Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 19-04-2024

Nghiên cứu phát triển, sử dụng và bảo tồn bền vững một số loài hoa lan đặc hữu, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Lâm Đồng - Tây Nguyên

Việc nghiên cứu nhân giống những loài lan đặc hữu, quý hiếm và có giá trị kinh tế này không những đem lại tiềm năng kinh tế to lớn của họ Lan mà còn góp phần bảo vệ nguồn gen thiên nhiên quý hiếm và tạo nguồn nguyên liệu ban đầu để lai tạo ra các con lai mới có giá trị kinh tế. Đặc biệt là trong tình trạng nguồn tài nguyên này đang bị khai thác cạn kiệt và môi trường sống tự nhiên của họ Lan ngày càng bị thu hẹp. Sau khi đã hoàn thiện được các bước từ nhân giống đến chăm sóc cây trưởng thành ở điều kiện bán hoang dã, tán rừng tự nhiên thì việc làm tiếp theo là sẽ xây dựng các mô hình trồng lan bán hoang dã, việc làm này vừa nhằm mục đích bảo tồn nguồn gen các loài lan một cách có hiệu quả, vừa nhằm phục vụ loại hình du lịch sinh thái.

Kết quả nhân giống, trồng thử nghiệm thành công các loài Lan có giá trị kinh tế cao ở các mô hình khác nhau đã mở ra một hướng mới bảo tồn và phát triển các giá trị tài nguyên sinh vật đặc hữu của Tây Nguyên. Các mô hình được xây dựng hoàn toàn có điều kiện phát triển mở rộng cho nhiều vùng ở Tây Nguyên, chẳng những có thể bù đắp các thiếu hụt do khai thác quá mức nguồn tài nguyên họ Lan mà còn tạo điều kiện cho phát triển thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Xuất phát từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên do TS. Nông Văn Duy dẫn đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển, sử dụng và bảo tồn bền vững 05 loài Lan (Dendrobium nobile, Dendrobium trankimianum, Paphiopedilum villosum, Phaius baolocensis và Phaius tankervilleae) đặc hữu, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Lâm Đồng - Tây Nguyên” từ năm 2020 đến năm 2021.

Dưới đây là một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:

- Đã xác định được cấu trúc thảm thực vật, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở 3 địa điểm triển khai mô hình là Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm và Vườn Quốc gia bidoup - Núi Bà

- Đã thu thập mẫu vật và xác định được đặc điểm hình thái, sinh thái, phân bố, hiện trạng và giá trị sử dụng của 5 loài Lan Dendrobium nobile, Dendrobium trankimianum, Paphiopedilum villosum, Phaius baolocensis và Phaius tankervilleae.

- Đã nghiên cứu quy trình chăm sóc cây con sau ống nghiệm và các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trưởng thành về khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên.

Qua các kết quả nghiên cứu nội nghiệp và ngoại nghiệp, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được các nhóm quy trình sau: Quy trình kỹ thuật chăm sóc cây con Dendrobium nobile và Dendrobium trankimianum sau ống nghiệm; quy trình kỹ thuật chăm sóc cây con Paphiopedilum villosum, Phaius baolocensis và Phaius tankervilleae sau ống nghiệm;  quy trình kỹ thuật chăm sóc cây Dendrobium nobile, Dendrobium trankimianum trưởng thành về khả năng thích nghi với điều kiện bán hoang dã, tán rừng tự nhiên; và quy trình kỹ thuật chăm sóc cây Paphiopedilum villosum, Phaius baolocensis và Phaius tankervilleae trưởng thành về khả năng thích nghi với điều kiện bán hoang dã, tán rừng tự nhiên.

- Đã triển khai một số mô hình trồng lan bán hoang dã:

Mô hình 1: Triển khai tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên diện tích trên 500m2 dưới tán cây của vườn thực vật, số lượng 4.000 cây (500 cây Hoàng thảo trần kim, 1.000 cây Hoàng thảo dẹt, 1.000 cây Lan Hài vàng, 500 cây Hạc đính bảo lộc, 1.000 cây Hạc đính nâu).

Mô hình 2: Triển khai tại tiểu khu 157 nằm trong Khu du lịch thác Bảo Đại diện tích 1.000m2 dưới tán rừng cây lá rộng, số lượng 8.000 cây (500 cây Hoàng thảo trần kim, 3.000 cây Hoàng thảo dẹt, 2.000 cây Lan Hài vàng, 1.000 cây Hạc đính bảo lộc, 1.500 cây Hạc đính nâu).

Mô hình 3: Triển khai tại tiểu khu 91 thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, diện tích 1.000m2 dưới tán rừng cây lá rộng và lá kim, số lượng 8.000 cây (500 cây Hoàng thảo trần kim, 5.100 cây Hoàng thảo dẹt, 1.000 cây Lan Hài vàng, 700 cây Hạc đính bảo lộc, 700 cây Hạc đính nâu).

Sau một năm triển khai và theo dõi, đến mùa sinh trưởng (mùa mưa) tất cả các loài đều sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên. Các mô hình hoàn toàn có điều kiện phát triển mở rộng cho nhiều vùng ở Tây Nguyên, chẳng những có thể bù đắp các thiếu hụt do khai thác quá mức nguồn tài nguyên họ Lan mà còn tạo điều kiện cho phát triển thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

Kết quả của đề tài giúp bảo tồn nguồn gen của 5 loài lan được đề cập, đồng thời góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Lâm Đồng - Tây Nguyên.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19651/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 24
Hôm nay: 4495
Tổng lượt truy cập: 3.948.418
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!