Nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ 4
Tăng năng suất đóng vai trò quan trọng trong gia tăng của cải cho quốc gia. Trong môi trường toàn cầu hóa, gia tăng cạnh tranh quốc tế, tăng năng suất ngày càng dóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.
Ở cấp độ doanh nghiệp, tăng năng suất là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp, là cơ sở để nâng cao thu nhập, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động. Năng suất là làm việc thông minh hơn, thay vì làm việc chăm chỉ hơn. Nó phản ánh khả năng tạo ra đầu ra tốt hơn bằng cách kết hợp đầu vào một cách hiệu quả nhờ những ý tưởng sáng tạo, tiến bộ công nghệ cũng như đổi mới và cải tiến quản lý sản xuất, mô hình kinh doanh. Năng suất là không ngừng cải tiến để vươn tới sự tốt đẹp hơn.
Kể từ Thập niên Chất lượng lần thứ Nhất (1996-2005), các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) ở Việt Nam đã được hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm đến vấn đề cải tiến NSCL và đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao NSCL.
Thực hiện Thập niên Chất lượng lần thứ Hai; thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Chương trình gồm 9 dự án thành phần do 7 Bộ quản lý ngành và 63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì thực hiện.
Trong gần 10 năm thực hiện, Chương trình đã thu được những kết quả đáng khích lệ: Nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng cho cộng động doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ và phương pháp cải tiến năng suất chất lượng; hào tạo nguồn nhân lực và tăng cường hệ thống hạ tầng về năng suất chất lượng... Chương trình đã tạo được sự gắn kết giữa khoa học công nghệ và sản xuất, đời sống; nhận được sự phản hồi, đánh giá tích cực từ xã hội, doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Chương trình cũng còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, và tồn tại như: Có xu hướng chú trọng về mặt lượng hơn là mặt chất; số lượng các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý có liên quan tham gia chưa nhiều, chưa thực sự đồng đều ở các lĩnh vực, nghành nghề, vùng miền, loại hình doanh nghiệp...
Cùng với sự thay đổi nhanh của môi trường quốc tế và sự phát triển của khoa học công nghệ. Qua khảo sát thực tế nhu cầu tại các doanh nghiệp cho thấy, việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới là hết sức cần thiết.
Vì vậy, vấn đề nghiên cứu, đánh giá kết quả, hiệu quả Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” và đề xuất định hướng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn đến năm 2030 là một vấn đề cấp thiết. Do vậy, Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Kim Thanh cùng nhóm nghiên cứu tại Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện nghiên cứu: Đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai Chương trình quốc gia năng suất chất lượng giai đoạn đến năm 2020 và đề xuất định hướng thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ 4.
Việc hình thành và triển khai phong trào năng suất quốc gia đã được khẳng định về sự cần thiết cũng như tác động to lớn của nó đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Phong trào năng suất quốc gia đã được nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước thành viên của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) triển khai từ những năm 1955 đến nay.
Phong trào năng suất quốc gia ở các quốc gia khác nhau cũng có những đặc thù khác nhau, tuy nhiên, điểm chung là mỗi giai đoạn khác nhau thì phong trào năng suất quốc gia của các nước đều được xác định, định hướng các chủ đề, nội dung cụ thể trên cơ sở đánh giá thực trạng triển khai giai đoạn trước và bối cảnh, nhu cầu, xu hướng phát triển của giai đoạn tiếp theo.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và ở châu Á nói riêng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo, Đài Loan, Malaixia… đã dành sự quan tâm đến vấn đề năng suất trong bối cảnh mới. Phong trào/hoạt động nâng cao năng suất quốc gia của các nước đã được xây dựng, điều chỉnh cho phù hợp xu hướng quốc tế và bối cảnh đất nước.
Sau thời giang nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Đề tài hoàn thành đầy đủ số lượng, khối lượng, chủng loại sản phẩm theo đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Thuyết minh, Hợp đồng; đáp ứng mục tiêu đề ra
- Sản phẩm của nhiệm vụ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khoa học đề ra; có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, có tính ứng dụng cao và đã được sử dụng vào thực tế (Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả, hiệu quả dự án, chương trình 60 NSCL chuyển giao cho cơ quan quản lý Chương trình phục vụ hoạt động tổng kết chương trình, dự án; rút ra các bài học, kinh nghiệm trong các hoạt động tiếp theo.
- Cung cấp một số luận cứ khoa học, thực tiễn là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao NSCL giai đoạn 2021-2030.
- Sản phẩm của đề tài đã được chuyển giao, sử dụng trong thực tế. Sản phẩm đề tài được sử dụng rộng rãi tại các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Báo cáo tổng kết Chương trình đã cung cấp thông tin phục vụ hoạt động truyền thông, quảng bá Chương trình (đăng tải trên Tạp chí Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Tạp chí Tài chính, Tạp chí Chất lượng&Cuộc sống; Báo điện tử vietq, điện tử tài chính; sử sụng trong các chuyên đề/phóng sự trên truyền hình…). Báo cáo tổng kết Chương trình được sử dụng trong Hội nghị tổng kết Chương trình, dự án NSCL; xây dựng Phim tư liệu về Chương trình; chuyên san 10 năm NSCL…
Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2021-2030 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1322/QĐTTg được chuyển tới các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội... để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Đề tài thực hiện đúng thời gian quy định, tuân thủ các quy định về tổ chức thực hiện
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19458/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/