Nghiên cứu xây dựng những định hướng chính sách lớn hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC) gồm 6 phần, 12 chương với 142 điều đã quy định tương đối đầy đủ, toàn diện các vấn đề cơ bản trực tiếp liên quan đến XLVPHC (bao gồm XPVPHC và các biện pháp XLHC). Qua gần 06 năm triển khai thi hành Luật 1 cho thấy, việc thực hiện các quy định pháp luật về XLVPHC đã dần đi vào nề nếp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập liên quan trực tiếp đến các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật (THPL) về XLVPHC. Giải pháp hữu hiệu, khả thi nhất tại thời điểm hiện nay nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác XLVPHC đó là tiếp tục hoàn thiện một bước pháp luật về XLVPHC, đặc biệt là Luật XLVPHC trên cơ sở khung pháp lý sẵn có nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về XLVPHC, bảo đảm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác THPL về XLVPHC trong thực tiễn.
Một nhân tố quan trọng khác liên quan trực tiếp đến những hạn chế, bất cập trong thực tiễn THPL về XLVPHC là sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của thực tiễn xã hội Việt Nam thời gian vừa qua cũng như trong tương lai. Trong điều kiện, bối cảnh kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước có nhiều biến đổi cùng với sự phát triển của hệ thống pháp luật, chính sách có những thay đổi lớn so với thời điểm ban hành Luật XLVPHC trước đây (mà cơ sở là những quy định của Hiến pháp năm 2013, các văn kiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các chế tài hình sự trong Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì pháp luật về XLVPHC cũng cần thay đổi để phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và sự tương thích, thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm khác trong hệ thống pháp luật.
Mặt khác, đặt trong tình hình bối cảnh quốc tế và xu hướng hội nhập nói chung thì việc hoàn thiện pháp luật về XLVPHC trong thời gian tới cần có sự nghiên cứu và xúc tiến triển khai một cách bài bản, nghiêm túc, khoa học, có tính chiến lược trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm thế giới về xây dựng và hoàn thiện pháp luật XLVPHC phù hợp với mô hình hệ thống pháp luật và cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước ở các quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời với hệ thống pháp luật tiên tiến.
Từ góc độ lý luận, đồng thời xuất phát từ thực trạng pháp luật và thực tiễn THPL về XLVPHC ở Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có sự thay đổi căn bản đã đặt ra yêu cầu cấp bách cần nghiên cứu, đề xuất những giải pháp cơ bản, trước mắt nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành thời gian qua. Về lâu dài, để phát huy được đúng vai trò của nhà nước pháp quyền trong quản lý xã hội, bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp thì việc hoàn thiện pháp luật về XLVPHC cần phải có những giải pháp mang tính “đột phá”, tiêu biểu, xác thực, hiệu quả theo một định hướng chính sách phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, hội nhập quốc tế đó là bảo đảm tối đa quyền con người, quyền công dân khi áp dụng các chế tài xử lý hành chính trực tiếp ảnh hưởng đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Với những lý do đã nêu và phân tích ở trên, việc nghiên cứu để đưa ra các đề xuất chính sách lớn, thay đổi cơ bản định hướng phát triển, hoàn thiện pháp luật về XLVPHC ở Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa chính trị - pháp lý hết sức quan trọng ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Do đó, ThS. Đặng Thanh Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Pháp Lý thực hiện “Nghiên cứu xây dựng những định hướng chính sách lớn hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” với mục tiêu nghiên cứu tổng thể, có hệ thống cả về lý luận và thực tiễn, nhằm đề xuất các quan điểm, nội dung xây dựng chính sách lớn hoàn thiện pháp luật về XLVPHC theo hướng bảo đảm tốt quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính là trách nhiệm hành chính - một trong 04 loại trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào tính chất mức độ của các vi phạm pháp luật đó. THPL về XLVPHC là hoạt động công vụ rất nặng nề, phức tạp và nhạy cảm do trực tiếp liên quan đến quyền con người, kể cả quyền quyền tự do thân thể, đi lại, đến quyền về được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, các quyền về tài sản… đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp cao trên cơ sở một hệ thống pháp luật được quy định đầy đủ, toàn diện, khả thi, hiệu quả.
Đấu tranh phòng chống các vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm pháp luật hành chính nói riêng luôn là nhiệm vụ trọng yếu của nhà nước Việt Nam. Mặc dù đã có quá trình xây dựng và phát triển hon 70 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, có thể nói rằng hệ thống pháp luật về XLVPHC chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật XLVPHC và Nghị quyết về việc triển khai thi hành Luật, thể hiện sự quan tâm đối với việc xây dựng và hoàn thiện đối với hệ thống pháp luật, đối với một trong những loại trách nhiệm pháp lý có tác động, ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội và tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước. UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh số 09/PL-UBTVQH 13 ngày 20/01/2014 theo ủy quyền của Quốc hội tại Điều 106 Luật XLVPHC. Chính phủ đã kịp thời ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, quy định cụ thể các hành vi VPHC và chế tài áp dụng tương ứng theo sự ủy quyền lập pháp của Quốc hội (Điều 4 của Luật XLVPHC) và căn cứ các quy định trong Luật có tính chất “định khung” cho hoạt động ủy quyền lập pháp này. Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành trên 70 Thông tư quy định về XLVPHC; Hội đồng TAND tối cao đã ban hành 2 nghị quyết về việc áp dụng pháp luật trong XLVPHC. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đó là cơ sở pháp lý hiện hành vô cùng quan trọng để các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện XLVPHC trên tinh thần công khai, minh bạch, công bằng, góp phần bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước, ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm môi trường ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên mặc dù Luật XLVPHC hiện hành đước ban hành với nhiều quy định thể hiện sự cải cách và chứa đụng quan điểm tiến bộ, tiệm cận hơn với luật pháp quốc tế (tư pháp hóa một phần thẩm quyền thủ tục áp dụng BPXLHC với sự xem xét, quyết định của TAND cấp huyện; thực hiện nguyên tắc tiến bộ trong XPVPHC; bổ sung nhiều quy định tạo nên cơ chế bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng trong XPVPHC…) nhưng quá trình THPL về XLVPHC thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế mà nhiều trường hợp phát sinh từ chính hệ thống thể chế hiện hành về XLVPHC đã đề cập trên đây.
Những bất cập, hạn chế đó đòi hỏi phải khẩn trương tiến hành triển khai việc nghiên cứu, đưa ra các định hướng cơ bản cho việc hoàn thiện pháp luật về XLVPHC cả về trước mắt và lâu dài nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế, bảo đảm sự tương thích của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, bảo đảm tôn trọng quyền con người. Cần thực hiện những “cú bứt phá” trên cơ sở những bài học, tri thức, kinh nghiệm kế thừa từ công tác tổng kết hơn 20 năm xây dựng và thực thi pháp luật về XLVPHC, nhất là kinh nghiệm thi hành Luật XLVPHC hiện hành hơn 07 năm qua để trước mắt, khẩn trương tiến hành một bước tiếp theo sau ban hành và thực thi XLVPHC dưới hình thức văn bản Luật, đó là nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC hiện hành. Trong bối cảnh hiện tại, việc thực hiện những nội dung cải cách cơ bản, lớn lao về XPVPHC là chưa phù hợp nhưng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả một bước công tác THPL về XLVPHC thông qua việc sửa đổi và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung. Về lâu dài, cần có những bước đi bài bản với lộ trình khoa học, thể hiện tư duy cải cách pháp luật XLVPHC phải bảo đảm phù hợp, tương thích với bước đi của cải cách tư pháp cải cách hành chính và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, phức tạp, không những đòi hỏi việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phải đồng bộ với hệ thống pháp luật khác (về hình sự, dân sư, kỷ luật) đồng thời phải bảo khả thi, phù hợp với bước đi của cải cách bộ máy nhà nước, chế độ công chức công vụ do định hướng cải cách phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ các cơ quan TAND (cả về nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy, sự đáp ứng về chuyên môn trong XLVPHC theo thủ tục mới), sự cải cách mạnh mẽ và thích ứng của các cơ quan hành chính nhà nước trong hoạt động xử phạt với sự thay đổi rất lớn về chức danh, quy mô, thẩm quyền, trình tự thủ tục…
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19423/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/