánh giá tính bền vững vùng ven biển gồm 6 bước như sau: xác định vấn đề, phạm vi dựa trên các vấn đề quan tâm của các bên liên quan (nhà quản lý, khoa học, công đồng,...) và kế hoạch thực hiện; xây dựng bộ tiêu chí (bao gồm các tiêu chí, chỉ tiêu dựa trên nguyên tắc, quan điểm và mục tiêu đã đề ra); nghiên cứu, điều tra nhằm thu thập các dữ liệu cần thiết trong nghiên cứu; phân tích xu thế của các chỉ tiêu/chỉ số theo dữ liệu ban đầu; tính toán và xử lý dữ liệu, lập bản đồ; và thiết lập báo cáo kết quả tính bền vững.

Bộ tiêu chí đánh giá tính bền vững vùng ven biển Việt Nam được xây dựng dựa trên 3 hợp phần lớn là tự nhiên - xã hội - con người, bao gồm 15 mục tiêu cần thực hiện để nâng cao tính bền vững của mỗi hợp phần, 38 tiêu chí và 61 chỉ tiêu để đánh giá.

Kết quả đánh giá định lượng các tiêu chí, chỉ tiêu tính bền vững vùng ven biển vịnh Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh chỉ ra mức độ bền vững của vùng ven biển nằm ở cận dưới của mức trung bình đến cao. Các yếu tố con người và tự nhiên có vai trò quan trọng trong duy trì tính bền vững của vùng ven biển vịnh Tiên Yên.

Trên cơ sở thử nghiệm bộ tiêu chí đánh giá tính bền vững và đặc điểm về hệ thống tự nhiên, xã hội và con người khu vực ven biển Việt Nam, đề tài đã xây dựng 04 bộ tiêu chí cho các vùng ven biển miền Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Giải pháp ứng dụng bộ tiêu chí đánh giá tính bền vững vùng ven biển được xây dựng trên 5 nguyên tắc, các giải pháp khoa học và công nghệ; giải pháp về thể chế chính sách, tài chính và hợp tác các bên.

Các kết quả của đề tài có thể được ứng dụng trực tiếp trong các cơ quan quản lý địa phương, đặc biệt trong chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ đã và đang được xây dựng tại các địa phương có biển. Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc đánh giá tính bền vững chi tiết chưa được thử nghiệm tại khu vực này nên trong thời gian tới cần xây dựng phương án đánh giá thử nghiệm bộ tiêu chí tính bền vững cho khu vực, làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19164/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 11270
Tổng lượt truy cập: 3.994.633
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!