Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đối với cảng biển
Hiện tại, Việt Nam đang có 44 cảng biển bao gồm 11 cảng biển loại I, 03 cảng biển loại IA, 17 cảng biển loại II, 13 cảng biển loại III. Trong đó, khu vực cảng biển phía Bắc là cửa ngõ kết nối tiếp giáp với các quốc gia Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông, khu vực cảng biển miền Nam có vị trí kết nối các nước châu Á trên tuyến vận tải quốc tế đi các châu lục khác.
Có thể nói, phát triển cảng biển là một trong các lĩnh vực quan trọng trong chính sách phát triển ngành hàng hải của Việt Nam, tuy nhiên sự gia tăng về số lượng cảng biển và mật độ tàu thuyền trong hoạt động hàng hải cũng đang làm gia tăng mối đe dọa về ô nhiễm môi trường biển. Các công trình sản xuất, nhà máy đóng tàu biển, các công trình đảm bảo du lịch và nhiều hoạt động khác đều tác động xấu đến môi trường tự nhiên của biển. Nước thải, chất thải rắn, đặc biệt là chất thải có dầu, mỡ và kim loại nặng từ hoạt động giao thông vận tải hàng hải là các tác nhân gây sức ép rất lớn lên môi trường biển. Theo ước tính, hoạt động giao thông vận tải biển đóng góp đến 18% trong việc gây ô nhiễm môi trường biển. Việc ùn tắc hàng hóa và cơ sở hạ tầng lâu năm tại cảng cũng gây ra nguy cơ ô nhiễm chất thải rắn, nước thải nghiêm trọng. Mặt khác, việc xin mở cảng của các địa phương sẽ phá vỡ quy hoạch, hoạt động khai thác hệ thống cảng biển (công trình sản xuất, nhà máy đóng tàu…) tác động không nhỏ đến môi trường. Việc cung cấp dầu mỡ, nhiên liệu sửa chữa cho tàu và vứt bừa bãi các loại chất thải dính dầu mỡ… là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm vùng nước cảng biển. Đặc biệt, đổ thải hoặc rò rỉ các hóa chất ra biển cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài cho môi trường biển và khó có thể khắc phục được hậu quả. Ngoài ra, chất thải từ các hoạt động tại khu vực cảng biển tác động và ảnh hưởng đến môi trường sống của hệ sinh thái thủy sinh khu vực, giảm chất lượng môi trường nước biển, giảm nguồn lợi thủy sản.
Tại Điều 9 của Nghị định quy định rõ về điều kiện về bảo vệ môi trường trong kinh doanh khai thác cảng biển. Theo đó, doanh nghiệp phải đảm bảo có đủ các phương tiện tiếp nhận, thu hồi các chất thải từ tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển để xử lý theo quy định của Công ước MARPOL mà Việt Nam là thành viên; có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với cảng biển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; đồng thời phải đảm bảo có đầy đủ nhân lực, hệ thống, công trình, thiết bị quản lý và xử lý chất thải phát sinh tại khu vực cảng biển theo quy định tại Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tại khoản 2, Điều 13 của Nghị định quy định rõ: “Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể về kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đối với cảng biển theo quy định của pháp luật”. Do vậy, TS. Nguyễn Thị Phương Mai cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Môi trường thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đối với cảng biển” với mục tiêu: Làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn về phòng, chống ô nhiễm môi trường đối với cảng biển; Xây dựng hướng dẫn lập kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đối với cảng biển phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm hoàn thiện công cụ quản lý môi trường đối với cảng biển.
Qua tổng quan các tài liệu trong nước cho thấy vấn đề môi trường cảng biển đã được các nhà khoa học, quản lý quan tâm nghiên cứu. Trong các tài liệu dẫn chứng trên đây, vấn đề môi trường cảng biển được đề cập, nghiên cứu ở nhiều góc độ, dưới dạng đề tài khoa học, luận văn, luận án, bài viết tạp chí… Các tài liệu tập trung nghiên cứu, đánh giá các nguồn tác động đến chất lượng môi trường biển, thực trạng môi trường cảng biển, thực trạng quản lý môi trường cảng biển của một số khu vực cụ thể. Các nghiên cứu được thực hiện dưới những quan điểm, góc độ, mục tiêu khác nhau và áp dụng các cách tiếp cận, phương pháp thực hiện khác nhau nhưng chủ yếu thông qua việc đánh giá thực trạng môi trường cảng biển sẽ đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường cảng biển. Ngoài ra, qua việc rà soát, tổng quan các nghiên cứu đã có cho thấy vấn đề bảo vệ môi trường biển nói chung được tập trung sâu hơn, các nghiên cứu về môi trường cảng biển nêu trên chỉ tập trung tại một số khu vực cảng cụ thể. Chưa có nghiên cứu đánh giá toàn diện về các nguy cơ môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển tại Việt Nam hiện nay để đề xuất nên các giải pháp quản lý đồng bộ nhằm ngăn ngừa các tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với môi trường trong quá trình vận hành cảng.
Ngành Hàng hải là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước, cơ sở hạ tầng hàng hải tương đối hoàn thiện với 45 cảng biển, trong đó: 2 cảng biển loại I A; 12 cảng biển loại I; 18 cảng biển loại II và 13 cảng biển dầu khí ngoài khơi, cảng biển loại III (cảng dầu khí ngoài khơi), tổng công suất thiết kế đạt 550 triệu tấn hàng/năm, đón nhận hơn 120 nghìn lượt tàu biển mỗi năm. Tuy nhiên, các hoạt động của cảng, tàu thuyền, hoạt động nạo vét có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh công tác bảo vệ môi trường cảng biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết tích cực đạt được, vẫn còn những hạn chế bất cập trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm tại các cảng biển. Đặc biệt, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp cảng vẫn thụ động trong hoạt động kiểm soát ôn nhiễm, phòng ngừa sự cố môi trường tại cảng biển. Một trong những nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa xây dựng được kế hoạch thực hiện kiểm soát trong giai đoạn vận hành cảng. Do đó việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đối với cảng biển” là hết sức cần thiết.
Đề tài đã nghiên cứu một cách tổng thể, khoa học về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với cảng biển. Đề tài rút ra một số kết luận như sau:
1. Trên cơ sở rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Bộ Luật Hàng hải 2015, Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành, đề tài đã có tổng hợp đánh giá để làm rõ cơ sở khoa học của hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường cảng biển Việt Nam.
2. Đề tài đã thực hiện đánh giá tổng quan các nghiên cứu trong nước và quốc tế về công tác bảo vệ môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển nói riêng. Đặc biệt thông qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các mô hình quản lý cảng biển tiên tiến và việc xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm môi trường cảng, đề tài đã rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng, ban hành chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp cảng biển trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường
3. Trên cơ sở đánh giá thực trạng thực hiện công tác bảo vệ môi trường biển về việc 24 thực thi công tác bảo vệ môi trường, thực hiện phối hợp giữa các cơ quan có liên quan và các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường cảng biển, đề tài đã phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập trong các quy định của chính sách và những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý trong việc thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường cảng biển để đề xuất xây dựng hướng dẫn phòng chống ô nhiễm cảng biển phù hợp.
4. Trên cơ sở các nguồn phát sinh chất thải của các cảng biển, hiện trạng ô nhiễm môi trường biển, đề tài đã nhận định các tác động của hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển, các hoạt động kinh tế - xã hội có liên quan (thi công, nạo vét cảng biển; Hoạt động tàu đến cảng biển; Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ; Hoạt động kinh doanh, khai thác cảng biển) để xác định các xu thế tác động của cảng biển tới môi trường
5. Đề tài đã xây dựng được tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng chống ô nhiễm môi trường cảng biển giai đoạn vận hành, khai thác cảng biến, áp dụng cho đối tượng là các doanh nghiệp cảng. Kế hoạch được xây dựng với mục đích để giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển từ hoạt động cảng biển tại Việt Nam; chủ động chuẩn bị các nguồn lực, phương án, phương tiện, thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố môi trường; Nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của các doanh nghiệp cảng biển trong việc xây dựng và thực hiện công tác bảo vệ môi trường cảng biển tại Việt Nam.
6. Kết quả thử nghiệm tại 2 cảng Container Quốc tế - Hải Phòng và Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh cho thấy tài liệu hướng dẫn có tính khả thi cao trong thực tế cũng như đã giúp được doanh nghiệp phân tích, dự báo những nguy cơ rủi ro đối với môi trường. Đồng thời cũng đã đề xuất được biện pháp phòng, chống đối với từng loại nguy cơ ô nhiễm tại 2 cảng thử nghiệm.
7. Đề tài đã xây dựng được dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường cảng biển. Đây là sản phẩm quan trọng được chuyển giao cho cơ quan quản lý để phục vụ cho việc ban hành các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với cảng biển trong thời gian tới.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19724/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.